COVID-19: Châu Âu thêm 500 ca nhiễm mới, Iraq cách ly hơn 1.000 người, Mỹ đã có 12 người chết

Quốc tế - Ngày đăng : 06:33, 06/03/2020

Đến sáng nay dịch COVID-19 đã lan ra 86 quốc gia/vùng lãnh thổ, toàn thế giới ghi nhận đã có 97.762 người mắc bệnh, 3.358 người tử vong, trong đó riêng lục địa Trung Quốc là 3.014 người, Ý 148 người.

Bộ Y tế Iran ngày 5.3 thông báo nước này tính đến nay đã có 107 ca tử vong vì COVID-19 (tăng 15 trường hợp so với 24 tiếng đồng hồ trước) và 3.513 ca nhiễm.

Phát biểu trên truyền hình, Bộ trưởng Y tế Saeed Namaki thông báo một loạt biện pháp đối phó mới: thiết lập điểm kiểm soát để kiểm soát đi lại ở các thành phố lớn, kêu gọi người dân hạn chế dùng tiền giấy, không bước xuống xe khi đổ xăng, kéo dài thời hạn đóng cửa trường hợp qua khỏi ngày bắt đầu năm mới Ba Tư (20.3).

Bên ngoài Iran, Kuwait có thêm 2 bệnh nhân nâng tổng số ca nhiễm lên 58. Trang Jewish Press đưa tin Palestine ghi nhận 4 ca nhiễm đầu tiên trong một khách sạn trên địa bàn thị trấn Beit Jala, giới chức năng lập tức cách ly toàn bộ nhân viên lẫn số khách lưu trú còn lại.

Theo Bộ Y tế Việt Nam đến sáng nay, số ca tử vong do COVID-19 bên ngoài Trung Quốc nhiều nhất là:- Ý: 148người - Iran: 108 người - Hàn Quốc: 42 người- Mỹ: 12 người- Nhật Bản: 06 người - Tàu Diamond Princess: 06 người- Pháp: 04 người - Tây Ban Nha: 03 người

Số ca tử vong còn lại được ghi nhận tại:- Hồng Kông: 02 người- Đài Loan: 01 người - Phillippines: 01 người- Australia: 02 người- Thái Lan: 01 người- San Marino: 01 người - Iraq: 02 người- Thuỵ Sỹ: 01 người- Anh: 01 người.

Trung tâm Phòng và kiểm soát dịch bệnh của Hàn Quốc (KCDC) chiều 5.3 cho biết số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại nước này đã vượt 6.000 người, hầu hết tập trung ở thành phố Daegu (Đông Nam).Cùng ngày, thêm một khu vực thứ ba gần Deagu đã được xác định là một "vùng chăm sóc đặc biệt".

Trong một diễn biến khác, Nhà Xanh (tức Phủ Tổng thống Hàn Quốc) cho biết nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã gửi một bức thư tay tới Tổng thống Moon Jae-in để chia sẻ người Hàn Quốc trong cuộc chiến chống COVID-19. Bức thư đã đến tay ông Moon ngày 4/3, trong đó ông Kim bày tỏ tin tưởng rằng Hàn Quốc sẽ vượt qua thời khắc khó khăn này và cầu chúc sức khỏe cho nhân dân Hàn Quốc.

Thư ký cấp cao về thông tin của Nhà Xanh, ông Yoon Du-han cho biết: "Nhà lãnh đạo Triều Tiên nói rằng ông ủng hộ cuộc chiến chống COVID-19 của Hàn Quốc và thể hiện tình hữu nghị bền vững và niềm tin đối với ông Moon". Ngoài ra, ông Kim cũng chia sẻ những suy nghĩ "thẳng thắn" về tình hình trên Bán đảo Triều Tiên.

Đáp lại, Tổng thống Moon đã gửi một bức thư đến nhà lãnh đạo Triều Tiên. Cùng ngày, Bộ Tư lệnh Liên hợp quốc (UNC) cho biết sẵn sàng phê chuẩn đề nghị vào khu phi quân sự (DMZ) giữa hai miền Triều Tiên để cung cấp các hỗ trợ bất chấp dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Trên tài khoản Facebook của mình, UNC viết: "Tình hình đã yên bình hơn kể từ khi Triều Tiên đóng cửa biên giới vì COVID-19, nhưng nhân viên UNC vẫn sẵn sàng phê chuẩn và tạo điều kiện cho việc qua lại giữa hai miền Triều Tiên". UNC là lực lượng giám sát thỏa thuận đình chiến sau cuộc Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953).

Triều Tiên đã hạn chế đi lại qua biên giới từ cuối tháng 1 vừa qua, trong nỗ lực ngăn chặn virus SARS-CoV-2 xâm nhập nước này. Bên cạnh đó, Triều Tiên cũng yêu cầu cách ly đối với tất cả các nhà ngoại giao nước ngoài và đại diện các tổ chức quốc tế. Lệnh cách ly này đã được dỡ bỏ sau một tháng áp dụng. Bình Nhưỡng đến nay chưa thông báo ca nhiễm nào.

Iraq cách ly hơn 1.000 người tại Erbil

Truyền thông địa phương dẫn lời giới chức thành phố Erbil của Iraq cho biết, khoảng hơn 1.000 người đang được cách ly ở các trung tâm y tế do nghi ngờ nhiễm dịch bệnh COVID-19.

Hầu hết những người này dự kiến sẽ được cách ly trong 14 ngày tại 12 địa điểm trên thành phố.

Cho đến nay, Iraq đã ghi nhận ít nhất 35 ca nhiễm COVID-19, trong đó có 2 người đã tử vong.

Nhà chức trách Iraq vẫn đang tiếp tục tiến hành các biện pháp khử trùng và kiểm soát dịch bệnh trên toàn quốc.

Châu Âu ghi nhận thêm 517 ca nhiễm mới, 4 ca tử vong

Giới chức y tế Bỉ thông báo, tính đến ngày 5.3, nước này đã có 50 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại hầu hết các vùng trên toàn quốc.

Riêng trong 24 giờ qua, Bỉ đã ghi nhận thêm 27 trường hợp, tăng hơn gấp đôi so với con số trước đó.

Hiện tại tất cả các trường hợp xác định nhiễm bệnh đều từng du lịch Italy hoặc có tiếp xúc với người trở về từ Italy. Trong các trường hợp nhiễm COVID-19, một số được đưa đến viện chữa trị, trong khi những người có biểu hiện bệnh nhẹ sẽ được cách ly điều trị tại nhà.

Cùng ngày, giới chức y tế Hy Lạp thông báo đã ghi nhận thêm 21 ca nhiễm COVID-19 trong một nhóm người vừa trở về từ Israel, nâng tổng số trường hợp nhiễm bệnh lên 31 người.

Liên quan tới dịch COVID-19, Bộ trưởng Y tế Thổ Nhĩ Kỳ Fahrettin Koca khuyến cáo công dân không ra nước ngoài trừ trường hợp cấp thiết, trong khi những người từ nước ngoài trở về phải tự cách ly 14 ngày. Bộ trưởng Koca cho rằng phản ứng chậm chạp của các nước châu Âu đang gây nguy hiểm cho người Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong khi đó, chính quyền Indonesia vừa từ chối tiếp nhận du thuyền MV Viking Sun (mang cờ Na Uy) do lo ngại dịch bệnh COVID-19. Một số thông tin cho rằng tàu MV Viking Sun, với khoảng 800 khách du lịch hầu hết đến từ Mỹ và Australia, đã có hành khách bị sốt.

Tính đến 14 giờ (giờ GMT) ngày 5/3, COVID-19 đang ảnh hưởng đến 87 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới và 1 phương tiện vận chuyển quốc tế (tàu du lịch Diamond Princess có cảng ở Yokohama, Nhật Bản).

Trên thế giới ghi nhận 96.951 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, 3.308 ca tử vong trong đó chỉ riêng ngày 5/3 đã có 1.773 ca nhiễm mới và 54 ca tử vong.

Đức đang trở thành 'ổ dịch' lớn thứ 2 châu Âu sau Italy khi có thêm 182 ca nhiễm mới trong ngày, nâng số người nhiễm bệnh của nước này lên con số 444 ca tại 15/16 bang.

Trong ngày 5.3, châu Âu 517 ca nhiễm mới trong đó có 4 trường hợp tử vong 2 ở Pháp, 1 ở Tây Ban Nha và 1 ở Thụy Sĩ.

Cụ thể: Đức 182 ca; Pháp 92 ca (trong đó ở đảo Corsica ghi nhận 3 trường hợp mới xuất hiện), có 2 ca tử vong; Hà Lan, 44 ca; Tây Ban Nha 31 ca (1 tử vong); Bỉ, 27 ca; Hy Lạp, 22 ca; Thụy Điển, 21 ca; Tây Ban Nha 20 ca (1 tử vong); Thụy Sĩ: 18 ca (1 tử vong), Na Uy 13 ca; Áo 12 ca; Iceland, 8 ca;

Hai nước có 5 ca nhiễm mới là Phần Lan và San Marino 5 ca (tổng số nhiễm bệnh lên 21 trong đó 15 ca phải nhập viện, 3 ca nghiêm trọng, 1 ca tử vong).

Các nước có 3 ca nhiễm mới là Scotland, Azebaijan, Anh trong đó ghi nhận trường hợp đầu tiên ở đảo Corsica.

Bồ Đào Nha ghi nhận 2 ca nhiễm mới và các nước Georgia, Solovenia, Estonia, Nga mỗi nước ghi nhận 1 ca nhiễm mới.

Bosnia và Herzegovina ngày 5/3 cũng đã ghi tên mình vào danh sách các quốc gia có người nhiễm bệnh với 2 ca mới từ một gia đình gần đây đã đi đến Italy.

Dịch COVID-19 đã lan tới 38 nước của lục địa già, với tổng số 4.868 ca nhiễm, 118 ca tử vong. Italy đang đứng đầu ca nhiễm và tử vong với các con số lần lượt là 3.089 và 107. Các nước có số nhiễm virus SARS-CoV-2 cao gồm: Đức, 444 ca; Pháp, 377 ca (6 tử vong) và Tây Ban Nha 259 ca.

Italy: Có thể ngồi tù 2 năm nếu lợi dụng dịch COVID-19 để lừa đảo

Cảnh sát Italy cho biết những kẻ lừa đảo đã lợi dụng lúc tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 diễn biến phức tạp để tăng giá sản phẩm vệ sinh hoặc cố tình bán các sản phẩm không phù hợp mà lại cho rằng chúng có thể giúp ngăn ngừa nhiễm bệnh.

Cảnh sát Italy đang điều tra 36 đối tượng, trong đó 14 người có nguy cơ phải ngồi tù 2 năm vì tội lừa đảo.

Ông Giovanni Lupi, người chỉ đạo cuộc điều tra tại Turin, cho biết nhiều người quảng cáo các sản phẩm như trà thảo dược sẽ phòng được bệnh mà chưa được kiểm chứng.

Trong số những đối tượng bị điều tra là các đại lý bán lẻ, nông dân, nhân viên tiếp thị tại nhà - những người không có kinh nghiệm bán hàng.

Hồi tháng trước, cảnh sát đã cảnh báo một số tội phạm đóng giả nhân viên y tế và sử dụng thẻ căn cước giả để vào nhà dân trộm tiền hoặc các đồ vật có giá trị khác.

Giá của các sản phẩm vệ sinh đã tăng mạnh tại Italy sau khi nước này công bố dịch COVID-19 ngày 20/2, các hiệu thuốc và cửa hàng luôn trong tình trạng bán hết khẩu trang và dung dịch rửa tay.

Một bộ sản phẩm bao gồm hai khẩu trang, hai đôi găng tay và một bộ đồ bảo hộ được bán với giá 400 euro.

Hiện Italy vẫn là "ổ dịch" lớn nhất châu Âu, với số ca nhiễm bệnh lên tới 3.089 và số ca tử vong là 107. Trước tình hình dịch bệnh tiếp diễn phức tạp, Chính phủ Italy đã quyết định đóng cửa tạm thời tất cả các trường phổ thông và đại học từ ngày 5-15/3.

Bên cạnh đó, chính phủ đã thông qua sắc lệnh bổ sung nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Sắc lệnh mới sẽ có hiệu lực trong vòng 30 ngày và sẽ đánh giá về các giải pháp 2 tuần/1 lần.

Một số điểm chính của sắc lệnh mới như không bắt tay, ôm hôn; duy trì khoảng cách an toàn ít nhất 1m; ngừng các hoạt động tụ tập đông người; dừng các hội thảo, hội nghị, đặc biệt có sự tham gia của các nhân viên y tế, để luôn sẵn sàng trong tình trạng khẩn cấp; người cao tuổi hạn chế ra ngoài, đóng cửa các sân vận động bóng đá (đến ngày 20/3), song cho phép các trận đấu được tổ chức dưới dạng không khán giả; hạn chế người nhà bệnh nhân tới khu vực cấp cứu, và tới thăm người bệnh cùng các biện pháp đảm bảo vệ sinh.

Về thông tin phía Hàn Quốc sẽ đưa 03 đội phản ứng nhanh vào Việt Nam để giúp các công dân Hàn Quốc đang bị giám sát y tế

Ngày 5.3.2020, tại cuộc Họp báo Thường kỳ của Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan tới thông tin phía Hàn Quốc sẽ đưa 03 đội phản ứng nhanh vào Việt Nam để giúp các công dân Hàn Quốc đang bị giám sát y tế, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khẳng định:

Các yêu cầu của phía Hàn Quốc do các cơ quan chức năng liên quan của Việt Nam trực tiếp trao đổi và xử lý. Việt Nam vẫn thường xuyên chia sẻ thông tin và sẵn sàng phối hợp, tạo điều kiện để Hàn Quốc thực hiện bảo hộ công dân trên cơ sở đảm bảo các yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh và theo quy định của pháp luật Việt Nam cũng như các quy định pháp luật và thực tiễn quốc tế.

Trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết các biện pháp bảo hộ công dân của Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nêu rõ:

Công tác bảo hộ công dân tại những khu vực bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 là một trong những ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Việt Nam.

Thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam trong những ngày qua tiếp tục chủ động, tích cực triển khai nhiều biện pháp nhằm hỗ trợ và bảo hộ công dân Việt Nam đang sinh sống, học tập, làm việc và du lịch tại nước ngoài, đặc biệt là ở những vùng có dịch.

Bộ Ngoại giao đã chủ động công bố và thường xuyên cập nhật thông tin, lưu ý công dân Việt Nam hạn chế, không nên đến các khu vực đang có dịch và có khả năng chịu ảnh hưởng của dịch mà cơ quan chức năng nước ngoài đã khuyến cáo; khuyến nghị công dân Việt Nam tại các khu vực có dịch nghiêm túc chấp hành các khuyến cáo, hướng dẫn, tuân thủ các quy tắc phòng chống dịch của sở tại, hạn chế đi lại nếu không cần thiết.

Bộ Ngoại giao đã phối hợp với các Bộ, ban, ngành, địa phương liên quan, chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài giao thiệp với các cơ quan chức năng sở tại, đồng thời trực tiếp làm việc với các đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam đề nghị phối hợp chặt chẽ, thường xuyên cung cấp thông tin trong công tác phòng chống dịch và hỗ trợ công dân Việt Nam đang sinh sống, làm việc, học tập và du lịch tại nước sở tại, đảm bảo chăm sóc y tế cho những công dân mắc bệnh, hạn chế những vấn đề có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến công dân Việt Nam.

Các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã mở đường dây nóng bảo hộ công dân, trực 24/24, thiết lập kênh liên lạc với đối mối cộng đồng ở sở tại, đặc biệt là tại các khu vực có dịch để thường xuyên cập nhật tình hình, thăm hỏi, động viên, hướng dẫn các biện pháp phòng dịch,sẵn sàng tiến hành các biện pháp hỗ trợ và bảo hộ công dân trong trường hợp cần thiết.

Đối với các công dân Việt Nam nhiễm bệnh ở nước ngoài, các cơ quan đại diện Việt Nam thường xuyên liên hệ, thăm hỏi và yêu cầu các cơ quan chức năng sở tại quan tâm, điều trị tích cực. Hiện sức khỏe của các công dân Việt Nam nhiễm bệnh đều đã ổn định.

T.H-TTXVN

Anh Đủ