Xét xử 2 cựu Chủ tịch Đà Nẵng: Các bị cáo khai làm theo chủ trương của thành phố
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 11:41, 03/01/2020
Sáng 3.1.2020, phiên tòa xét xử 2 cựu Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng, Vũ “nhôm” cùng các đồng phạm tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi.
Làm theo chủ trương để được tồn tại
Theo đó, bị cáo Nguyễn Công Lang (nguyên Giám đốc Công ty Quản lý nhà Đà Nẵng) khai người quyết định ra chủ trương liên quan đến các nhà đất công sản là Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng. Bị cáo không biết Phan Văn Anh Vũ có quan hệ thế nào với lãnh đạo Ủy ban. Tất cả các nhà đất đều đứng tên công ty, không biết Vũ “nhôm” đứng sau hàng loạt nhà đất công sản.
Quá trình chuyển nhượng nhà đất công sản, bị cáo làm theo văn bản chỉ đạo của Ủy ban, công ty chỉ là đơn vị tham gia và hoàn toàn không được hưởng lợi gì. Việc giao nhà đất sau khi chuyển nhượng, thay đổi tên người sử dụng đất, bị cáo Lang khẳng định đó là sai phạm nhưng trước đây, bị cáo chỉ làm theo văn bản của thành phố và lúc đó cũng không nắm chắc, chỉ thấy thành phố có chủ trương là làm và không có ý kiến gì.
Bị cáo Nguyễn Công Lang bị quy kết vì có hành vi sai phạm trong chuyển nhượng 21 nhà đất công sản. Theo bị cáo, việc giảm 10% tiền sử dụng đất, bị cáo thấy là có sai nhưng trước đây theo chủ trương của Ủy ban, các đơn vị nộp tiền sớm sẽ được giảm 10% tiền sử dụng đất. Việc giảm hệ số sinh lợi là do thị trường BĐS lên xuống…
Cáo trạng quy kết bị cáo Lang là đồng phạm, bị cáo thấy không oan nhưng quá nặng do bị cáo là cấp dưới và chỉ làm theo chủ trương của lãnh đạo thành phố. Nếu bị cáo không làm sẽ không thể tồn tại được.
Bán cho Vũ "nhôm"
Huỳnh Tấn Lộc (nguyên Tổng giám đốc Công ty Công nghệ phẩm Đà Nẵng) bị cáo buộc đã giúp sức cho Phan Văn Anh Vũ được mua nhà, đất số 37 Pasteur, gây thiệt hại cho Nhà nước tại thời điểm Cơ quan CSĐT Bộ Công an phát hiện khởi tố điều tra là hơn 112 tỉ đồng.
Nói về nhà đất số 37 Pasteur, bị cáo Lộc khai do thành phố có chủ trương bán nhà đất này cho các doanh nghiệp đang thuê nên công ty có làm đơn xin mua 4 nhà đất, nhưng Ủy ban chỉ giải quyết cho nhà đất là số 37 Pasteur và 57 Lê Duẩn.
Theo lời khai tại tòa của bị cáo Lộc, trước đó, bị cáo chưa gặp Vũ lần nào và cũng không quen biết Vũ; khi công ty được Ủy ban giải quyết cho mua nhà đất trên, lãnh đạo thành phố là Bí thư Nguyễn Bá Thanh và Chủ tịch Trần Văn Minh có gọi điện và nói cái nào không dùng thì bán cho Vũ.
Sau đó, Vũ có gọi điện để trao đổi mua 2 nhà đất nêu trên. Lúc đầu, Vũ đề nghị mua luôn 2 cái nhưng bị cáo nói chỉ nhượng lại được 1 cái là 37 Pasteur với diện tích 968m2, trên đất có tài sản gồm nhà cửa, kho bãi. Theo bị cáo Lộc, với chủ trương bán nhà đất công sản của thành phố, công ty của bị cáo là đối tượng được mua.
Theo cáo trạng, để có cơ sở pháp lý cho Vũ được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Huỳnh Tấn Lộc tiếp tục ký Tờ trình gửi UBND thành phố xin đổi tên người nhận quyền sử dụng đất sang cho Phan Văn Anh Vũ. Nguyễn Công Lang tiếp tục ký Báo cáo có nội dung tham mưu cho phép chuyển đổi tên nhận quyền sử dụng đất, và được Trần Văn Minh ký Văn bản cho phép chuyển đổi tên nhận quyền sử dụng đất từ Công ty Cổ phần Công nghệ phẩm Đà Nẵng sang cho cá nhân Phan Văn Anh Vũ theo đề nghị.
Theobị cáo Lộc, sau việc này, Vũ “nhôm” đã trả cho công ty hơn 1 tỉ đồng, trong đó có 500 triệu là tài sản trên đất, hơn 500 triệu là tiền di dời và bảo quản tài sản. Bản thân bị cáo không được lợi gì mà chỉ hoàn toàn có lợi cho công ty.
Trả lời trước tòa về những điều còn băn khoăn trong cáo trạng, bị cáo Lộc cho biết hơn 800 triệu đồng là tiền lợi nhuận trước thuế khi chuyển nhượng tài sản trên đất cho Vũ, không phải tiền hoa hồng Vũ trả cho công ty. Sau khi bán xong, công ty đã đóng thuế 182 triệu đồng. Lợi nhuận sau thuế, công ty đã trả lương, trả bảo hiểm cho người lao động và chia cổ tức cho các cổ đông.
Nhã Thanh