Ông Trần Quốc Vượng: 'Xử lý dứt điểm các vụ án liên quan Phan Văn Anh Vũ'

Sự kiện - Ngày đăng : 17:45, 06/01/2020

Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng đề nghị ngành Nội chính tham mưu xử lý dứt điểm các vụ án, vụ việc liên quan đến Phan Văn Anh Vũ, Đinh Ngọc Hệ và các vụ án, vụ việc dư luận xã hội quan tâm.

11 án tử hình vì tham nhũng

Phát biểu tại hội nghị tổng kết ngành Nội chính Đảngnăm 2019 ngày 6.1, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng đánh giá, ngành Nội chính Đảng đã làm tốt nhiệm vụ nghiên cứu, tham mưu, đề xuất nhiều chủ trương, định hướng lớn về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp với chất lượng ngày càng nâng cao.

Bên cạnh đó, ngành Nội chính Đảng đã tích cực, chủ động tham mưu cho các cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế, bảo đảm kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật, góp phần đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, với phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”.

Theo ông Trần Quốc Vượng, qua sơ kết, ban Nội chính các tỉnh ủy, thành ủy đã phát hiện, tham mưu chỉ đạo hơn 100 vụ, việc về tham nhũng, kinh tế. Trong năm 2019, ban Nội chính các tỉnh ủy, thành ủy phối hợp với các cơ quan chức năng tham mưu, đề xuất ban thường vụ, thường trực tỉnh ủy, thành ủy chỉ đạo xử lý 446 vụ án, vụ việc; xử lý dứt điểm 211 vụ việc, vụ án, qua đó góp phần tạo chuyển biến tích cực trong phát hiện, xử lý tham nhũng ở các địa phương.

Đối với vụ án, vụ việc thuộc diệnBan Chỉ đạo T.Ư về phòng chống tham nhũng (Ban Chỉ đạo)theo dõi, chỉ đạo đến nay đã đưa ra xét xử sơ thẩm 62 vụ với 720 bị cáo, tuyên phạt 11 án tử hình, 23 án tù chung thân; 10 bị cáo bị phạt án tù 30 năm; 23 bị cáo từ 20 - 30 năm tù.

“Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đến nay đã thi hành kỷ luật Đảng, xử lý hành chính, hình sự gần 80 cán bộ thuộc diện T.Ư quản lý, thể hiện quyết tâm rất cao của Đảng, nhà nước trong đấu tranh phòng chống tham nhũng”, ông Vượng nhấn mạnh.

Tham nhũng vẫn còn diễn ra ở nhiều nơi

Thường trực Ban Bí thư cũng đánh giá, ngành Nội chính các cấp đã chủ trì, phối hợp, tham mưu cho Ban Chỉ đạo kiểm tra, chấn chỉnh công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sựvề tham nhũng, kinh tế, nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản tham nhũng; rà soát, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, tham nhũng trong các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng.

Ông Vượng cho biết, trong năm qua, tham mưu, giúp các ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy tiến hành 302 cuộc kiểm tra, giám sát về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp; rà soát đối với 7.467 kết luận thanh tra kinh tế - xã hội, qua đó, đã phát hiện, kiến nghị cơ quan chức năng xử lý nhiều vụ, việc có dấu hiệu tham nhũng, kinh tế.

Bên cạnh những kết quả đạt được,Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượngcũng lưu ý, phương pháp tiến hành công tác kiểm tra, giám sát của cơ quan tham mưu, giúp việc của Đảng đối với lĩnh vực nội chính, phòng chống tham nhũng và cải cách tư pháp còn hạn chế.

“Ở một số lĩnh vực, địa phương, công tác phòng chống tham nhũng vẫn chưa chuyển biến mạnh mẽ, tham nhũng vẫn còn diễn ra ở nhiều nơi, gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp”, ông Vượng nêu rõ và đề nghị ngành Nội chính làm rõ nguyên nhân, đề ra các giải pháp khắc phục, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động của ngành Nội chính Đảng trong thời gian tới.

“Không có vùng cấm, không có đặc quyền, không có ngoại lệ”

Về nhiệm vụ thời gian tới, Thường trực Ban Bí thư đề nghị ngành Nội chính Đảng tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động trong đó, tập trung nghiên cứu, đề xuất những quan điểm, định hướng lớn về nội chính, phòng chống tham nhũng và cải cách tư pháp, trước mắt là phục vụ cho chuẩn bị Văn kiện đại hội XIII của Đảng và đại hội đảng bộ các cấp.

“Tham mưu giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống tham nhũng chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện các quy định của Đảng, thể chế, chính sách, pháp luật của nhà nước để “không thể tham nhũng”, nhất là các quy định về kiểm soát quyền lực, trách nhiệm người đứng đầu, công khai, minh bạch, cơ chế bảo vệ, khuyến khích người tích cực đấu tranh phòng chống tham nhũng, đồng thời xử lý nghiêm những người lợi dụng chống tham nhũng để chống phá Đảng, Nhà nước“, ông Vượng nhấn mạnh.

Một nhiệm vụ được Thường trực Ban Bí thư lưu ý nữa là tập trung tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo xử lý dứt điểm các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, góp phần đẩy mạnh hơn nữa cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng.

Hội nghị tổng kết công tác ngành Nội chính Đảng năm 2019, triển khai nhiệm vụ công tác năm 2020

"Cần phối hợp chặt chẽ hơn với các cơ quan chức năng tham mưu tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xử lý nghiêm minh các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế theo đúng tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo là “không có vùng cấm, không có đặc quyền, không có ngoại lệ, không chịu sức ép của bất cứ tổ chức, cá nhân nào”, ông Vượng nói, và đề nghị ngành Nội chính tham mưu xử lý dứt điểm các vụ án, vụ việc liên quan đến Phan Văn Anh Vũ, Đinh Ngọc Hệ và các vụ án, vụ việc dư luận xã hội quan tâm.

"Trong công tác phòng, chống tham nhũng, đồng chí Tổng bí thư đã nói, dù rất đau lòng, nhưng vì sự nghiêm minh của kỷ luật Đảng, sự thượng tôn pháp luật nhà nước, sự trong sạch, vững mạnh, uy tín của Đảng và ý nguyện của nhân dân, chúng ta phải tiếp tục làm, làm mạnh hơn nữa trong thời gian tới”, ông Vượng nhấn mạnh.

Chống tham nhũng trong cơ quan phòng chống tham nhũng

Bên cạnh đó, Thường trực Ban Bí thư lưu ý, cần tăng cường kiểm tra, giám sát trong các cơ quan Nội chính, nhất là kiểm tra, giám sát hoạt động thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, thực hiện có hiệu quả chủ trương của Đảng, chỉ đạo của đồng chí Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống tham nhũng:“Chống tham nhũng, trước hết trong các cơ quan có chức năng phòng chống tham nhũng”; chống lạm quyền trong hoạt động tư pháp.

“Tham mưu chỉ đạo tăng cường kiểm tra, thanh tra, kiểm toán các lĩnh vực có nhiều dư luận tiêu cực, tham nhũng (các dự án đầu tư lớn; quản lý sử, dụng đất đai; việc mua bán, chuyển nhượng tài sản công; cổ phần hóa, thoái vốn, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước; các dự án mua sắm lớn từ ngân sách nhà nước…”, ông Vượng chỉ rõ.

Ngoài ra, ông Vượng cũng lưu ý ngành Nội chính cần tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo xử lý kịp thời các vụ án, vụ việc có liên quan đến chính trị, đối ngoại.

“Phải quyết liệt hơn nữa, chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương giải quyết triệt để tình trạng bà con các địa phương tụ tập đông người trước các cơ quan T.Ư; phải giải quyết tận gốc của vụ việc, không để các thế lực thù địch lợi dụng việc khiếu kiện làm ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nhất là dịp tổ chứcđại hội Đảng các cấp và Đại hội XIII của Đảng", ông Vượng nói.

Kê biên, phong tỏa 23.000 tỉ đồng

Báo cáo của Ban Nội chính T.Ư cho hay, trong năm 2019, ngành Nội chính Đảng đã phối hợp với các cơ quan chức năng tham mưu có hiệu quả với Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo, Ban Chỉ đạo 110 chỉ đạo xử lý 55 vụ việc, 67 vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.

Trong đó đã kết thúc chỉ đạo xử lý 17 vụ án, 32 vụ việc; chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức và tham dự 22 cuộc họp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý nhiều vụ việc, vụ án.

Theo Ban Nội chính T.Ư, trong năm 2019, các cơ quan chức năng đã đưa ra xét xử sơ thẩm 20 vụ án với 85 bị cáo; xét xử phúc thẩm 15 vụ án với 157 bị cáo; nhất là đã đưa ra xét xử 6 vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.

Trong các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đã tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, ngăn chặn giao dịch có giá trị trên 23.000 tỉ đồng.

Theo Lê Hiệp/Thanh Niên

thanhnien