Hà Nội: Các học sinh tham gia gói bánh chưng để hiểu hơn về Tết cổ truyền

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 06:35, 16/01/2020

Nhiều trường ở Hà Nội đã tổ chức các hoạt động cho học sinh đón Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 như: viết thư pháp, vẽ tranh chủ đề ngày Tết, gói bánh chưng... để cảm nhận về một cái tết cổ truyền ấm áp.

Không chỉ được học gói bánh chưng, tìm hiểu về những phong tục trong ngày Tết Nguyên đán, các em học sinh còn góp một phần nhỏ công sức của mình để bảo vệ môi trường và mang đến một cái Tết Canh Tý thật ý nghĩa với những mảnh đời kém may mắn. Chính vì thế, trên địa bàn Thủ đô, các trường như trường THCS Bế Văn Đàn (Đống Đa), trường THPT Trần Thánh Tông (Từ Liêm), hay trường Phổ thông liên cấpĐoàn Thị Điểm Greenfield (Văn Giang, tỉnh Hưng Yên) đã tổ chức các chương trình vui chơi cho các em thông qua các hoạt động trong ngày Tết như gói bánh chưng, quyên góp quỹ từ thiện và giữ gìn nét đẹp văn hóa Tết cổ truyền dân tộc.

"Bánh chưng là quốc hồn quốc túy của dân tộc, việc các em học sinh tham gia gói bánh, luộc bánh, viết và học viết thư pháp cùng nhau để gắn kết tình yêu thương trong gia đình, tập thể, để các em có ký ức đẹp về ngày Tết cổ truyền và không quên giá trị văn hóa nơi mình sinh ra và lớn lên. Qua sự kiện này chúng tôi cũng mong rằng các con sẽ nhận được nhiều bài học giá trị về tình yêu thương, chia sẻ, về cách xây dựng kế hoạch trong cuộc sống và gìn giữ những nét đẹp của Tết cổ truyền". Đó là chia sẻ của cô Phạm Quỳnh Dương - Hiệu trưởng nhà trường phổ thông liên cấp Đoàn Thị Điểm.

Tại hội chợ, các bạn học sinh và khách hàng cũng được trải nghiệm không gian Tết cổ truyền Hà Nội với các con phố buôn bán sầm uất, khu trải nghiệm gói bánh chưng, viết chữ thư pháp, triển lãm tranh và các sản phẩm handmade, tham gia các trò chơi dân gian như: Ô ăn quan, Đi cầu khỉ, Ném vòng, Bắt trạch… Hoạt động đấu giá tranh học sinh cũng thu hút sự ủng hộ của nhiều phụ huynh với giá trị thu được hàng triệu đồng.

Chia sẻ với phóng viên trong niềm hân hoan vui cùng các em học sinh, chị Nguyễn Hồng Nhung (Giáo viên lớp 6C1) cho biết: “Sau khi bốc thăm phân loại mặt hàng kinh doanh, các con đã họp lớp để bàn bạc kế hoạch triển khai, tìm kiếm các sản phẩm đảm bảo các tiêu chí: An toàn, nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo chất lượng, giá hợp lý. Trong quá trình tìm kiếm sản phẩm hoặc tính toán giá bán, lợi nhuận, nhiều bạn học sinh đã “tranh thủ” vận dụng sự am hiểu và mối quan hệ của phụ huynh để xây dựng được kế hoạch hoàn chỉnh. Cuối cùng các con sẽ phân công nhiệm vụ cho các bạn trong lớp dựa trên năng lực và sở thích của mỗi người. Ví dụ như các bạn khéo tay thì sẽ nhận việc trang trí gian hàng, các bạn khéo ăn nói sẽ được phân công bán hàng, các bạn thích nấu nướng sẽ đảm nhận nhiệm vụ đầu bếp…”

Các phụ huynh thì có cơ hội gặp gỡ bạn bè của con, thầy cô giáo và trò chuyện với phụ huynh cùng lớp. Học sinh trông nồi bánh, còn việc nhóm lửa, thêm nước, trông qua đêm do thầy cô và nhân viên nhà trường đảm nhận

Còn tại trường THPT Trần Thánh Tông, em Mai Lan học sinh lớp 10 cho biết: "Chúng em tham gia việc gói bánh chưng được hiểu hơn về văn hóa ngày tết cổ truyền của dân tộc, các bạn đoàn kết đồng hành và yêu thương nhau”.

Và quan trọng nhất, thông qua những hoạt động “trải nghiệm Tết Việt” này, học sinh đã nhận được những trải nghiệm, kiến thức, những cảm xúc, bài học sống động mà không sách vở nào có thể làm được. Theo quan niệm của các học sinh, Tết không chỉ là văn hóa, là sum họp mà Tết còn để yêu thương, sẻ chia bằng những hành động ý nghĩa.

Bài và ảnh: Dạ Thảo

Hải Yến