Dời lịch kết thúc năm học nhưng học sinh không phải học bù vào thứ bảy và Chủ nhật
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 12:01, 24/02/2020
Sau nhiều ngày mong ngóng của các thầy cô giáo, phụ huynh, học sinh thì Bộ GD-ĐT chính thức ra thông báo điều chỉnh lịch học năm 2020. Trước chủ trương của Bộ GD-ĐT, nhiều địa phương cho biết đã thống nhất để học sinh đi học trở lại từ đầu tháng 3. Theo đại diện Sở GD-ĐT Hà Nội, việc đảm bảo chuẩn bị môi trường học đường, lớp học an toàn hơn các cơ quan nhà nước, sẵn sàng đón học sinh quay trở lại trường học từ đầu tháng 3 và các trường đều điều chỉnh lịch kết thúc năm học 2020 lùi lại 1 tháng so với lịch thường niên.
Nhận định về việc điều chỉnh lùi kế hoạch thời gian năm học của Bộ GD-ĐT, anh Lê Hoàng Long, phụ huynh ờQ.Cầu Giấy, Hà Nộicho biết: "Việc để các con nghỉ học ở nhà để tránh dịch bệnh Covid-19 là hoàn toàn chính xác, tuy nhiên tôi khá lo lắng khi việc học của các cháu bị trì trệ, thêm nữa nếu sau khi đi học, các trường dồn kiến thức khiến các cháu sẽ bị áp lực, mệt mỏi. Khi đọc thông tin thấy Bộ GD-ĐT lùi thời gian kết thúc năm học tôi hoàn toàn an tâm. Năm nay, con tôi thi lên khối THPT nên cháu có thời gian ôn luyện ổn định hơn, chứ không bị dồn kiến thức, vẫn có thời gian nghỉ ngơi giữa tuần chứ không bị ép học cả vào thứ 7 và chủ nhật".
Trao đổi với phóng viên về việc điều chỉnh kết thúc năm học vào cuối tháng 6, ông Thái Văn Thành - Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Nghệ An cho biết các kỳ thi hay lịch kết thúc năm học được lùi lại 1 tháng là hoàn toàn chính xác. Điều này giúp địa phương, nhà trường ổn định dạy học theo chương trình sau thời gian nghỉ học tương đối dài mà không quá cập rập, áp lực. Các phụ huynh, học sinh, cô giáo có sự chuẩn bị cả về nội dung chương trình giảng dạy và công tác phòng chống dịch bệnh. “Đến nay, chưa thể khẳng định được dịch bệnh Covid-19 đã hết, mà vẫn còn diễn biến phức tạp. Với việc Bộ GD-ĐT quyết định lùi thời gian kết thúc năm học đến trước ngày 30.6 thì địa phương thuận lợi trong tổ chức dạy học trở lại. Không nhất thiết phải dạy bù vào tất cả các buổi chiều và thứ bảy, Chủ nhật để chạy kịp chương trình, có thể dẫn đến áp lực, căng thẳng cho học sinh, giáo viên”, ông Thái Văn Thành cho hay.
Chung quan điểm với ông Thành, Hiệu trưởng trường THPT Việt Đức (Hà Nội) cho biết việc lùi thời gian kết thúc năm học là giải pháp an toàn, có lợi cho học sinh. Các em nghỉ học 1 tháng được lùi kế hoạch tương đương thời gian nghỉ thì các nhà trường tiếp tục dạy học theo chương trình. Coi như năm nay, học sinh rút ngắn thời gian nghỉ hè. Trong thời gian đó, liệu các địa phương, nhà trường có thực hiện được các phần việc khác như chuẩn bị thi THPT quốc gia, thi tuyển lớp 10, cũng như các trường ĐH, CĐ tuyển sinh ra sao? “Nếu chúng ta vẫn thực hiện suôn sẻ các phần việc đó coi như đang thử nghiệm đề xuất của Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung về việc rút ngắn thời gian học sinh nghỉ hè và chia nhiều kỳ nghỉ trong năm”.
Giám đốc Sở GD-ĐT Hưng Yên, ông Nguyễn Văn Phê chung quan điểm, điều chỉnh chương trình khung của Bộ khá hợp lý, học sinh chưa phải học thứ bảy, chủ nhật và có đủ thời gian học hết chương trình cũng như ôn tập tiến tới các kỳ thi quan trọng.
Kéo dài thời gian kết thúc năm học đồng nghĩa với việc thời gian nghỉ hè của học sinh sẽ rút ngắn lại. Việc học sinh đi học đến tháng 6 cũng khiến một số phụ huynh lo ngại thời tiết nắng nóng sẽ khiến học sinh và giáo viên vất vả. Hiện nay, không phải cơ sở giáo dục nào cũng có điều kiện, trang bị đủ máy điều hòa cho lớp học, trong khi nhiều nơi sĩ số lớp học quá cao. Nhiều địa phương cho biết sẽ lấy ý kiến phụ huynh về việc sắp xếp lịch học bù, trên tinh thần không gây áp lực, nhưng cả phụ huynh, giáo viên, học sinh cùng nỗ lực để khắc phục khó khăndo ảnh hưởng của dịch bệnh.
Dạ Thảo