Bộ GD-ĐT: GS Hồ Ngọc Đại không đồng ý chỉnh sửa SGK
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 22:11, 03/01/2020
Chia sẻ với báo chí về việc bộ SGK của GS.TSKH Hồ Ngọc Đại và PGS.TS Nguyễn Kế Hào buộc phải chỉnh sửa thì mới được sử dụng trong thực tế, tuy nhiên GS Hồ Ngọc Đại vẫn khẳng định bộ sách của ông là một bộ sách đặc biệt nên phải thẩm định theo cách đặc biệt.
Theo đó, GS Hồ Ngọc Đại cho biết mục đích của ông khi tham gia đối thoại với Bộ GD-ĐT trong sáng 3.1 về bộ SGK của ông là ông tìm mọi cách để sách Công nghệ giáo dục được sử dụng trong năm học mới. Ông cho rằng SGK được biên soạn theo chương trình mới "là sản phẩm dịch vụ, đặt tiền rồi làm", chứ không phải công trình khoa học có tuổi đời hơn 40 năm như sách Công nghệ giáo dục. Bộ SGK của ông đã được nghiên cứu, thử nghiệm trong nhiều năm để trở thành một công trình khoa học hoàn thiện nên ông sẽ không chỉnh sửa thêm bất cứ điều gì. “Chương trình giáo dục phổ thông mới chỉ là nội dung, còn sách Công nghệ giáo dục là lý tưởng, mà lý tưởng thì không thay đổi", GS Hồ Ngọc Đại nêu quan điểm.
Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết Bộ không đồng tình với quan điểm của GS Hồ Ngọc Đại. Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ khẳng định: "Bộ GD-ĐT đã tạo điều kiện một cách tốt nhất để bộ SGK của GS Hồ Ngọc Đại có thể sử dụng trong thực tế. Tuy nhiên, Bộ GD đã thực hiện theo đúng Nghị quyết 88 của Quốc hội và Thông tư 33 ghi rõ các hồ sơ sách gửi về thẩm định phải trải qua quá trình thực nghiệm mới đủ điều kiện.
Cần lấy chương trình làm gốc, sách giáo khoa có thể điều chỉnh hàng năm. Vì thế nếu cho rằng cuộc thẩm định vừa rồi chỉ là bước một và tiếp tục thực nghiệm thì chưa thật đúng. Hồ sơ thực nghiệm phải gửi về Bộ trước khi tiến hành thẩm định, để công bố cho xã hội thấy đó là bộ sách có đủ điều kiện, tiêu chí đáp ứng được chương trình mới.
Sau 40 năm áp dụng giảng dạy ở nhiều nơi, sách Tiếng Việt 1 công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại bị hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa loại từ vòng đầu tiên
Việc GS Hồ Ngọc Đại và Phan Kế Hào đề xuất thẩm định một cách khác cho bộ sách riêng của mình thì rất khó để thực hiện vì phải làm một cách công bằng giữa các bộ SGK của các đơn vị khác. Bộ GD-ĐT cũng mong muốn bộ sách giáo khoa của GS Hồ Ngọc Đại được sử dụng trong nhà trường. Tôi cũng gợi ý cho thầy Đại là thầy nên nghiên cứu phương án điều chỉnh sách để đảm bảo yêu cầu với thực tế xã hội. Một trong những mục tiêu khi thực hiện chương trình giáo dục mới là khuyến khích có nhiều bộ sách giáo khoa đa dạng sử dụng trong các nhà trường" - Thứ trưởng Độ chia sẻ ngay sau buổi đối thoại.
Bên cạnh đó, đại diện Bộ GD-ĐT cũng khẳng định chương trình dạy học là gốc, chỉ có một chương trình thống nhất trên toàn quốc, còn các bộ SGK có thể điều chỉnh hàng năm theo nhu cầu thực tế xã hội. Các nhân sự tham gia hội đồng thẩm định đều là những người làm việc nghiêm túc, có trách nhiệm, minh bạch, không có áp lực. Tinh thần là để cho xã hội có bộ sách tốt nhất cho học sinh. Khi quán triệt với các thành viên của Hội đồng thẩm định, về phía Bộ GD-ĐT đã thống nhất với Chủ tịch, thành viên hội đồng, tạo điều kiện thuận lợi nhất bởi chúng ta thực hiện chủ trương xã hội hoá SGK.
"Nếu GS Hồ Ngọc Đại kiên quyết không sửa chữa bộ SGK thì Bộ GD-ĐT sẽ ghi nhận, tổng hợp ý kiến để báo cáo Chính phủ vào thời gian tới. Còn Hội đồng thẩm định và Bộ GD-ĐT đã làm theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng, các lý do để Hội đồng thẩm định từ chối bộ SGK của GS Hồ Ngọc Đại là hoàn toàn chính xác" - Thứ trưởng Độ cho hay.
Bộ SGK Công nghệ giáo dục với tư tưởng nhất quán lấy học sinh làm trung tâm, dạy học theo cách "thầy thiết kế, trò thi công" được GS-TSKH Hồ Ngọc Đại triển khai nghiên cứu, thử nghiệm từ năm 1978. Trong hơn 40 năm, bộ sách Công nghệ giáo dục đã chứng minh được hiệu quả từ việc dạy thử nghiệm đến thực hiện đại trà ở 48 tỉnh, thành. Trong đó từ năm 2006 đến nay, Tiếng Việt theo phương pháp Công nghệ giáo dục đã được Bộ GD-ĐT đưa trở lại với vai trò là giải pháp tăng cường dạy Tiếng Việt cho học sinh vùng khó khăn, cứu vãn tình trạng sa sút về chất lượng dạy học Tiếng Việt. Và khi Bộ GD-ĐT chuẩn bị triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới theo hướng "một chương trình, nhiều sách giáo khoa", Bộ GD-ĐT thành lập hội đồng thẩm định quốc gia để thẩm định các sách giáo khoa phục vụ việc dạy học theo chương trình mới. Các SGK của Công nghệ giáo dục cũng đăng ký thẩm định nhưng bị loại ngay từ vòng đầu. |