TP.HCM: Bệnh nhân nội trú ‘sợ’ điều gì ở bệnh viện?
Sự kiện - Ngày đăng : 06:00, 06/01/2020
Ngày 5.1, Sở Y tế TP.HCM đã chính thức công bố kết quả khảo sát sự trải nghiệm người bệnh nội trú trong 6 tháng cuối năm 2019. Trong cuộc khảo sát về sự trải nghiệm của người bệnh nội trú ở thời điểm 6 tháng cuối năm 2019 đã nổi lên nhiều nội dung trong hoạt động khám, điều trị nội trú khiến bệnh nhân “sợ”.
Theo đó, điều mà bệnh nhân nội trú “sợ” nhất chính là thời gian chờ làm các thủ tục nhập khoa nội trú, có 42,1% bệnh nhân nội trú ở các bệnh viện tuyến quận - huyện “sợ” điều này, còn ở bệnh viện tuyến thành phố thì có đến 46,8% bệnh nhân.
Đây là kết quả mà Sở Y tế TP.HCM tiến hành khảo sát trải nghiệm người bệnh điều trị nội trú trong 6 tháng cuối năm 2019 ở 5.716 người bệnh ngay trước khi xuất viện (đã hoàn tất thủ tục xuất viện) tại 98 bệnh viện, trong đó có 31 bệnh viện tuyến thành phố, 23 bệnh viện quận - huyện và 44 bệnh viện tư nhân.
Cũng theo kết quả khảo sát trên, những nội dung như: thời gian thực hiện thủ tục xuất viện, thời gian được bác sĩ khám khi mới vào nhập viện, hỗ trợ người bệnh có hoàn cảnh khó khăn... cũng là những điều khiến bệnh nhân nội trú “sợ” nhiều nhất.
Cụ thể, ở bệnh viện tuyến thành phố có đến 28,8% bệnh nhân “sợ” thời gian chờ thực hiện thủ tục xuất viện, 23,7% bệnh nhân “sợ” thời gian chờ được bác sĩ khám khi mới vào nhập viện... Ở bệnh viện tuyến quận - huyện, tỷ lệ bệnh nhân sợ những điều trên lần lượt là 28,6%, 23,2%...
Hiện nay thời gian làm các thủ tục nhập khoa nội trú ở các bệnh viện tuyến TP là 40 phút, còn các bệnh viện tuyến quận - huyện là 23 phút; thời gian chờ được bác sĩ khám khi mới vào nhập viện ở tuyến TP là 21 phút, còn tuyến quận - huyện là 14 phút.
Bên cạnh đó, vấn đề công khai giá dịch vụ y tế, giải thích bảo hiểm y tế tại khoa nội trú, thái độ của nhân viên y tế tại khoa nội trú, cơ sở vật chất - tiện ích phục vụ người bệnh...cũng khiến không ít bệnh nhân chưa có được trải nghiệm tốt.
Theo đánh giá của Sở Y tế TP.HCM trong 6 tháng cuối năm 2019, các bệnh viện đã tích cực cải tiến chất lượng, tỉ lệ trải ngiệm tích cực nhìn chung tăng đều về mọi mặt. Mặc dù thời gian chờ khám và làm các thủ tục nhập viện đã giảm so với 6 tháng đầu năm, nhưng là 2 lĩnh vực có trải nghiệm tích cực thấp nhất so với các lĩnh vực khác trong nhóm trải nhiệm lúc nhập viện.
Nhìn chung, đa số người bệnh có mức độ đánh giá khá tích cực về trải nghiệm mà họ đã trải qua tại các bệnh viện, nhưng vẫn có sự khác biệt giữa các bệnh viện tư nhân so với bệnh viện công lập. Cụ thể điểm đánh giá tổng thể trung bình các bệnh viện tuyến thành phố là 8,40 điểm, bệnh viện quận huyện là 8,21điểm,trong khi điểm đánh giá tổng thể các bệnh viện ngoài công lập cao hơn 8,76 điểm. Khi so sánh tiêu chí về người bệnh cam kết sẽ quay trở lại bệnh viện để tiếp tục điều trị thì bệnh viện tuyến tư nhân có tỷ lệ cao nhất, tiếp đến là khối bệnh viện quận - huyện và thành phố.
Hồ Quang