Thị trường Tết Hà Nội: Giò lụa, bánh chưng tăng giá theo thịt lợn vẫn 'cháy hàng'
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 19:01, 21/01/2020
Tại các tỉnh phía Bắc, giá lợnhơi hiện cao nhất đứng ở mốc 88.000 đồng/kg, tuy nhiên, mức phổ biến vẫn khoảng 80.000-84.000 đồng/kg. Theo ghi nhận của PV tại các chợ dân sinh ở Hà Nội, giá bán lẻ thịt lợn tại chợ đang ở mức từ 120.000 đến 180.000 đồng/kg tùy loại.
Trong đó, giá thịt vai và thăn khoảng 140.000 đồng/kg; thịt ba rọi cao hơn với từ 150.000 đến 160.000 đồng/kg, sườn non 170.000 đồng/kg. Mức giá này được các tiểu thương cho biết cao hơn nhiều so với thời điểm Tết năm ngoái.
Trước tình hình trên, giá các loại thực phẩm có nguyên liệu làm từ thịt lợn như: giò chả, bánh chưng cũng tăng mạnh khoảng từ 30-40%. Cụ thể, ghi nhận của PV giá giò lụa tại một số tuyến phố Hà Nội như: Hàng Bông, Tây Sơn, Trần Xuân Soạn... giá giò lụa đang được bán với giá 250.000 - 300.000 đồng/kg, chả lụa có giá 220.000 đồng/kg - 230.000 đồng/kg, tăng khoảng 50.000 - 100.000 đồng so với các năm trước. Tương tự, bánh chưng tăng giá mỗi loại 10.000 đồng/chiếc, 50.000 - 60.000 đồng/chiếc.
Một số loại thực phẩm khác "ăn theo" thịt lợn cũng tăng giá như: xúc xích 230.000 đồng/kg (tăng 50.000 - 70.000 đồng/kg), các loại: mắm tép chưng thịt, nem chua, nem nắm… cũng tăng từ 30.000 đồng - 50.000 đồng/kg.
Chị Vân - chủ một cửa hàng kinh doanh giò chả (Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết so với các năm trước, giò chả, bánh chưng... năm nay đều tăng mạnh. Tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ tết của người dân năm nay vẫn tăng cao khoảng 10-20%, vì đây đều là những mặt hàng thiết yếu của mỗi gia đình trong dịp lễ tết.
"Mọi người không chỉ mua cúng, ăn tết mà còn đặt để biếu tặng nên nhu cầu cao lắm. Năm nay, cửa hàng tôi phải tăng số lượng lên tới 30% so với các năm trước mà vẫn cháy hàng, không đủ hàng cho khách đến chiều 30 Tết", chị Vân cho hay.
Trong khi đó, nhiều cửa hàng giò chả khác cũng cho biết nhu cầu người tiêu dùng năm nay tăng khoảng 20% so với năm ngoái mặc dù giá giò chả tăng cao. Song vẫn bán hết hàng, thậm chí là thiếu hàng cho những ngày sát tết.
Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, trong dịp tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020, sức mua trên thị trường dự báo sẽ tăng khá, ở mức khoảng 10 - 12% so với cùng kỳ năm trước, tăng khoảng 15 - 20% so với các tháng trong năm.
57/63 tỉnh, thành phố hiện đã có báo cáo về kế hoạch chuẩn bị hàng hóa cuối năm. Trong đó, có 28 địa phương có kế hoạch triển khai chương trình bình ổn thị trường.
Báo cáo của các địa phương cho thấy, tổng giá trị lượng hàng dự trữ phục vụ tết của các doanh nghiệp ước tăng khoảng 20 - 25% so với các tháng trong năm; lượng hàng dự trữ của các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn tăng khoảng 10% so với năm trước.
Bài và ảnh: Tuyết Nhung