Pháp và Đức hợp tác chế tạo chiến đấu cơ mới
Quốc tế - Ngày đăng : 20:22, 20/02/2020
Pháp và Đức đã ký một thỏa thuận trị giá 150 triệu euro (161,84 triệu USD) trong ngày 21.2 để phát triển nguyên mẫu của máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo, một dự án được coi là quan trọng đối với châu Âu để tự vệ mà không cần dựa vào các đồng minh trong một thế giới ngày càng không chắc chắn.
Hãng Dassault và Airbus sẽ chế tạo máy bay quân sự này, dự kiến sẽ chính thức đi vào biên chế từ năm 2040 với mục đích thay thế các máy bay chiến đấu Eurofighter hiện đang hoạt động trong quân đội Đức và Pháp.
"Đây là một dự án rất tham vọng giữa Pháp, Đức và có thêm sự tham gia của Tây Ban Nha", Bộ trưởng Lực lượng Vũ trang Pháp Florence Parly nói với các phóng viên sau lễ ký kết với các đối tác của ông từ hai nước kia.
"Dự án sẽ cho phép các quốc gia của chúng ta đối mặt với các mối đe dọa và thách thức trong nửa sau của thế kỷ 21... và minh họa ý chí và tham vọng của chúng ta đối với một nền quốc phòng chung của châu Âu", ông Parly nói thêm.
Quốc hội Đức đã phê duyệt tài chính cho dự án này vào tuần trước. Tây Ban Nha sẽlà thành viên của giai đoạn đầu của dự án và sẽ chính thức tham gia dự án vào cuối năm 2020, đầu tư khoảng 50 triệu euro.
Hợp đồng mới của Hệ thống Không quân Chiến đấu Tương lai (SCAF) gồm nghiên cứu và công nghệ ban đầu cho máy bay nguyên mẫu, động cơ, máy bay không người lái bay kèm với máy bay chiến đấu và mạng lưới chiến đấu trên không.
Nguyên mẫu máy bay chiến đấu mới này sẽ có tổng vốn đầu tư khoảng 4 tỉ euro trước khi hoàn thành vào năm 2026. Việc sản xuất máy bay này sẽ bắt đầu vào năm 2040.
Dassault và Airbus sẽ chế tạo máy bay chiến đấu. Safranand MTU Aero Engines sẽ phát triển động cơ. Airbus và Dassault cũng sẽ chế tạo máy bay không người lái. Trong khi Airbus và Thales SA phụ trách các khía cạnh kỹ thuật số.
Dự án này phải đối mặt với sự cạnh tranh từ Anh, khi trong năm 2018 nước này đã đưa ra kế hoạch của riêng mình cho một chiếc máy bay chiến đấu mới có tên là Temp Tempest. Các quan chức Pháp cho biết họ hy vọng hai dự án riêng này cuối cùng sẽ hợp nhất.
Các giám đốc điều hành của ngành hàng không đã thúc giục các nước châu Âu di chuyển nhanh chóng hoặc có nguy cơ mất đi thị trường toàn cầu cho những nước khác như Mỹ, hoặc thậm chí là Trung Quốc trong tương lai.
Cả Mỹ, Nga, Trung Quốc hiện đều đã có các thế hệ máy bay chiến đấu thứ 5 của riêng mình. Mỹ và Nga thậm chí còn đang tiến hành nghiên cứu máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6, trong khi châu Âu hiện vẫn chưa có loại máy bay chiến đấu thế hệ mới nào kể từ những năm 2000.
Thiên Hà (theo Reuters)