Loạt ảnh ấn tượng về một trong những án mạng bí ẩn nhất Iceland
Văn hóa - Ngày đăng : 07:28, 16/02/2020
Hành vi bạo lực nghiêm trọng như mưu sát là điều hiếm thấy tại ‘xứ băng’ Iceland, quốc đảo nhỏ bé đến mức nhịp sống thường nhật gợi lên ấn tượng không khác một thị trấn. Nơi mọi người đều biết nhau, những đồn đại hay sự kiện bí ẩn luôn khó được giữ kín.
Năm 1974, 2 người đàn ông, Guðmundur và Geirfinnur, đột ngột mất tích. Bất kể không cho thấy mối liên kết nào, và dù 2 trường hợp biến mất xảy ra cách nhau hơn 10 tháng, cảnh sát bản địa lại quy kết 2 vụ việc thành một án mạng giết người liên hoàng. Mặt dù không có bất kì cái xác, nhân chứng hay động cơ nào được phát hiện, 6 nghi phạm trẻ bị bắt giữ, đầu độc bằng thuốc và chịu tra tấn trong phòng biệt giam trước khi họ buộc phải kí vào giấy nhận tội.
‘Keflavik, 16.02.77’ (Ảnh: Cơ quan lưu trữ Quốc gia Iceland)
Jack Latham, nhiếp ảnh gia người Anh chuyên về thể loại tài liệu, bắt đầu hứng thú với vụ án kỳ lạ trong khi tiến hành nghiên cứu về văn hóa truyền miệng vùng Scandinavia (Bắc Âu). Từ năm 2014-2016, anh lần giở mọi hồ sơ khai thác được liên quan đến chuỗi án mạng, để hiểu nguyên do vì sao nhóm nghi phạm xấu số có thể tự ngờ vực, rồi hủy hoại chính sự trong sạch của họ.
Latham hiện đang triển lãm series ảnh ‘tường thuật’ toàn bộ câu chuyện ở trụ sở Hiệp hội Nhiếp ảnh Hoàng gia Anh (thuộc Bristol, tây nam nước Anh). Đồng thời, anh vừa tái bản lần hai tác phẩm sách ảnh đoạt giải ‘Sugar Paper Theories’, bổ sung thêm một số chia sẻ mới nhất của một trong sáu nghi can - Erla Bolladóttir, người bị buộc tội khai man để lôi kéo bạn trai và 3 người khác tham gia vụ án.
‘Không đề’ (Ảnh: Cơ quan lưu trữ Quốc gia Iceland)
“’Nút thắt’ của vụ việc nằm ở phía cảnh sát, những người đã tự ý ‘đúc kết’ nên một động cơ phạm tội khi không có sẵn bằng chứng nào trong tay. Ở cả cách, sau đó, những cảnh sát này tiếp tục ‘mớm cung’ cho người vô tội đến mức họ không còn lựa chọn nào khác ngoài tin vào lời dối trá”, Latham nói.
Với anh, yếu tố lắm lúc mơ hồ của ký ức con người, cùng lợi ích tưởng chừng luôn giúp phơi bày sự thật nơi nhiếp ảnh – là hai điều đóng vai trò cốt lõi trong vụ án mạng dị thường. Khi thiếu vắng hoàn toàn chứng cứ thực, và vì tin chắc nhóm tội phạm tình nghi mắc hội chứng quên tạm thường, cảnh sát đã thử ‘gợi nhắc’ hàng loạt ký ức ảo cho họ.
“Cảnh sát chở nhóm nghi phạm đến nơi họ nghĩ là đã diễn ra 2 vụ giết người, và buộc những người này ‘tái dựng’ hành vi gây án, chụp ảnh lại mọi thứ - gần như dựng nên một ‘vở kịch’ mưu sát theo góc nhìn của phía cảnh sát. ĐIều khó tin hơn là, chính những bức ảnh ‘dựng hiện trường’ lại được sử dụng làm bằng chứng trước tòa”.
Latham nhận ra sự liên hệ có phần chua chát giữa việc cảnh sát xây dựng hiện trường gây án, với vai trò của riêng anh như một nghệ sĩ nhiếp ảnh. “Ý tưởng về việc tường thuật vụ việc và quyền hạn tường thuật quá khứ, trong trường hợp này, khiến tôi mường tượng đến hoạt động nhiếp ảnh. Tôi nối kết mọi thứ và chúng trở thành ‘manh mối’ tạo dựng câu chuyện theo ý tôi. Người xem, vì thế luôn bị ‘cầm tù’ bởi sự phân tích và góc nhìn cụ thể ấy …
“Bạn có thể thấy chính mình ‘mắc kẹt’ giữa một vùng xám mờ mịt, khi nhìn những giấy tờ tài liệu trông rất thật, những đoạn lời khai được viết đầy ghê rợn, kèm theo đó là chuỗi ảnh chụp hiện trường. Bạn sẽ thấy bản thân bị cuốn vào một cảm giác an tâm giả tạo, khi tin rằng đấy chính xác là những gì đã xảy ra”.
Dự án ‘Sugar Paper Theories’ bao gồm ảnh và hồ sơ gốc về vụ án mạng, bên cạnh đó là nhiều shot hình mới do Latham chụp và thu thập từ một số nhà trinh thám tích cực dõi theo sự việc, những người trước kia từng bị cười cợt như những ‘nhà lý luận thuyết âm mưu’ khi có ý phản bác quyết định giam giữ 6 thanh niên. Phát hiện gần nhất giúp minh chứng sự vô tội của họ nằm ở những trang nhật kí vừa được tìm thấy của Guðjón Skarphéðinsson, thuộc nhóm nghi phạm. Nội dung nhật kí thể hiện sự bối rối xoay quanh toàn bộ vụ việc, khi Skarphéðinsson thừa nhận bản thân “đang dần mất tỉnh táo” trước những cáo buộc. Cựu cảnh sát và chuyên gia tâm lý Gísli Guðjónsson cũng đưa ra bằng chứng cho thấy dấu hiệu của Hội chứng Ký ức Giả (False Memory Syndrome).
Latham lưu ý đến một số quan ngại về mặt đạo đức đối với series ảnh đặc biệt này, khi tội ác được cố ý ‘nhào nặn’ thành một ‘vở kịch’ phi thực. “Những nạn nhân của câu chuyện vô tình phải ‘vào vai’ nhân vật phản diện trong trí tưởng tượng của chúng ta. Và thật ra, toàn bộ series không hề có bức ảnh nào chụp lại chân dung những nghi phạm từng bị buộc tội. Tôi chụp một số hiện vật thuộc về họ, mô hình nhà thờ của Guðjónm, chậu cá vàng của Erla,.. – những thứ gợi nhắc về họ. Tôi nghĩ điều quan trọng nhất chính là đừng đặt họ vào tình cảnh ấy, để bị xem như ‘chủ thể’ trong trí tưởng tượng của ai đó”.
Đối với Latham, vụ án chưa thật sự khép lại, và anh mong muốn một triển lãm ảnh chi tiết về nó sẽ mang tính thức thời. Năm ngoái, khi 5 nghi phạm đã được tha bổng, Erla vẫn đang phải chịu bản án dành cho bà. Latham bày tỏ, bổ sung những lời tự thuật mới từ Erla vào tác phẩm sách ảnh, theo anh, có ý nghĩa kêu gọi công lý: “năm người đã tìm thấy công lý, nhưng đó không là thứ công lý chân chính nếu nó không dành cho tất cả”.
“Chúng tôi muốn giúp Erla giành quyền được viết về trải nghiệm của riêng bà”, Latham nói thêm. “Ở đây, chúng tôi đang nói về một người từng bị tước đi quyền công dân, bị biến thành ‘chủ thể’ chỉ trích bởi truyền thông. Nhưng dẫu vậy, suốt bao năm tháng, bà vẫn mong tìm kiếm công bằng, để ‘rửa sạch’ tội danh. Một ao ước hoàn toàn chính đáng.”
Như Ý (tin, ảnh: HuckMag)