Khi người đồng tính nam hại người đồng tính nam

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 22:39, 29/02/2020

Ngoại hình không đẹp, thu nhập thấp và không nam tính đôi khi là những lí do đã dẫn đến căng thẳng cho nhiều người đồng tính và song tính nam.

Cộng đồng LGBT (đồng tính, song tính và chuyển giới) hiện đã có sự chấp thuận từ xã hội và quyền công dân tốt hơn so với vài thập niên trước. Tuy nhiên, những khó khăn về mặt sức khỏe tâm thần của họ vẫn tồn tại và ngạc nhiên là khả năng rất cao chúng đến từ nội bộ.

Đó là những phát hiện nổi bật và gây tranh cãi của một nghiên cứu vừa được công bố vào đầu năm nay trên tạp chí Tâm lý học và Tâm lý xã hội. Nó cho chúng ta có cái nhìn cận cảnh về những áp lực đặc thù mà những người đồng tính nam và song tính phải đối mặt.

Người đồng tính có tỷ lệ tự tử cao hơn gấp 4 lần so với dân số nói chung. Tỷ lệ này ở người chuyển giới còn cao hơn. Ngoài ra, người LGBT còn có nguy cơ bị trầm cảm, lo lắng và lạm dụng chất kích thích dễ dẫn đến HIV cao gấp đôi so với người dị tính. Trong hai thập niên qua, nhiều cuộc nghiên cứu đã chỉ ra rằng nguyên nhân là do sự kỳ thị của xã hội dành cho cộng đồng LGBT.

“Mặc dù vậy, lập luận đó dường như không đầy đủ đối với một số người LGBT”, John Pachankis - phó giáo sư về sức khỏe cộng đồng và tâm thần học tại ĐH Yale và là tác giả chính của nghiên cứu mới - cho biết.

John Pachankis

Travis Salway - trợ lý giáo sư xã hội học tại đại học Simon Fraser ở British Columbia - cho biết tỷ lệ tự tử của các nhóm thiểu số tính dục là “quá lớn để có thể lý giải sơ sài, chắc chắn không phải trùng hợp và càng không phải chỉ vì một nguyên nhân”.

Theo Pachanskis và Salway, các nghiên cứu trước đây thường bỏ qua sự kỳ thị ở giữa những người đồng tính nam với nhau.

Năm 2017, nhà báo Michael Hobbes đã đưa ý tưởng này vào một bài viết chuyên sâu trên tờ HuffPost và đặt tên là “dịch bệnh của sự cô đơn đồng tính”. Nó đã được lan truyền mạnh mẽ bởi cộng đồng đồng tính và song tính nam. Đây này là minh chứng cho thấy rất nhiều người cảm thấy lạc lõng và không thoải mái bởi văn hóa đồng tính hiện nay. Đôi khi, họ có thể đối xử khá tàn nhẫn với nhau.

Từng có vài nghiên cứu xoay quanh chủ đề này nhưng nghiên cứu của Pachanskis được thực hiện nghiêm ngặt nhất. Trong 5 năm, ông đã thực hiện 5 nghiên cứu tâm lý, bao gồm 4 thí nghiệm được thiết kế tỉ mỉ với 9 nhóm người đồng tính và song tính nam.

Pachankis và các đồng nghiệp phát hiện ra rằng những người đồng tính và song tính nam đặc biệt quan tâm đến “địa vị” của họ trong cộng đồng. Nó được hình thành dựa trên ngoại hình, thu nhập và sức thu hút. Những người nào có địa vị thấp hơn thường có khuynh hướng bị căng thẳng và đôi khi là trầm cảm.

Những người tham gia nghiên cứu được yêu cầu góp mặt vào một nhóm chat chung trên Internet. Khi một người bị khước từ hay xem thường bởi một thành viên khác vượt trội hơn (về ngoại hình, độ nam tính hay thu nhập) thì họ có khuynh hướng bị căng thẳng. Điều này không diễn ra nếu như người vượt trội hơn là đàn ông dị tính.

Pachanskis dự định sẽ đăng một bài viết cho thấy sự tương quan giữa nghiên cứu của ông với dịch HIV/AIDS trên ấn phẩm Annals of Behavioral Medicine. Bởi vì phát hiện này đã cho thấy một điểm mù trong phòng chống HIV.

Ưu tiên của các nghiên cứu tâm lý liên quan đến nguy cơ nhiễm HIV ở nhóm MSM (nam quan hệ đồng giới) từ trước đến nay chỉ tập trung vào sự kỳ thị chống LGBT mà không quan tâm đến những tác động khác. Ví dụ như nạn kỳ thị lẫn nhau trong bối cảnh các ứng dụng hẹn hò lên ngôi.

“Tại sao không tập trung vào ý tưởng những người đồng tính nam quan hệ không an toàn là do áp lực?”, Pachanskis nói

Đàn ông trong tất cả các nền văn hóa đều có khuynh hướng cạnh tranh và bị thúc đẩy bởi nhu cầu chứng minh độ nam tính của họ. Điều đó diễn ra tương tự ở cộng đồng đồng tính nam. Thế nhưng, hơi khác một tí là họ cạnh tranh chỉ để tìm kiếm tình dục.

Pachankis cho rằng các ứng dụng như Grindr và Jack’D là môi trường lí tưởng cho những suy nghĩ độc hại như vậy lan truyền mạnh mẽ. Đó là nơi mà ngoại hình, thu nhập và độ nam tính thống trị.

Ngoài ra, không giống với đàn ông dị tính, người đồng tính nam có hứng thú với những người giống mình. Đó là một cuộc chiến không khoan nhượng. Những người có ngoại hình đẹp thường chọn người tương tự hoặc cao hơn, đôi khi là giàu hơn.

“Những nỗ lực như vậy có thể làm phát sinh chứng rối loạn cơ thể, rối loạn ăn uống và sử dụng steroid có hại”, Aaron Blashill – một chuyên viên nghiên cứu về người đồng tính nam tại ĐH San Diego – cho biết. “Các ứng dụng hẹn hò, sự phán xét và phân biệt chủng tộc trong cộng đồng chính là nguồn cơn dẫn đến căng thẳng”.

Trong lịch sử, hầu hết các nghiên cứu tâm lý về sức khỏe tâm thần của các nhóm thiểu số tình dục chỉ tập trung vào chấn thương của việc lớn lên trong một xã hội kỳ thị họ.

Năm 1957, nhà tâm lý học Evelyn Hooker đã công bố một nghiên cứu đột phá cho thấy những người đồng tính luyến ái hoàn toàn khỏe mạnh về mặt tâm lý như người dị tính. Nghiên cứu này đã góp phần vào việc Hiệp hội Tâm thần Mỹ loại bỏ đồng tính luyến ái ra khỏi danh sách các căn bệnh vào năm 1973.

Bắt đầu từ giữa những năm 1990, các nhà nghiên cứu bắt đầu nhận ra rằng những người thiểu số tình dục trải qua tỷ lệ lo âu và rối loạn dẫn đến sử dụng chất gây nghiện, trầm cảm, tự tử cao hơn người dị tính.

Năm 2003, Ilan H Meyer - một nhà tâm thần học tại Đại học California - đã cho ra đời lý thuyết “căng thẳng thiểu số”, giải thích sự chênh lệch về sức khỏe tâm thần giữa các nhóm thiểu số tính dục và dân số chung là hệ quả của định kiến.

Lý thuyết căng thẳng thiểu số đã chứng tỏ tầm ảnh hưởng của nó trong việc định hình các chiến dịch đấu tranh cho quyền LGBT và các vụ kiện ở tòa án cũng như quan điểm phổ biến cho rằng đau khổ của người đồng tính là do người dị tính gây ra.

Pachankis cho biết nghiên cứu của ông bổ sung cho lý thuyết căng thẳng thiểu số. Lý thuyết mới mang tên “căng thẳng thiểu số trong cộng đồng đồng tính nam” cung cấp một khuôn khổ để khám phá nhiều khía cạnh hiếm khi được nghiên cứu về sức khỏe tâm thần của người đồng tính.

Myers cho rằng các nhà vận động quyền LGBT nên tập trung chú ý vào nghiên cứu của Pachankis.

Tuy nhiên, Pachankis, Meyer và những người khác đã bày tỏ lo ngại rằng những phát hiện mới có thể bị hiểu sai hoặc thậm chí cố tình diễn giải sai để làm bằng chứng cho quan điểm lâu đời rằng “đồng tính là có hại”.

“Tôi hy vọng phát hiện này sẽ không bao giờ làm tổn hại đến LGBT”, Pachankis nói. “Mỗi nhóm thiểu số phải đối mặt với những yếu tố gây căng thẳng từ bên trong”.

Mai Thảo

Chí Thiện - bài