Nhìn lại 1 thập niên sôi động của thị trường giải trí quốc tế
Văn hóa - Ngày đăng : 07:13, 01/01/2020
Thế hệ streaming ‘ra đời’
Đầu năm 2010, diễn đàn streaming nhạc trực tuyến nổi tiếng Spotify có chưa đến 1 triệu lượt người đăng kí, Netflix - trang streaming phim đình đám ngày nay - khi ấy chỉ tương đối khá hơn, với khoảng 12 triệu lượt đăng kí sử dụng. Ở thời điểm này, ‘dịch vụ streaming’ vẫn đơn thuần là ý niệm gây tò mò.
Sau 10 năm, tuy nhiên, Spotify đã thu hút 248 triệu tài khoản đăng kí, Netflix đứng sau với hơn 158 triệu người dùng.
Spotify đang được mệnh danh ‘ông hoàng’ nhạc số với 248 triệu khách hàng đăng kí sử dụng trên khắp thế giới (Ảnh: Bloomberg)
Streaming giờ đây được ‘bình thường hóa’ như nhiều hoạt động giải trí thông dụng khác: thế giới phim điện ảnh, truyền hình, nhạc số đều được truyền tải bằng một phương thức hiện đại, một chọn lựa ‘nhanh-gọn’ cho bất kì ai muốn thưởng thức nội dung văn hóa. Mọi thứ dường như luôn sẵn có vào mọi lúc.
Sự nghiệp của nhiều nghệ sĩ có thể được tạo dựng -- hay tái dựng -- cũng nhờ những diễn đàn streaming. Chuyện tiêu thụ đĩa CD/DVD phim, nhạc, đã trở thành quá khứ.
YouTube, mặt khác, đã trở thành ‘thánh đường’ của mọi loại hình giải trí. Từ thế hệ Z (những người ra đời sau năm 1995) cho đến đại bộ phận thanh thiếu niên trẻ tuổi hơn, đây là địa chỉ quen thuộc để tìm kiếm những trào lưu và nghệ sĩ đương đại ‘hot’ nhất.
Giải trí trực tuyến đang trở nên đặc biệt khả dụng với dịch vụ streaming (Ảnh: iStock)
Công nghệ mạng internet phát triển vượt bậc càng trở thành động lực biến dịch vụ streaming thành thú vui giải trí phổ biến hơn bao giờ hết -- điều vốn 1 thập niên trước vẫn là viễn tưởng.
Thực tế, ngành thương mại trò chơi điện tử lẫn thể thao điện tử (e-sports) đều đang hưởng lợi lớn nhờ streaming. Bằng chứng là những tựa game đối kháng đa người chơi như Fortnite, đã xây dựng danh tiếng vươn ra toàn cầu thông qua hình thái streaming trực tiếp.
Người dùng mạng đang có khuynh hướng rời xa màn hình máy tính để bàn hay chiếc tivi cố định quen thuộc -- thay vào đó, lựa chọn smartphone và máy tính bảng linh động cho việc nghe nhạc, xem phim, đọc tin tức,..
Khi nước Mỹ bắt đầu mở rộng mạng lưới 5G, ‘cơn sốt’ streaming hứa hẹn sẽ càng ‘nóng’ hơn.
Đỉnh cao của truyền hình: những ‘bữa tiệc’ giải trí vô độ
Ngày trước, hẳn bạn từng trãi qua cảnh phải ‘lỡ hẹn’ với một show truyền hình yêu thích. Thậm chí những khán giả nước ngoài có thể phải chờ đợi lâu hơn để thưởng thức tác phẩm mong muốn trên truyền hình.
Giờ đây, không ai phải đợi chờ nữa, khi những chiếc DVR (máy ghi video kĩ thuật số) đã được bày bán rộng rãi.
Cùng với dịch vụ streaming, sự đổi thay chậm rãi của nhiều nhà đài - từ hệ thống kênh và lịch phát sóng truyền thống đến dấu ấn ‘điện tử hóa’ trên hàng loạt cấp độ, khiến truyền hình trở thành ngành giải trí toàn cầu.
Đã qua rồi thời khán giả phải kiên nhẫn chờ suốt tuần chỉ để đón xem 1 tập phim mới. Hiện tại, bạn có thể dễ dàng thưởng thức ‘thả ga’ chương trình yêu thích khi những ‘ông lớn’ của thị trường streaming như Netflix, Hulu, hay Amazon đều chọn đăng tải toàn bộ series cùng lúc.
Cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa mạng lưới truyền hình cũ và mới, những kênh truyền hình cáp cùng những ‘gã khổng lồ’ thuộc địa hạt streaming đang lôi cuốn thêm nhiều nghệ sĩ, nhà sản xuất tài năng -- điều đòi hỏi cả ngân vốn ‘khủng’ -- giúp tạo ra không ít tác phẩm nổi bật xuyên suốt 1 thập niên qua, với hàng trăm chương trình mới được dựng mỗi năm.
‘Game of Thrones’ - dự án ăn khách của HBO vừa chính thức ‘đóng máy’ sau 8 season. (Ảnh: HBO)
‘Game of Thrones’, lên sóng từ năm 2011 và vừa kết thúc mùa cuối đầu năm 2019, có lẽ là đề cử hoàn hảo minh chứng cho sức hút của truyền hình ngày nay.
Series phim đầy cảnh nóng cùng chi tiết hành động đẫm máu, xoay quanh một cuộc chiến vương quyền phức tạp, đã mê hoặc khán giả quốc tế, nhận ‘cơn mưa’ giải thưởng, kéo theo chuỗi lợi nhuận thương mại đáng kể từ những tour giao lưu quốc tế, sản phẩm lưu niệm và hội nghị truyền thông.
Kể cả khi bạn không quá hứng thú với dòng phim hành động lịch sử, vẫn còn nhiều gợi ý truyền hình xuất sắc của thập niên để tham khảo: series chính kịch giật gân ‘Breaking Bad’, hoặc tác phẩm kinh dị 18+ ‘The Handmaid’s Tale’.
Ghi dấu trong lĩnh vực tâm lý - hài là một số dự án ấn tượng không kém: đề cử hài châm biếm ‘Modern Family’, series hài hước xoay quanh những chính khách - ‘Veep’, và ‘The Marvelous Mrs Maisel’ - câu chuyện thú vị về 1 nữ nghệ sĩ hài độc thoại phát hành bởi Amazon.
Disney ‘xưng vương’
Nếu trước kia, Disney từng rơi vào giai đoạn chật vật cố giữ vị thế một đơn vị sản xuất danh tiếng, thì giờ đây, nhìn qua số liệu doanh thu, cái tên đứng đầu trong số những xưởng phim ‘ăn nên làm ra’ nhất của Hollywood chính là ‘ông trùm’ thể loại hoạt hình.
Năm nay, gần 1/3 tổng lợi nhuận phòng vé nội địa Bắc Mỹ rơi vào ‘túi’ Disney. Ở thị trường toàn cầu, con số doanh thu đã lên đến ‘cột mốc’ choáng ngợp: 10 tỉ USD, chỉ riêng trong năm 2019.
Thống kê trên đã có từ trước khi bản phim được chờ đón ‘Star Wars: The Rise of Skywalker’ ra mắt đầu năm sau, vượt qua cả kỉ lục doanh thu quốc tế 7,6 tỉ USD xác lập năm 2016 cũng do chính Disney.
Robert Downey Jr. (‘Iron Man’) dẫn đầu dàn diễn viên ‘siêu anh hùng’ thuộc series bom tấn ‘Avengers’ - ‘đứa con cưng’ đã thu về hàng tỉ đô doanh thu cho Marvel và Disney (Ảnh: AFP)
Sau khi mua lại Marvel năm 2009, để bắt đầu rao bán những tác phẩm phim siêu anh hùng tại phòng vé toàn cầu trong suốt thập niên vừa qua, CEO của Disney - Bob Iger - nhanh chóng xác nhập xưởng Lucasfilm (đơn vị sản xuất ‘Star Wars’) năm 2012, và mới nhất là hãng Fox (đứng sau thành công của ‘X-Men’ và ‘Avatar’). Dễ thấy, công cuộc khẳng định tên tuổi của ‘Nhà Chuột’ vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Trên hết, vài năm trở lại đây, Disney đã ‘khởi động’ loạt seris phim re-make (dựng lại) từ những dự án hoạt hình biểu tượng trong quá khứ, từ ‘The Jungle Book’ đến ‘Aladdin’.
Đặc biệt, không thể không nhắc đến ‘Frozen’ - một ‘hiện tượng’ điện ảnh toàn cầu với sức hút khán giả khó tin.
Dàn cast của ‘Frozen 2’ (Ảnh: AFP)
Theo Paul Degarabedian, chuyên viên của Comscore - công ty phân tích dữ liệu truyền thống uy tín tại Mỹ, Disney vừa trãi qua “một thập niên vô cùng đáng nhớ”.
Thời đại của sự ‘đa dạng hóa’
‘Old Town Road’ - ca khúc hit theo phong cách nhạc đồng quê pha lẫn rap của nghệ sĩ trẻ Lil Nas X - trở thành ví dụ mới nhất ‘điểm xuyết’ cho 1 thập niên đầy nét đa dạng trong ngành công nghiệp giải trí.
Trong khi Lil Nas X - một thanh niên da màu bắt đầu tạo dấu ấn nơi thế giới nhạc đồng quê tưởng chừng chỉ thuộc về những ca sĩ da trắng, K-pop cũng đang tiến bước thuận lợi trên con đường ‘quốc tế hóa’ với vô số đề cử giải thưởng.
Lil Nas X biểu diễn tại sự kiện BET Awards 2019 với bản hit toàn cầu ‘Old Town Road’ (Ảnh: AFP)
Bản hit nổi danh ‘Gangnam Style’ đã ‘thổi bùng’ làn sóng nhạc Hàn tại thị trường quốc tế cùng điệu múa ‘cưỡi ngựa’ -- thứ bạn có thể trông thấy ở khắp nơi vào năm 2012 khi bài hát được phát hành.
Loại hình nhạc điện tử như trap và reggaeton đậm chất Mỹ Latin cũng cho thấy sức ảnh hưởng không kém -- ‘Despacito’ (2017), ca khúc từng ‘gây bão’ toàn cầu hiện vẫn thuộc top video với lượt xem cao nhất của YouTube (6,5 tỉ lượt view).
Trên truyền hình, tác phẩm tiên phong của Amazon, ‘Transparent’ đã thay đổi hoàn toàn cách người chuyển giới được mô tả trên màn ảnh. Trong khi đó, bom tấn điện ảnh ‘Black Panther’ đình đám của Marvel giúp tái định nghĩa dòng phim thị trường với dàn diễn viên chính đều là nghệ sĩ da màu.
Tài tử ‘Black Panther’ - Chadwick Boseman - tại lễ trao giải Oscars 2018 (Ảnh: AFP)
Viện hàn lâm Khoa học và Điện ảnh Mỹ, đơn vị chịu trách nhiệm dàn dựng lễ trao giải Oscars, gần đây đã quyết định đa dạng hóa thành viên và quy trình bỏ phiếu bầu chọn giải thưởng, sau giai đoạn bùng nổ làn sóng đấu tranh lên án hành vi phân biệt sắc tộc.
Tương tự, phía tổ chức giải thưởng âm nhạc Grammy hiện cho thấy nhiều đổi thay tích cực trong việc đa dạng hóa tiêu chí xét thưởng, nghệ sĩ bình chọn, với sự ưu ái tốt hơn đối với nghệ sĩ nữ.
Những ‘nữ hoàng’ mới của nền âm nhạc
Trong ngành công nghiệp âm nhạc cạnh tranh liên tục hiện nay, giọng hát hay vẫn là chưa đủ. Nhiều danh ca còn phải khẳng định mình ở đa dạng lĩnh vực.
Beyonce chính là ‘diva’ đa tài của làng nhạc quốc tế trong thập niên 2010, với màn ca vũ ‘đầy lửa’ tại Coachella, góp giọng chính trong bản phim ‘The Lion King’ mới nhất, tham gia chuỗi tour lưu diễn thế giới cùng chồng - rapper Jay-Z và 2 lần khẳng định vị thế ngôi sao ở sự kiện Super Bowl. Bên cạnh đó, nữ ca sĩ da màu vẫn dành thời gian mở rộng thương hiệu thời trang riêng, Ivy Park. Dự án phim ca nhạc ‘Lemonade’ của cô cũng tạo ‘cú hit’ lớn với khán giả quốc tế.
Beyonce với 2 trong số một loạt cúp vàng Grammy của cô năm 2017 (Ảnh: AFP)
Những cái tên xuất chúng tiếp bước Beyonce, phải kể đến Rihanna - mỹ nhân gốc Barbados đang đặc biệt thành công với nhãn hiệu mỹ phẩm, thời trang cao cấp hút khách. Taylor Swift gây ấn tượng không kém với ‘bộ sưu tập’ 10 giải thưởng Grammy từ năm 2010. Kế đến là Lady Gaga, người ‘lấn sân’ thành công sang điện ảnh với vai diễn khó quên trong ‘A Star Is Born’.
Quyền năng ‘phục hưng’ thị trường âm nhạc, dễ thấy, đang thuộc về phái đẹp.
Như Ý (theo AFP)