Chuyện về những người đàn ông chỉ ung dung ‘ăn chơi’... chờ cái chết

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 11:43, 13/01/2020

Họ là những người đàn ông đã về hưu, có cuộc sống gia đình viên mãn. Không có nhiều áp lực trong đời sống hàng ngày, nên họ lựa chọn cho mình sống lành mạnh, yêu đời. Còn chờ chết vì đối với họ một ngày nào đó sẽ đến là điều hiển nhiên.

Ai mà chả phải chết!

Mộtbuổi sáng cuối năm 2019, tại mộtquán cà phê trên đường 30.4 ở quận trung tâm TP.Cần Thơ, có một nhóm 4 - 5 người đàn ông lớn tuổi đang ngồi uống cà phê, trò chuyện rôm rả. Họ nói về những môn thể thao, hỏi thăm nhau về con cái... Họ là những giáo viên THPT, đã có hàng chục năm cống hiến cho ngành giáo dục Cần Thơ.

Họ đã giảng dạy hàng ngàn học sinh, và trong số đó rất nhiều người thành đạt. Quá nửa đời người cống hiến cho xã hội, nay họ đã nghỉ hưu. Rất thanh thản, họ thực không còn gánh nặng công việc, đầu óc thư thái, không còn vướng bận cơm áo gạo tiền. Họ chọn cho mình cách sống lành mạnh, an nhàn bên con cháu.

Và họ chờ đợi cái chết như mộtđiều hiển nhiên phải đến với cuộc đời của mộtcon người. “Ai mà không phải chết? Tôi cứ sống vui vẻ để chờ đợi, đến tuổi này rồi, hối hận với những điều mình chưa làm được trong cuộc đời cũng chẳng để làm gì. Sầu bi cũng chẳng để làm gì, tại sao không sống thật vui vẻ, tận hưởng cuộc sống?”, mộtngười đàn ông đặt vấn đề.

Ông T.T.H., 63 tuổi, kể rằng, mỗi buổi sáng ông thức dậy và tập thể dục, lúc thì chạy bộ, lúc chạy xe đạp với các thành viên trong hội. Sau khi vả mồ hôi trên từng cây số, họ lại ngồi lại với nhau ăn sáng, uống mộtly cà phê và nói chuyện về cuộc đời. Họ nói về những chuyện đã qua và những chuyện sắp tới. Ở độ tuổi của họ, đó là một niềm vui thú khó có gì thay thế được. Với gia đình, họ không cũng không còn gì phải lo toan nữa. Con cái đã thành đạt, có sự nghiệp riêng.

Như con trai của ông H., ở tận TP.HCM, có gia đình đề huề và công ty riêng. Mỗi lần nhớ con, nhớ cháu, ông H. lại cùng vợ ngồi xe lên thăm con. Sum vầy mấy ngày, ông bà lại nhớ quê, nhớ cái góc sân, khoảnh vườn, thế rồi lại bắt xe về quê sống những ngày thật an nhàn, yên bình. Họ không muốn trở thành gánh nặng cho con cái và bản thân họ có thể tự chăm sóc cho nhau.

“Làm nghề giáo, tôi không mơ làm giàu. Tôi chỉ mơ cuộc sống gia đình ổn định, no đủ. Điều đó, tôi đã đạt được. Cuộc sống của tôi đến thời điểm này, có thể gọi là viên mãn”, ông H. hài lòng nói. Ông H. không phải là người miền Tây chính gốc, ông là người gốc miền Trung nhưng đã dành trọn quá nửa đời người cho vùng đất thấm đẫm tình người này. Thuở thanh niên, học xong ông từ miền Trung lang bạt vào TP.HCM lập nghiệp.

Đến năm 1976, duyên số đưa đẩy ông lạc về miền Tây và lấy vợ quê ở Vĩnh Long. Từng công tác qua nhiều trường học, với tư chất thông minh pha một chút ngạo nghễ, nhưng dù công tác ở nơi nào ông cũng giành được những thành tựu nhất định. Và khi về hưu, ông nghĩ rằng trong hơn 40 năm công tác trong ngành giáo dục, ông đã hoàn thành nhiệm vụ, không có gì hối tiếc.

Sự ra đời của hội “ACCC”

“ACCC” là từ viết tắt của cụm từ “ăn chơi chờ chết” mà ông H. và những người bạn chí cốt thường nói với nhau. “Nghe cứ tưởng mấy đám thanh niên chơi bời lêu lỏng, nhưng thực chất đều có nguyên do cả”, ông H. bắt đầu kể. Hơn 10 năm trước, mộtngười bạn của ông H. bị bệnh viện, báo hung tin là bị bệnh ung thư gan.

“Ông bạn tôi buồn, anh em chơi chung cũng hết sức hoang mang. Rồi chúng tôi động viên nhau vượt qua cú sốc đó. Nhưng chỉ vài tháng sau, mộtngười bạn của chúng tôi cũng lại nhận được tin như thế, anh ấy cũng bị ung thư gan”, ông H. lặng người nhớ lại.

“Có điều ông bạn bị ung thư sau là mộtngười rất lạc quan, hài hước, tôi cảm giác cuộc sống này không có gì làm ông ấy buồn bã, gục ngã được. Và ngay cả ung thư cũng thế. Tôi nhớ mãi cái ngày ổng gọi điện báo tin cho tôi tại bệnh viện, ông cười hề hề nói rằng: “Tao cũng bị giống thằng kia rồi””, ông H. tiếp tục câu chuyện.

Nằm viện ở TP.HCM mấy ngày, ông bạn này được chuyển viện về Cần Thơ. Vừa đến bệnh viện, ông lại gọi ngay cho ông H. kêu tới bệnh viện rước đi chơi. “Tôi tới nơi thì thấy ổng đã đứng trước cổng chờ, áo sơ mi, quần Tây tươm tất. Tôi hỏi: “Ủa sao không mặc đồ bệnh viện”, ổng nói: “Tao phải mặc vậy người ta mới tưởng người nhà bệnh nhân, tao trốn viện mà”. Nói rồi, ổng leo lên xe, tôi hỏi đi đâu? Ổng nói đi kiếm mấy chai bia chứ đi đâu”, ông H. tếu táo kể.

Vô tới quán nhậu, bệnh nhân ung thư này búng tay kêu nhân viên khui chai bia rồi uống ừng ực cho thấm giọng. Ông nói cười vui vẻ như chưa từng có chuyện gì xảy ra với mình. Thấy ông vui, ông H. cũng nghẹn ngào trong lòng, nhưng cũng phải hòa cùng niềm lạc quan đó. “Vậy mà đến hơn 2 năm sau ổng mới mất. Còn ông bạn bị ung thư trước thì qua đời vài tháng sau đó. Bởi vậy, sự lạc quan trong cuộc sống nó quan trọng lắm. Khó khăn thì mình giải quyết, còn cuộc sống thì nhất định phải vui”, ông H. đúc kết.

Người bạn của ông H. từng có một thời gian dài làm sếp của ông, nhưng vì cảm mến cái tính khẳng khái của nhau nên sau khi chuyển công tác họ vẫn giữ mối quan hệ thân hữu. Những con người lạc quan gặp nhau, họ truyền cảm hứng cho nhau, tưởng như không có gì quật ngã được những người đàn ông này. Thấu hiểu được bạn bè, và từ khi người bạn thân này ra đi, ông H. hiểu rằng mình cần phải duy trì sự lạc quan, yêu đời cho bản thân mình và cả những người anh em, bạn bè khác. Tuổi già với họ không còn gì là khủng khiếp nữa. Điều họ hướng tới là sống ý nghĩa, có ích.

Mới đầu năm 2020, khi Nghị định 100/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt chính thức có hiệu lực, người tham gia giao thông tuyệt đối không được sử dụng rượu bia, ông H. và bạn bè của mình lại nhắc nhở nhau mỗi khi ra đường. “Anh em ngồi với nhau uống mấy chai bia là thói quen, là thú vui mấy chục năm qua của anh em tụi tui, bỏ không được. Nên giờ phải đi xe ôm để hẹn hò thôi. Mình tuân theo luật mà cũng tự ý thức để bảo vệ mình vậy”, ông H. phân tích.

Câu chuyện về những người đàn ông “ăn chơi chờ chết” đã truyền cảm hứng cho một lối sống tích cực. Không chỉ dành cho những người già đồng trang lứa như ông H. mà còn là một câu chuyện đáng suy ngẫm cho tuổi trẻ. “Có thể bạn không có quyền chọn cuộc sống của mình như thế nào, nhưng hoàn toàn có thể chọn cách sống cho mình”, mộtngười bạn của ông H. đúc kết.

Theo các bác sĩ, yếu tố tinh thần đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình điều trị ung thư, cũng như là yếu tố tác động lớn đến thời gian sống của người bệnh. Có những người biết mình bị bệnh nhưng vẫn lạc quan sống khỏe thêm một thời gian rất lâu, nhưng có người lại lao dốc không phanh đến mức không kéo dài được đến tháng thứ 3. Nhiều người có thể bảo rằng cơ sở vật chất và chi phí chữa bệnh mới là yếu tố quyết định, nhưng sự khác biệt về thời gian sống lại chính từ tâm người bệnh mà ra.

Tại sao yếu tố tinh thần lại quan trọng như vậy? Kết quả từ các nghiên cứu thí nghiệm cho thấy trầm cảm và căng thẳng (ta thường gọi là stress) có ảnh hưởng đến khả năng phát triển và lan rộng của các khối u. Đơn cử, trong một thí nghiệm, các nhà khoa học đã nhốt những con chuột có khối u ung thư trong môi trường tách biệt các con chuột khác. Chính môi trường cách ly và cô đơn làm tăng sự trầm cảm. Kết quả cho thấy khối u ở những con chuột này có khuynh hướng phát triển và di căn nhiều và nhanh hơn so với lúc chúng vẫn còn ở môi trường bình thường...

Thanh Nguyên

Nguyên Việt