Cảnh sát Hồng Kông cân nhắc trang bị súng điện, súng lưới đối phó biểu tình
Quốc tế - Ngày đăng : 15:42, 15/01/2020
Theo nguồn tin: “Mục đích là để có thêm nhiều phương án sử dụng vũ lực thay vì tăng mức độ bạo lực hay đem theo vũ khí gây chết người. Như vậy có lợi cho cả cảnh sát lẫn người bị bắt giữ, vì người bị bắt giữ càng chống cự lâu thì rủi ro hai bên đều bị thương càng cao”.
Trong cuộc họp Hội đồng Lập pháp Hồng Kông ngày 15.1, người đứng đầu lực lượng an ninh Lý Gia Siêu (John Lee Ka-chiu) không phủ nhận thông tin nêu trên.
“Cảnh sát sẽ chống lại hành vi phi pháp bằng cách sử dụng vũ lực phù hợp. Cục An ninh đặc khu ủng hộ bất cứ biện pháp nào góp phần xử lý bạo lực tốt hơn mà vẫn giảm thiểu thương vong. Thiết bị cảnh sát cân nhắc đến đều đã được dùng ở nước ngoài, giúp giảm thương vong hiệu quả”, ông Lý phát biểu.
Lực lượng an ninh Hồng Kông trong hơn 7 tháng qua chủ yếu dùng hơi cay, đạn cao su cùng đạn túi đậu, cũng có lúc bắn cả đạn thật.
SCMP cho biết cảnh sát bắt đầu thử nghiệm thiết bị sốc điện sau vụ bạo loạn Vượng Giác (Mong Kok) năm 2016. Sau đó họ không xúc tiến ý tưởng này do lo ngại về ảnh hưởng sức khỏe lẫn chính trị, nhưng gần đây xem xét lại.
Chủ tịch Hiệp hội cảnh sát Lam Chi-wai đánh giá thiết bị sốc điện và súng lưới ít có nguy cơ gây chết người hơn nên nếu được sử dụng hợp lý sẽ nâng cao năng lực kiềm chế bạo lực. Một nguồn thạo tin khác nhận định hiệu quả của hơi cay đã giảm do người biểu tình trang bị đồ bảo hộ tốt hơn, đồng thời đảm bảo cảnh sát sẽ nghiên cứu kỹ càng trước khi triển khai vũ khí mới.
Cựu nhân viên cảnh sát cấp cao Clement Lai Ka-chi cũng thừa nhận thiết bị sốc điện giúp hạn chế ẩu đả giữa hai bên, tuy nhiên lưu ý về hậu quả ngoài ý muốn nếu người bị bắt giữ có vấn đề sức khỏe tiềm ẩn.
Giám đốc tổ chức Human Rights Monitor tại Hồng Kông Law Yuk-kai cho rằng vũ khí mới không cần thiết vì cảnh sát hiện có đủ phương án xử lý biểu tình. Ông khuyến cáo thiết bị sốc điện đặc biệt nguy hiểm với người mắc bệnh tim.
Lực lượng an ninh Mỹ, Anh, Úc, Singapore, Nhật Bản đều sử dụng thiết bị sốc điện hoặc súng lưới. Tổ chức Ân xá quốc tế (Amnesty International) thống kê trong giai đoạn 2001-2012 có ít nhất 500 trường hợp tử vong do bị sốc điện lúc bị bắt hay giam giữ.
Cẩm Bình (theo SCMP)