Ngân hàng thế giới đưa lý do không giúp tiền Trung Quốc trong dịch coronavirus
Quốc tế - Ngày đăng : 12:40, 11/02/2020
Chỉ hỗ trợ kỹ thuật, không giúp tiền
Ông Malpass nói với Reuters rằng ngân hàng đang hợp tác với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để hỗ trợ Trung Quốc, gồm việc đưa ra lời khuyên từ bài học giải quyết các cuộc khủng hoảng y tế trong quá khứ, nhưng không có kế hoạch hỗ trợ tài chính nào vì Trung Quốc có sẵn nguồn lực dồi dào.
“Tôi nghĩ rằng tất cả chúng ta đều mong muốn giải quyết một cách nhanh chóng coronavirus ở Trung Quốc. Và chúng tôi cung cấp hỗ trợ kỹ thuật trong lĩnh vực chính sách y tế, vệ sinh và bệnh dịch”, Malpass khẳng định.
Được thành lập sau Thế chiến thứ hai để tái thiết châu Âu, Ngân hàng Thế giới có tài sản khoảng 470 tỉ USD và Trung Quốc là một trong số những nước đang nhận vay lớn nhất, với 14,8 tỉ USD khoản vay được ký kể từ năm 2011. Trung Quốc cũng là cổ đông lớn thứ ba của ngân hàng sau Mỹ và Nhật Bản.
“Trung Quốc đã có một khoản dự trữ quốc tế lớn, và các khoản vay mới không được xem xét tại thời điểm này”, Malpass, cựu quan chức Bộ Tài chính của chính quyền Trump và mới nhậm chức Giám đốc Ngân hàng Thế giới vào tháng 4 năm ngoái.
Trung Quốc báo cáo rằng họ có 3.115 nghìn tỉ USD dự trữ ngoại hối vào tháng 1. Ngân hàng Thế giới cho biết các chuyên gia của họ đang thảo luận với chính quyền Trung Quốc và có thể giúp hỗ trợ giám sát dịch bệnh, an toàn thực phẩm, bài học từ các đại dịch trước đó và phân tích về ảnh hưởng của dịch bệnh đối với nền kinh tế Trung Quốc.
Thế nhưng, bên trong Trung Quốc, hơn 300 công ty từ dịch vụ giao thực phẩm đến các nhà sản xuất điện thoại thông minh đang tìm kiếm khoản vay hơn 8,2 tỉ USD để giảm bớt tác động của coronavirus, các nguồn tin ngân hàng nói với Reuters.
Tăng trưởng kinh tế dự kiến sẽ chậm lại 5% hoặc ít hơn trong quý này vì coronavirus, một nhà kinh tế của chính phủ Trung Quốc ước tính.
Malpass từ chối đưa ra ước tính về ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng đối với sự tăng trưởng kinh tế của thế giới. Ông nói còn quá sớm để Ngân hàng Thế giới đưa ra dự báo cả năm sẽ bị sụt giảm. “Rõ ràng, coronavirus đang làm chậm sự tăng trưởng trong nửa đầu năm 2020. Những hậu quả lâu dài mà chúng ta sẽ thấy là phản ứng xảy ra và những điều chỉnh được thực hiện”, ông nói. “Trung Quốc vừa trở lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài, vì vậy chúng tôi sẽ phải đánh giá sự tăng trưởng sau”.
Giám đốc Malpass luôn cảnh giác Trung Quốc quá giàu
Kể từ khi nhận công việc tại Bộ Tài chính Mỹ năm 2017, Malpass đã chỉ trích việc Ngân hàng Thế giới tiếp tục cho vay lãi suất thấp đối với Trung Quốc. Ông cho rằng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này quá giàu nên khỏi cần viện trợ như vậy trong khi họ đang phải lo cho một số quốc gia mắc nợ chương trình cơ sở hạ tầng Vành đai và Con đường (của Trung Quốc).
Từng là cố vấn cho chiến dịch bầu cử năm 2016 của Tổng thống Donald Trump, Malpass đã kêu gọingân hàng cầndànhnhiều nguồn lực cho các nước nghèo ở Châu Phi, Châu Á và Châu Mỹ Latinh.
Ngân hàng thế giới cam kết rà soát các nguồn tài chính có thể triển khai nhanh chóng nhằm vào các nước nghèo hơn có thể bị ảnh hưởng bởi đại dịch, một quan chức ngân hàng cho biết.
Trung Quốc đã đồng ý giảm vay như một phần của cải cách liên quan đến việc tăng vốn cho Ngân hàng Thế giới thêm 13 tỉ USD, vốn được các cổ đông chấp thuận vào năm 2018.
Ngân hàng Thế giới vào tháng 12 đã thông qua một kế hoạch 5 năm mới của Trung Quốc, kêu gọi mức 1 đến 1,5 tỉ USD cho nước nàyvay hằng năm, so với mức trung bình 1,8 tỉ USD cho vay hàng nằm trong 5 năm trước đó.
Giờ Malpass cho biết việc cho Trung Quốc vay trong năm tài khóa 2020, kết thúc vào ngày 30.6, còn có thể sẽ giảm xuống dưới phạm vi đó. Mặc dù ngân hàng đang có chuyển động theo hướng hạ mức cho vay đối với Trung Quốc nhưng ngân hàng sẽ cấp vốn cho một số lĩnh vực mang tính chất toàn cầu như các dự án môi trường, phát triển khu vực tư nhân và cải cách cho các doanh nghiệp nhà nước... mà Trung Quốc có thể trông chờ.
Khoản tài trợ mới duy nhất của Trung Quốc được Ngân hàng Thế giới phê duyệt trong năm tài khóa 2020 cho đến nay là khoản vay 150 triệu USD cho dự án trị giá 686 triệu USD để duy trì rừng ở thượng nguồn lưu vực sông Dương Tử.
Anh Tú