Bộ Y tế đưa ra 3 ‘kịch bản’ ứng phó dịch bệnh viêm phổi cấp tại Việt Nam
Sự kiện - Ngày đăng : 16:21, 21/01/2020
Bệnh viêm phổi cấp ở Trung Quốc lây lan nhiều quốc gia, số người chết gia tăng
Việt Nam phát hiện 2 trường hợp nghi nhiễm viêm phổi cấp từ Trung Quốc
Bộ Y tế chỉ đạo các địa phương ứng phó dịch bệnh viêm phổi cấp ở Trung Quốc
Bộ Y tế Việt Nam lên tiếng về thông tin bệnh viêm phổi cấp ở Trung Quốc nghi do SARS
Trong Quyết định số 181/QĐ-BYT, Bộ Y tế đã đưa ra hướng dẫn tạm thời giám sát và phòng, chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona (nCoV) theo 3 ‘kịch bản’ của dịch bệnh này để ứng phó.
Theo đó, ở tình huống chưa phát hiện dịch bệnh tại Việt Nam, Bộ Y tế yêu cầu các cơ quan có liên quan giám sát chặt chẽ nhằm phát hiện sớm các trường hợp bệnh nghi ngờ đầu tiên, lấy mẫu xét nghiệm, chẩn đoán nhanh, khoanh vùng và xử lý ổ dịch kịp thời, triệt để, không để lây lan.
Phương thức giám sát trong tình huống này là điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm tất cả các trường hợp bệnh thuộc diện giám sát (theo định nghĩa trường hợp bệnh nghi ngờ). Giám sát tại cửa khẩu, cơ sở điều trị và tại cộng đồng, trong đó chú trọng giám sát tại cửa khẩu thông qua đo thân nhiệt, quan sát thực tế và các biện pháp khác theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Trong trường hợp bệnh xác định xâm nhập vào Việt Nam, các đơn vị có liên quan phảiphát hiện sớm các trường hợp bệnh để cách ly, theo dõi, xử lý triệt để ổ dịch, tránh lây lan ra cộng đồng.
Việc giám sát trong trường hợp này là giám sát, điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm tất cả các trường hợp bệnh nghi ngờ; theo dõi tình trạng sức khỏe của tất cả những người có tiếp xúc gần với trường hợp bệnh trong vòng 14 ngày kể từ lần tiếp xúc cuối cùng; tiếp tục thực hiện giám sát tại cửa khẩu, cơ sở điều trị và tại cộng đồng.
Riêng trong tình huống dịch lây lan trong cộng đồng thì phải phát hiện sớm các trường hợp bệnh mắc mới trong cộng đồng, thiết lập khu vực hạn chế (vùng dịch), xử lý triệt để ổ dịch, hạn chế tối đa khả năng dịch lan rộng trong cộng đồng.
Ở cả 3 tình huống, tất cả các trường hợp tử vong nghi do mắc nCoV đều phải được điều tra, báo cáo và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm; tiếp tục duy trì việc giám sát tại cơ sở điều trị và tại cộng đồng
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đưa ra các biện pháp phòng chống dịch bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của vi rút corona (nCoV) và biện pháp chống dịch.
Theo Bộ Y tế, hiện dịch bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của vi rút corona (nCoV) xảy ra ở Trung Quốc đã lây lan thêm nhiều quốc gia khác. Sau khi lây lan sang Singapore, Thái Lan, Nhật Bản, dịch bệnh viêm phổi cấp tiếp tụclây lan đến Hàn Quốc. Đến thời điểm này đã có 62 trường hợp mắc, trong đó có 41 trường hợp xét nghiệm dương tính với chủng vi rút mới thuộc họ corona (bao gồm cả trường hợp tử vong), 2 trường hợp tử vong, 8 trường hợp nặng, 2 trường hợp đã hồi phục hoàn toàn, các bệnh nhân khác trong tình trạng ổn định.
Bộ Y tế nhận định nguy cơ bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của vi rút corona (nCoV) có thể xâm nhập vào nước ta thông qua khách du lịch, người lao động về từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc), trong thời điểm tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020, có sự gia tăng đi lại giữa các khu vực, các quốc gia.
Hiện nay với điều kiện khí hậu mùa đông xuân lạnh ẩm rất thuận lợi cho tác nhân gây bệnh phát sinh và phát triển. Các biện pháp phòng bệnh hiện nay chủ yếu dựa vào vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, ngăn ngừa xâm nhập trường hợp bệnh, phòng chống lây truyền tại cộng đồng.
Vì vậy, bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của vi rút corona hoàn toàn có thể xâm nhập vào Việt Nam, cũng như có khả năng bùng phát thành dịch tại cộng đồng nếu không chủ động triển khai các biện pháp phòng chống.
Hồ Quang