Truyền thông Triều Tiên kêu gọi người dân phá bỏ rào cản
Quốc tế - Ngày đăng : 11:24, 28/01/2020
Hãng tin Reuters cho biết chính quyền Bình Nhưỡng vài tuần nay tích cực thông qua phương tiện truyền thông nhà nước, áp phích và hoạt động biểu diễn để cảnh báo về con đường gập ghềnh phía trước dưới sức ép từ phía Washington lẫn quốc tế.
Nỗ lực tuyên truyền đưa ra lời kêu gọi người dân “phá bỏ rào cản” khiến đất nước trở nên giàu mạnh. Đây là thông điệp quen thuộc với người Triều Tiên nhưng đặt trong tình hình hiện tại thì lại cho thấy rằng giới lãnh đạo quốc gia Đông Bắc Á không mong đợi sẽ sớm có đột phá nào về ngoại giao.
Theo tiến sĩ Andray Abrahamian thuộc Đại học George Mason: “Ý họ muốn nói bởi vì chính sách thù địch và trừng phạt của Mỹ mà mọi thứ sẽ khó khăn hơn”. Một học giả châu Âu tiết lộ dù ngoài mặt tỏ thái độ cứng rắn, giới chức Triều Tiên vẫn rất muốn sự trừng phạt được nới lỏng.
Đời sống người dân Triều Tiên đã cải thiện nhiều từ lúc nhà lãnh đạo Kim Jong-un lên nắm quyền năm 2011. Năm 2018 ông tuyên bố hoàn thành chương trình vũ khí hạt nhân, tập trung phát triển kinh tế.Tuy nhiên Mỹ không chịu nới lỏng lệnh trừng phạt, đặt nhà lãnh đạo Kim vào thế khó.
“Năm 2012 nhà lãnh đạo Kim từng hứa sẽ không còn tình trạng “thắt lưng buộc bụng” nữa. Vì vậy đối với ông ấy việc kêu gọi đất nước chuẩn bị cho điều này gửi đi thông điệp rõ ràng”, tiến sĩ Abrahamian nhận xét.
Phát biểu vào cuối năm 2019, nhà lãnh đạo Kim cảnh báo về một cuộc đấu tranh gian khổ kéo dài và kêu gọi thúc đẩy xây dựng nền kinh tế tự lập do trừng phạt còn kéo dài,dường như ngầm thừa nhận người dân có thể phải “thắt lưng buộc bụng”.
Theo nhà phân tích Rachel Minyoung Lee thuộc trang NK News, lực lượng truyền thông chưa dám tuyên truyền rộng rãi nhằm tránh mâu thuẫn với những gì nhà lãnh đạo Kim hứa hẹn, thay vào đó họ sẽ gửi đi thông điệp một cách thận trọng.
Nhà lãnh đạo Kim ngay ngày đầu năm 2020 đã tuyên bố tiếp tục chương trình hạt nhân và sớm trình làng một vũ khí chiến lược mới. Từ đó đến nay Triều Tiên chẳng hề đề cập vấn đề đàm phán.
Bà Lee đánh giá: “Có thể họ muốn kéo dài thời gian để tiến hành thay đổi chính sách đối ngoại”.
Cẩm Bình (theo Reuters)