‘Tử thần’ giấu mặt từ những hàng đáy trên sông

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 11:07, 07/01/2020

Hàng đáy (loại bẫy dùng để bắt tôm cá - PV) trên sông được xem là những chướng ngại vật vô cùng nguy hiểm, luôn tìm ẩn tai nạn giao thông (TNGT) đường thủy. Dẫu biết là như vậy, song, vì chén cơm, manh áo nhiều hộ dân ở các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu vẫn bất chấp những lời cảnh báo từ cơ quan chức năng để cắm cọc đáy đăng bắt tôm cá ngay trên sông rạch để mưu sinh.

Hàng đáy - “tử thần” giấu mặt ở trên sông

Hiện nay, trên địa bàn H.Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu, có rất nhiều hàng đáy của người dân địa phương cắm trên sông để đăng bắt tôm cá. Nhiều hàng đáy dựng lấn ra hơn nữa sông, gây nhiều khó khăn cho các phương tiện thủy di chuyển. Những hàng đáy này được xem là “tử thần” giấu mặt ở trên sông, luôn chực chờ để gọi tên những người xấu số. Thực tế, đã có những vụ tai nạn chết người xảy ra, mà nguyên nhân chính là người điều khiển phương tiện không quen đường, đi vào ban đêm nên đã va vào cọc đáy bất tỉnh trước khi rơi xuống nước.

Anh C. - ngụ H.Đông Hải, cho biết: “Hàng đáy trên sông ở đây có rất nhiều nên gây nhiều khó khăn cho các phương tiện thủy khi di chuyển trên sông. Đặc biệt, vào ban đêm, có nơi thì người dân chong đèn báo hiệu chướng ngại vật để người đi đường dễ quan sát, có nơi thì không có. Vì vậy, đã có TNGT đường thủy xảy ra, bắt nguồn từ việc va chạm hàng đáy. Thường những vụ tai nạn xảy ra vào ban đêm, khi tầm nhìn bị che khuất, nhưng người điều khiển phương tiện đi trên sông với tốc độ cao, khi gặp chướng ngại vật thì không xử lý kịp nên dẫn đến tai nạn chết người”.

Theo anh C., đối với những vụ tại nạn va vào hàng đáy trên sông, thường thì chết người là chủ yếu. Bởi khi gặp nạn, nạn nhân thường bất tỉnh trước khi rơi xuống sông. Do không được phát hiện và tìm kiếm kịp thời nên thường nạn nhân gặp nạn trên sông đều tử vong trước khi được tìm gặp.

“Người bình thường khi lặn xuống nước nếu không có bình oxy thì không quá 5 phút nữa là ngoi lên mặt nước để thở rồi. Nếu người gặp nạn bất tỉnh ở dưới nước từng ấy thời gian thì 90% là chết rồi. Mà có bao giờ, người gặp nạn trên sông mà được tìm gặp ngay đâu. Vì vậy, họ chết là phải rồi! Nếu không bất tỉnh mà gãy tay, chân rơi xuống nước cũng chết luôn”, anh C. nêu quan điểm.

Ông A., chủ một hàng đáy trên sông, ngụ Cà Mau, cho hay: “Nghề đóng đáy trên sông là nghề có thu nhập chính của gia đình tôi, nếu không làm nghề này, thì gia đình chẳng biết làm gì để sống. Dù biết cắm nhiều cọc, rồi giăng lưới trên sông sẽ cản trở cho việc di chuyển của các phương tiện trên sông, nguy cơ mất an toàn giao thông nhưng tôi không thể nào dẹp bỏ hàng đáy này được, vì đó là cuộc sống, là cơm gạo để nuôi sống gia đình mình”.

Ông A. còn nói, thấy được sự nguy hiểm của hàng đáy trên sông, nên vào ban đêm, ông thường chong đèn để cảnh báo chướng ngại vật cho người tham gia giao thông trên sông nhìn thấy mà tránh né để không xảy ra tai nạn giao thông. “Hồi đó đến giờ, hàng đáy của gia đình tôi chưa bao giờ gây tai nạn cho bất kỳ ai đâu. Ban đêm tôi thường chong đèn rất sáng, đó là ý thức để góp phần hạn chế TNGT trên sông. Tôi sẵn sàng tháo dỡ hàng đáy của gia đình, nếu được nhà nước hỗ trợ chính sách chuyển đổi ngành nghề”, ông A. mong muốn.

Nỗ lực của cơ quan chức năng

Nhận thức được việc chướng ngại vật trên sông luôn tiềm ẩn tai nạn giao thông đường thủy là rất lớn. Thời gian qua, Ban An toàn giao thông H.Ngọc Hiển đã tuyên truyền, vận động người dân tháo dỡ các chướng ngại này nhằm đảm bảo lưu thông an toàn cho các phương tiện thuỷ, góp phần làm dừng, làm giảm số vụ TNGT xảy ra.

Ngành chức năng H.Ngọc Hiển (Cà Mau) quyết tâm giải tỏa các chướng ngại vật trên sông -Ảnh: Thanh Trần

Ông Nguyễn Thanh Sử, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng H.Ngọc Hiển (Cà Mau) thông tin, theo kết quả rà soát toàn huyện, hiện có gần 1.000 chướng ngại vật trên sông. Trong đó, đăng con giống, đáy neo gần 500, đáy cặm 422 miệng, đáy bè 54 miệng. Đây là những chướng ngại vật đã lâu và khó giải quyết dứt điểm.

Chính vì vậy, Ban An toàn giao thông H.Ngọc Hiển đã kết hợp Đội Thanh tra giao thông đường thuỷ số 9 của tỉnh Cà Mau cùng với các xã, thị trấn ra quân tuyên truyền, quyết tâm giải toả các chướng ngại vật trên sông. Kết quả, đã tháo dỡ 500 trụ đăng con giống, đáy neo, 30 miệng đáy cặm, 54 miệng đáy bè. Góp phần trả lại hiện trạng ban đầu, đảm bảo luồng tuyến an toàn giao thông đường thuỷ.

Nói về vấn đề giải tỏa chướng ngại vật là cột đăng, hàng đáy trên sông ở địa phương, ông Tiết Minh Khởi, Phó chủ tịch UBND TT.Rạch Gốc, H.Ngọc Hiển, chia sẻ: “Vừa qua, TT.Rạch Gốc kết hợp với Ban An toàn giao thông huyện giải toả gần 100 cột đăng, 300 phao nổi, dây đăng trên các tuyến sông. Tuy nhiên, tình trạng tái lấn chiếm vẫn còn xảy ra. Sắp tới, UBND TT.Rạch Gốc tiếp tục kết hợp tuyên truyền với xử lý. Nếu ai cố tình không chấp hành thì sẽ xử phạt hành chính theo quy định”.

Theo ông Khởi, dân tái chiếm và hoạt động trở lại một phần do địa phương chưa quan tâm đến việc kết hợp với các địa bàn giáp ranh, dẫn đến trụ đăng ở các điểm này vẫn còn. Thời gian tới Rạch Gốc sẽ thực hiện tốt việc phối kết hợp với các xã giáp ranh cùng ra quân giải toả để đảm bảo an toàn cho phương tiện thuỷ lưu thông.

Theo tìm hiểu của PV, hàng năm, khoảng tháng 8, tháng 9, người dân bắt đầu khai thác, đánh bắt thuỷ sản dọc theo sông Cửa Lớn. Tại những nhánh sông thông ra cửa biển thì cọc phao lúc nào cũng giăng kín sông, như những cái bẫy giăng sẵn của “tử thần” đối với những phương tiện lưu thông đường thủy.

Mặc dù cơ quan chức năng địa phương đã có nhiều nỗ lực để dọn dẹp, tháo dỡ các chướng ngại vật, khơi thông luồng tuyến, trả lại vẻ mỹ quan trên sông. Tuy nhiên, cơ quan chức năng mới giải toả hôm trước thì hôm sau người dân tiếp tục hoạt động trở lại, gây khó khăn cho việc quản lý của ngành chức năng.

Ông Lâm Quốc Cường, Chủ tịch UBND xã Tam Giang Tây cho biết: “Việc giải toả chướng ngại vật trên sông nếu không thực hiện thường xuyên, không có giải pháp hữu hiệu, thì việc lấn chiếm lòng sông để khai thác, đánh bắt thuỷ sản sẽ tiếp tục tái diễn. Do vậy, muốn giải quyết dứt điểm tình trạng này, H.Ngọc Hiển cần có chính sách hỗ trợ, giải quyết việc làm cho những hộ dân để họ an tâm lao động sản xuất, từng bước chuyển đổi ngành nghề phù hợp, bởi phần lớn những hộ dân làm nghề này đều là hộ nghèo”.

Ông Nguyễn Thanh Sử, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng H.Ngọc Hiển, đặt quyết tâm: “Ban An toàn giao thông huyện sẽ kiên quyết giải toả dứt điểm các cột đăng, đáy neo, chướng ngại vật trên sông. Nếu địa phương nào thực hiện không tốt thì Chủ tịch UBND xã, thị trấn đó sẽ chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND H.Ngọc Hiển. H.Ngọc Hiển sẽ quyết tâm giảm thấp nhất số vụ tai nạn giao thông thuỷ và số người chết, bị thương”.

Trên địa bàn H.Ngọc Hiển còn 400 hộ, 1.500 khẩu chuyên sinh sống bằng nghề đáy cặm, đáy sông, với 256 hàng đáy, khoảng 461 miệng đáy. Qua việc vận động, tuyên truyền mới tháo dỡ được 50 miệng đáy. H.Ngọc Hiển đề ra lộ trình từ nay đến năm 2025 sẽ giải toả dứt điểm đối những hàng đáy trên sông.

Năm 2019, trên địa bàn H.Ngọc Hiển đã xảy ra 4 vụ tai nạn giao thông đường thuỷ, làm 4 người chết, 4 người bị thương nặng. Trong đó có 2 vụ tai nạn do va chạm vào hàng đáy, cột đăng đáy neo. Hầu hết các vụ va chạm vào các chướng ngại vật trên sông đều vào ban đêm, dẫn đến tử vong cao, hư hao tài sản lớn.

Nhóm PV

Trần Khải