Phong trào giả nữ tại Hàn Quốc: Những ‘drag-queen’ đấu tranh với định kiến kỳ thị
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 08:36, 21/01/2020
Hurricane Kimchi (nghệ danh) đứng trên sân khấu trung tâm tại một quán bar underground thuộc nội thành Seoul, nhảy múa linh hoạt theo lời ca khúc hit “Nobody” của nhóm nhạc nữ K-Pop Wonder Girls.
Diện chiếc váy vàng đính trang sức, mang bộ tóc giả bồng bềnh màu bạch kim cùng đôi giày cao gót -- giả trang hệt như những cô gái Wonder Girls khi trình diễn bài hát -- nam nghệ sĩ yêu cầu đám đông khán giả cùng hò reo và hát theo, trong lúc ném tiền tip xuống chân anh. Một người xem phấn khích thậm chí chạy lên sân khấu, kẹp tờ 10.000 Won (hơn 200.000VND) vào dây nịt người nghệ sĩ.
Những màn biểu diễn của giới drag queen như trên vẫn là cảnh tượng hiếm thấy tại Hàn Quốc. Tuy nhiên, Kimchi, người với tên thật Heezy Yang - một nhà hoạt động xã hội tích cực, đang nỗ lực thay đổi góc nhìn về văn hóa LGBT ở đất nước hãy còn giữ nền tảng định kiến khắt khe trước khái niệm tự do giới tính.
Yang, trong vai trò một nhà hoạt động xã hội, từng phát hành tiểu thuyết dưới hình thức tự truyện - lột tả trãi nghiệm công khai giới tính của riêng anh. Yang cũng góp mặt cho dự án ‘đám cưới nhạo báng’ của một đôi tình nhân đồng tính diễn ra bên trong toa tàu điện ngầm tại Seoul.
Trên hết, nam nghệ sĩ là người sáng lập Seoul Drag Parade (Ngày hội diễu hành cho Nghệ sĩ giả nữ của Seoul), một sự kiện thường niên có mục đích “khuyến khích tất cả những ai yêu thích loại hình giả nữ khám phá giá trị bản thân và thể hiện cảm xúc, tư duy, phong cách cá nhân”, trích dẫn đoạn giới thiệu trên website chương trình.
Ngoài ra, Yang, dưới tư cách một drag queen, thường xuyên tham dự những show giả trang diễn ra hàng tuần ở Itaewon, một khu sầm uất trong nội ô Seoul với đa dạng sắc màu quốc tế, nơi được cộng đồng LGBT lẫn dân địa phương biết đến từ nhiều năm qua như ‘địa điểm gặp gỡ của người đồng tính’.
Trước kia, khi quân đội Mỹ chiếm đóng Itaewon trong chiến tranh Hàn Quốc, khu vực này bắt đầu nổi danh như một ‘phố đèn đỏ’ náo nhiệt với chuỗi nhà thổ cùng đa dạng hình thái giải trí về đêm. Người chuyển giới cũng như nghệ sĩ drag queen xuất hiện đầu tiên bên trong những câu lạc bộ, quán bar, đơn thuần nhằm kiếm thêm thu nhập từ việc múa hát mua vui.
Về sau, Itaewon trở thành chốn tụ hội dành cho đông đảo tầng lớp người bị phân biệt đối xử, hay những ai nằm ‘ngoài rìa xã hội’. Đây là nhận định của Todd Henry, giáo sư Lịch sử Hàn Quốc tại đại học California, San Diego, Mỹ.
“Itaewon chứa đựng bầu không khí văn hóa rất cởi mở, đa dạng. Và loại hình giả nữ đã tồn tại ở đây từ khá lâu, trước thập niên 1970”, Henry trả lời phóng viên CNN.
“Ngày nay, một số nghệ sĩ nổi bật và giàu óc sáng tạo nhất, cũng như những nhân vật hoạt động xã hội tích cực nhất ở Hàn Quốc, xuất thân từ chính cộng đồng drag queen”.
Loại hình giả nữ hãy còn là làn sóng văn hóa non trẻ tại xứ sở kim chi, nhưng tương lai hứa hẹn sẽ có thêm nhiều bước phát triển thú vị. Sự kiện Seoul Drag Parade đầu tiên, diễn ra năm 2018, thu hút hơn 1000 người tham dự, vượt xa dự đoán ban đầu của phía tổ chức là 100 người - số liệu cung cấp bởi Ali Zahoor, nhà đồng sáng lập sự kiện.
Lượng người tham gia diễu hành đồng tính cũng có dấu hiệu tăng lên, theo Eun-oh Yang, đại diện Trung tâm Bảo trợ Quyền lợi và Văn hóa Cộng đồng Giới tính Thiểu số của Hàn Quốc (Korean Sexual Minority Culture and Rights Center).
“So sánh với trước đây, văn hóa giả nữ đang trở nên phong phú hơn, thu hút nghệ sĩ nam lẫn nữ, và giờ chúng tôi có cả nhóm drag queen hoạt động thường trực cho Lễ hội Văn hóa đồng tính tổ chức hằng năm”, Eun-oh Yang chia sẻ. Lễ hội Văn hóa đồng tính (Queer Culture Festival), là sự kiện văn hóa lớn nhất của cộng đồng LGBT Hàn, với hơn 150.000 người tham dự riêng trong năm 2019. “Tôi nghĩ chương trình hiện nay có thể được liệt vào một phần biểu trưng cho văn hóa đại chúng tại Hàn Quốc”, vị này nói thêm.
Giả nữ để ‘giải phóng’ nỗi bế tắc - áp lực
Tương tự nhiều drag queen hoạt động trên khắp thế giới, Hurricane Kimchi xem việc biểu diễn là cách giúp anh thể hiện cái tôi riêng và nhằm phá bỏ “áp chế, định kiến tiêu cực về hình tượng nam giới”, như lời anh bày tỏ.
Cộng sự của anh, Ali Zahoor, người đồng sáng lập Seoul Drag Parade, cho biết, bên cạnh đấu tranh tự do giới tính, còn có một số nguyên nhân riêng biệt khiến phong trào giả nữ ở Seoul nở rộ thời gian qua -- cụ thể là nỗi lo sợ trước sự chia cắt đất nước cũng như căng thẳng chiến tranh kéo theo.
“Chúng tôi không quá hoang mang, hay nghĩ quá nhiều về vấn đề này, nhưng nỗi lo luôn ẩn hiện trong đầu chúng tôi”, Zahoor nói. “Mọi người đôi khi có chút căng thẳng, và tôi nghĩ, vì lẽ đó, họ muốn giải phóng tư tưởng bằng làn sóng văn hóa mới”.
“Xã hội Hàn, như bạn dễ dàng mường tượng, chứa đầy áp lực”, anh nhấn mạnh. “Thanh niên làm việc nhiều giờ mỗi ngày, lớp trẻ thì phải ôn thi, học tập thâu đêm, và họ rất cần một ‘lối thoát’ tinh thần. Việc giả nữ là một phương thức giúp bạn tạm thoát ly khỏi nhịp sống hối hả thường nhật, nó giúp bạn thấy phấn chấn hơn, đồng thời phản ánh cá tính riêng ở bạn”.
Nghệ sĩ giả nữ lưỡng tính, kiêm YouTuber người Hàn, Serena 303, dùng âm nhạc K-Pop và xu hướng thời trang thập niên 70 như nguồn cảm hứng sáng tạo nhiều bộ trang phục giả nữ cuốn hút. Trong những video tự sản xuất, cô gợi ý mẹo trang điểm và chia sẻ cùng khán giả chuyện ‘bên lề’ ít biết về nghề giả nữ, mang giá trị động viên một số bạn trẻ đang băn khoăn về hình ảnh cá nhân.
Nữ nghệ sĩ bày tỏ, “Tôi muốn truyền đạt đến mọi người rằng bạn có quyền được sống với chính con người thật của bạn, và chứng minh cho họ thấy bất kì ai cũng có thể thử sức trong loại hình giả nữ. Điều quan trọng hơn cả là hãy tin mọi người sẽ yêu thương bạn”.
“Đừng hỏi, đừng kể”
Dẫu ẩn chứa dấu ấn nhân quyền tốt đẹp, đến nay, làn sóng văn hóa giả nữ nói riêng (lẫn cộng đồng LGBT nói chung) vẫn là chủ đề gần như luôn bị tránh thảo luận ở Hàn Quốc. Hurricane Kimchi, người thường mất 30 phút di chuyển bằng phương tiện giao thông công cộng đến show diễn giả nữ mỗi tuần, cho biết, không ai dám nhìn vào anh trong diện mạo một drag queen.
“Mọi người có thể ngẫm nghĩ, phán xét về tôi, nhưng sẽ không ai trực tiếp nói gì đó với tôi”, anh nhận xét. “Ngay cả khi tôi bước ra ngoài trang điểm như một drag queen, họ không phản ứng hay nói bất cứ điều gì”.
Nếu giờ đây, nam nghệ sĩ thấy thoải mái hoạt động trong nghề giả nữ, mẹ anh đã phải mất “nhiều năm” tìm cách chấp nhận con người thật của anh.
“Tôi đoán bà ấy cuối cùng đã nhận ra, tôi không phải ‘cậu con trai gương mẫu tuyệt đối’ bà từng biết nữa”, anh nói.
Thái độ đón nhận rất dè dặt của xã hội Hàn đối với drag queen lẫn cộng đồng LGBT là một thực tế gai góc, minh chứng đơn cử khi quan hệ hôn nhân và tình yêu đồng tính còn đang bị cấm đoán. Hành vi đồng tính luyến ái vẫn bị xem là bất hợp pháp trong hệ thống quân đội Hàn, với mức án phạt lên đến 2 năm tù giam.
Năm 2014, Viện Ngôn ngữ Quốc gia Hàn Quốc rút lại quyết định trước đó 2 năm, liệt kê ‘tình yêu’ như một từ chỉ chung áp dụng cho mọi giới, sau khi liên tiếp nhận đơn thư phàn nàn từ nhiều hội nhóm tôn giáo. Giờ đây, ‘tình yêu’ được định nghĩa là cảm xúc “nảy sinh giữa nam và nữ giới”.
“LGBT bị ‘dán nhãn’ là thứ hành vi đi ngược với Kinh thánh, hoặc, trái ngược với giá trị gia đình và tư tưởng nho giáo”, Henry - giáo sư Lịch sử học Hàn Quốc, phân tích.
Serena 303 cùng nhiều drag queen khác đã chứng kiến sự phản đối không ngừng từ nhóm giáo dân Công giáo bảo thủ trong khi tham dự diễu hành Tự hào đồng tính. “Họ nói, ‘Bạn đồng tính, bạn sẽ chịu tội chết,’ và ‘Hãy nghĩ về bố mẹ bạn’,” nữ nghệ sĩ chia sẻ.
Một nhóm người biểu tình chống đối hôn nhân đồng giới xuất hiện trong lễ hội Văn hóa Đồng tính diễn ra tại Seoul tháng 6.2019. (Ảnh: GettyImages)
Một cuộc thăm dò ý kiến thực hiện năm 2017 bởi Hiệp hội Chính sách và Điều luật về Bản chất - Định hướng Giới tính (tổ chức nhân quyền tích cực đấu tranh cho quyền lợi cộng đồng LGBT Hàn Quốc), cho thấy, 92.6% người đồng tính tại Hàn sợ hãi trước nguy cơ trở thành mục tiêu bị tấn công do thù ghét, và 49.3% tiết lộ từng trãi qua khủng hoảng tinh thần như stress và trầm cảm sau khi phải hứng chịu “hành vi khinh miệt công khai”.
“Bất kể bạn là người đồng tính nam, nữ hay chuyển giới, sống trong cộng đồng giới tính thiểu số tại Hàn Quốc luôn rất khó khăn”, Yang nói.
Từng bước tìm khiếm sự chấp nhận
Ảnh hưởng của văn hóa đại chúng từ phương Tây, tuy nhiên, đang dần giúp cộng đồng drag queen xây dựng chỗ đứng vững chắc hơn. Hurricane Kimchi cho biết, việc Netfilx ‘đổ bộ’ vào xứ sở kim chi từ năm 2016, mang theo show truyền hình nổi tiếng như ‘RuPaul’s Drag Race’, đã lần đầu tiên giới thiệu tới công chúng Hàn văn hóa giả nữ.
Thế giới internet cũng góp phần lan truyền làn sóng giả nữ, vượt ra khỏi những câu lạc bộ đêm, để tiếp cận thế hệ thanh thiếu niên.
“Trước khi internet bùng nổ, nghề giả nữ luôn chịu bó hẹp trong không gian những quán bar, câu lạc bộ”, giáo sư sử học Henry nói. “Hiện tại, với sự phổ biến của mạng điện tử và đặc biệt là Youtube, bạn có thể tự mày mò phát triển phong cách thời trang, xây dựng cá tính riêng, lẫn kết nối cùng bạn bè một cách thuận tiện”.
Và tiến bộ công nghệ đang có ảnh hưởng ngày càng rộng khắp đến cộng đồng LGBT trên khắp Hàn Quốc. Những sự kiện diễu hành, hoạt động văn hóa đang mang nghệ thuật giả nữ đến với đông đảo bộ phận khán giả hơn, Hurricane Kimchi nhận xét.
Trên sâu khấu, Kimchi luôn nỗ lực truyền tải ấn tượng quyến rũ táo bạo đặc trưng ở những ngôi sao drag queen. Thế nhưng với anh, giả nữ không chỉ là một loại hình nghệ thuật biểu diễn -- trên hết, đây là cách giúp phá vỡ ‘ranh giới’ định kiến, cũng như khuyến khích mọi người khám phá tính cách bản thân.
“Tôi không phải ‘nữ hoàng’ giả nữ đẹp nhất, hay nghệ sĩ trình diễn xuât sắc nhất. Tôi cũng không làm công việc này vì tiền”, anh nói.
“Hơn tất cả, tôi mong muốn kết hợp văn hóa giả nữ với hoạt động xã hội và nghệ thuật đại chúng, đem đến cho những drag queen không gian an toàn giúp họ tự do biểu diễn và thử sức cùng nghệ thuật giả nữ.”
Như Ý (theo CNN)