Việt Nam có phác đồ điều trị hiệu quả Covid-19
Sự kiện - Ngày đăng : 18:09, 19/02/2020
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), Phó trưởng Tiểu ban Điều trị, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của coronavirus (Covid-19) khẳng định, để ứng phó với dịch bệnh, hệ thống khám chữa bệnh, ngành y tế đã họp ngay Hội đồng chuyên môn với các giáo sư đầu ngành. Căn bệnh này, thấy có những đặc thù với căn bệnh SARS trước kia và bệnh dịch mới nổi hiện nay nên Việt Nam có hướng dẫn điều trị cập nhật ngay từ những ngày trước Tết. Sau đó, Việt Nam tiếp tục tập huấn triển khai một cách quyết liệt các phác đồ hướng dẫn điều trị cho các bệnh viện.
"Ngay sau khi điều trị khỏi cho 3 bệnh nhân ra viện tại Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Khánh Hòa và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, chúng tôi tiếp tục cập nhật phác đồ điều trị một lần nữa, đưa ra những chiến lược điều trị cụ thể từ hướng dẫn đón tiếp ban đầu, cách ly người bệnh đến sử dụng thuốc, dịch truyền và phương tiện cấp cứu cần thiết nhất cho bệnh nhân nặng bằng phương tiện hiện đại nhất.
Có thể nói đối phó với dịch Covid-19, chúng ta luôn đi trước khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới. Cả 16 bệnh nhân mắc Covid-19 hiện nay sức khỏe đều ổn định, tiến triển tốt và không hề có bệnh nhân nào tử vong" - PGS Khuê nhận định.
Theo PGS-TS Lương Ngọc Khuê, việc phân tuyến điều trị bệnh nhân Covid-19 tại các bệnh viện của Bộ Y tế như hiện nay là hợp lý, hiệu quả. Người dân hoàn toàn có thể yên tâm về công tác phòng, chống dịch bệnh.
"Đối với bệnh truyền nhiễm, nguyên tắc số 1 là phải cách ly thật tốt. Do vậy, khi tiếp nhận người bệnh (có thể là người bệnh nghi ngờ, có thể dương tính nhẹ, hay nặng) ở tất cả khu vực này, khi người bệnh bắt đầu bước chân vào, bệnh viện phải tuân thủ tuyệt đối các nguyên tắc cách ly của Bộ Y tế" - PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho hay.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho biết, theo chia sẻ của Trung Quốc và nhiều nước, có khoảng 10 - 20% ca nặng, vì thế ngành y tế Việt Nam cũng chuẩn bị số giường bệnh với đầy đủ trang thiết bị sẵn sàng ứng phó. Hiện nay, toàn bộ hệ thống khám chữa bệnh từ trung ương đến tuyến xã cùng vào cuộc theo phương châm “4 tại chỗ”.
Theo đó, tuyến trung ương đảm nhận những ca bệnh phức tạp, nặng; tuyến tỉnh hỗ trợ tuyến huyện những ca phức tạp, vượt khả năng; tuyến huyện tập trung thu dung, điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19. Đối với y tế tuyến xã thực hiện chức năng giám sát, phát hiện ca bệnh. Sau khi bệnh nhân điều trị khỏi, trở về gia đình và cộng đồng, y tế tuyến xã phối hợp với chính quyền địa phương theo dõi, chăm sóc, động viên bệnh nhân…
Theo ông Khuê, hiện phân tuyến điều trị ở Việt Nam hoàn toàn hợp lý, đúng với đặc tính của căn bệnh do chủng Covid-19. Điều này nhằm phát hiện sớm, điều trị kịp thời, không để bệnh nhân tử vong hay lây nhiễm chéo trong bệnh viện.
WHO đánh giá Việt Nam đã xử lý dịch bệnh Covid-19 rất tốt Trong cập nhật mới đây về "Dịch Covid-19: Những gì chúng ta đã biết đến nay", Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam đánh giá cao năng lực của Việt Nam trong việc xử lý dịch bệnh Covid-19. WHO khuyến nghị: Việt Nam cần tiếp tục cảnh giác và sẵn sàng kiểm soát dịch bệnh. Cần phát hiện sớm, cách ly và xử trí các trường hợp mắc bệnh bằng các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn thích hợp, tăng cường giám sát, chia sẻ thông tin minh bạch và kịp thời với WHO như yêu cầu của Điều lệ Y tế quốc tế. |
Dạ Thảo