Trò chuyện với người Việt đầu tiên được bổ nhiệm làm lãnh đạo WHO
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 06:39, 27/01/2020
Phóng viên Báo VietnamPlus có cuộc trò chuyện với người phụ nữ giỏi giang này nhân dịp Tết Nguyên đán Canh Tý về những dự định, kế hoạch trong năm mới.
- Xin bà cho biết cơ duyên nào đưa bà đến với vai trò Giám đốc phụ trách một lĩnh vực rất lớn và quan trọng của WHO?
Phó giáo sư Trần Thị Giáng Hương: Trong những năm qua, thực hiện chủ trương chính sách của Đảng và nhà nước về công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế, ngành y tế Việt Nam đã hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện, góp phần tích cực vào tiến trình hội nhập quốc tế của đất nước và nâng cao vai trò, vị thế của ngành y tế Việt Nam nói riêng và của đất nước nói chung trên trường quốc tế. Với một phần tư thế kỷ (25 năm) gắn bó và làm việc ở Bộ Y tế, trong đó có hơn 11 năm làm Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế của Bộ, tôi đã tích lũy được nhiều kiến thức và kinh nghiệm về chuyên môn nghiệp vụ cũng như tạo dựng được một mạng lưới kết nối các đối tác quốc tế hoạt động trong lĩnh vực y tế trên toàn cầu.
Việt Nam ngày càng được biết đến như một đối tác tin cậy và có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế. Trên vai trò của mình, tôi nhận thức thấy việc tham gia làm việc tại các Tổ chức quốc tế là thể hiện trách nhiệm và sự đóng góp hiệu quả, thiết thực vào giải quyết các vấn đề sức khỏe trên toàn cầu, đồng thời góp phần nâng cao được vai trò và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Như một cơ duyên, tôi được biết WHO, cơ quan chuyên môn y tế cao nhất của Liên hợp quốc có đăng tuyển một số vị trí quan trọng tại Văn phòng WHO khu vực Tây Thái Bình dương, là khu vực gồm 37 quốc gia và vùng lãnh thổ với dân số 1.9 tỷ người trong đó có Việt Nam là một quốc gia thành viên.
Được sự ủng hộ của Lãnh đạo Bộ Y tế và của Bộ Ngoại giao, tôi đã đăng ký thi tuyển vào vị trí Giám đốc các chương trình kiểm soát bệnh tật của WHO khu vực Tây Thái bình dương và qua 3 vòng thi tuyển minh bạch, gắt gao tôi đã đứng ở vị trí đầu tiên vượt qua hàng trăm ứng viên đến từ các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, được WHO chọn vào vị trí Giám đốc nêu trên.
- Đây có phải là lần đầu tiên có người Việt Nam được WHO bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo cao như vậy không thưa bà?
Phó giáo sư Trần Thị Giáng Hương:Đúng vậy, tôi là người Việt Nam đầu tiên được bổ nhiệm vào vị trí cao như vậy (Director level) tại WHO, cơ quan chuyên môn y tế cao nhất của Liên hợp quốc.
Đây là vị trí Giám đốc phụ trách lĩnh vực hết sức quan trọng và rộng lớn bao gồm phòng chống các bệnh truyền nhiễm; trong đó có chương trình tiêm chủng mở rộng, phòng chống lao, HIV/AIDS, sốt rét, phòng chống các bệnh nhiệt đới bị lãng quên, quản lý các bệnh không lây nhiễm và sức khỏe tâmthần.
- Đã từng đảm nhận chức Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế trong suốt hơn 11 năm qua và nay là Giám đốc các chương trình kiểm soát bệnh tật của WHO, vậy bà thấy hai vị trí này có những điểm gì giống và khác nhau? Và đâu sẽ là trọng tâm trong công việc mới mà bà hướng tới?
Phó giáo sư Trần Thị Giáng Hương:Trong vai trò là Vụ trưởng phụ trách công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực hợp tác quốc tế của ngành y tế, tôi đã cùng tập thể Vụ Hợp tác quốc tế và các đồng nghiệp trong ngành y tế chủ trì quản lý và điều phối các hoạt động hợp tác quốc tế trong toàn ngành, vận động và thu hút các nguồn viện trợ và hợp tác kỹ thuật của các đối tác quốc tế để sử dụng cho các mục tiêu ưu tiên của ngành ytế
Trong suốt thời gian công tác tại Bộ Y tế tôi đã không ngừng học tập, nghiên cứu và tham gia trực tiếp vào nhiều hoạt động chuyên môn của ngành, trong đó có công tác phòng chống dịch bệnh, là một trong những thế mạnh của ngành y tế ViệtNam.
Có thể nói, kinh nghiệm trên đã giúp ích rất nhiều cho tôi khi đảm nhiệm cương vị mới là Giám đốc các Chương trình Kiểm soát bệnh tật của WHO. Tôi chỉ đạo việc hỗ trợ kỹ thuật trong các lĩnh vực nêu trên cho 37 quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực, xây dựng các kế hoạch hành động, các khung chiến lược về phòng chống dịch bệnh, quản lý các bệnh không lây nhiễm, sức khỏe tâm thần trong khuvực.
Mặt khác, tôi được trực tiếp tham gia vào nhiều lĩnh vực chuyên môn sâu ở một tầm cao mới, với tầm ảnh hưởng rộng khắp trong cả khu vực. Đây là một công việc rất quan trọng nhưng cũng đồng thời rất thách thức, đòi hỏi phải có trình độ quản lý tốt và kiến thức chuyên môn sâu rộng và bề dày kinh nghiệm để có thể chỉ đạo điều hành các công việc chuyên môn cho cả khu vực Tây Thái BìnhDương.
- Ấn tượng của bà trong môi trường làm việc đa quốc gia như thế nào?
Phó giáo sư Trần Thị Giáng Hương:Trong 6 tháng qua, trên cương vị mới tôi đã bước đầu hòa nhập tốt với môi trường làm việc quốc tế mang tính chuyên nghiệp và đòi hỏi cao. Tôi đã có điều kiện thể hiện được năng lực quản lý và chuyên môn và khẳng định được bản thân trên cương vị mới, được Giám đốc Khu vực - tiến sỹ Takeshi Kasai và các đồng nghiệp tại WHO đánh giá cao. Đây là nguồn động lực lớn lao giúp tôi tiếp tục nỗ lực phấn đấu để khẳng định bản thân và hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, góp phần vào công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của 1,9 tỷ dân trong khu vực Tây Thái Bình Dương, trong đó có ViệtNam.
- Ở trên cương vị mới, bà có những ấp ủ gì trong việc hỗ trợ cho ngành y tế nước nhà?
Phó giáo sư Trần Thị Giáng Hương:Ở trên cương vị mới, với phạm vi phụ trách các lĩnh vực chuyên môn quan trọng, tôi sẽ có cơ hội được đóng góp sức mình vào chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân trong khu vực Tây Thái Bình Dương trong đó có ViệtNam.
Đặc biệt ngoài việc tiếp nhận hỗ trợ kỹ thuật từ WHO và các quốc gia khác, Việt Nam có thể chia sẻ các kinh nghiệm và thế mạnh của mình cho các quốc gia trong khu vực, qua đó góp phần vào tri thức y học của khu vực và thế giới, đồng thời nâng cao được vai trò và vị thế của ngành y tế Việt Nam trên trường quốctế.
Tôi cũng mong rằng ngành y tế Việt Nam sẽ có những bước đi đúng đắn, sáng suốt trong thời gian tới, tiếp thu và học hỏi kinh nghiệm và bài học thành công của các nước nhằm xây dựng ngành y tế công bằng-hiệu quả và hội nhập, đáp ứng được nhu cầu chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân trong tình hìnhmới.
WHO luôn sẵn sàng dồng hành và ủng hộ, hỗ trợ Việt Nam trong tiến trình đó. Tôi cũng mong rằng trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều người Việt Nam, đặc biệt là các cán bộ trẻ có năng lực, có khát khao cống hiến sẽ được vào làm việc cho WHO và các tổ chức quốc tếkhác.
- Kỷ niệm đáng nhớ nhất của chị trong 25 năm công tác ở Bộ và hơn 11 năm trên cương vị Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế?
Phó giáo sư Trần Thị Giáng Hương:Chặng đường một phần tư thế kỷ công tác ở Bộ Y tế để lại trong tôi rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Trong đó có kỷ niệm đáng nhớ nhất đối với tôi đó là được tham gia vào công tác phòng chống dịch SARS năm 2003 và thật tự hào Việt Nam đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới được WHO công nhận đã khống chế thành công dịchSARS.
Kỷ niệm đáng nhớ tiếp theo là Việt Nam đã tổ chức thành công một loạt các sự kiện y tế quốc tế quan trọng, trong đó có thể kể đến Kỳ họp lần thứ 63 của Tổ chức Y tế Thế giới khu vực Tây Thái bình dương lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam (2012) đã thành công rực rỡ, tiếp đến là Hội nghị Bộ trưởng Y tế ASEAN (2014), Hội nghị các quan chức cao cấp ASEAN về phát triển y tế (2015) và Hội nghị Bộ trưởng Y tế và các nền kinh tế APEC(2017).
Chính các sự kiện y tế quốc tế mà Việt Nam đăng cai tổ chức này đã giúp tôi được tôi luyện và tích lũy được nhiều kinh nghiệm quí báu cả về công tác quản lý điều hành và chuyên môn, giúp tôi trưởng thành và tự tin đứng vững trong môi trường làm việc quốc tế hiện nay.
Theo Vietnam+