Nga - Thổ Nhĩ Kỳ đồng ý ngưng bắn ở Syria để tránh xung đột đối đầu
Quốc tế - Ngày đăng : 15:54, 06/03/2020
Đây là một thỏa thuận giúp tránh được nguy cơ quân đội Nga và Thổ Nhĩ Kỳ vào cảnh giao tranh trực tiếp, cũng như để tránh một thảm họa nhân đạo ở vùng biên giới tỉnh Idlib thuộc Syria giáp Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngay từ đầu cuộc đàm phán, hai nhà lãnh đạo đều nói cần đến một thỏa thuận ngưng bắn. Một trong các mục tiêu là tránh gây tổn thất cho quan hệ song phương và quan hệ thương mại đang tốt đẹp.Nghị sĩ Konstantin Kosachev, chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Nga ca ngợi thỏa thuận ngưng bắn là một sự nhượng bộ tôn trọng quyền lợi an ninh quốc gia của riêng Nga và cả của Thổ Nhĩ Kỳ.
Nga - Thổ muốn tránh xung đột quân sự trực tiếp ở Syria
Trong cuộc nội chiến Syria 9 năm qua, Điện Kremlin ủng hộ chế độ Tổng thống Bashar Assadcủa Syria, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ “chống lưng” một số nhóm quân nổi dậy chống chế độ Assad.
Trong bối cảnh đó, hai nhà lãnh đạo Nga - Thổ đều cố gắng điều phối quyền lợi của mình ở Syria nhằm tránh đánh nhau, nhưng xung đột quyền lợi càng lớn ở tỉnh Idlib khiến khó đạt đến một thỏa thuận mà hai bên có thể chấp thuận được.
Tỉnh vùng tây bắc Syria này do phe chống chế độ Assad kiểm soát,vàquân đội Syria bắt đầu mở đợt tấn công từ ngày 1.12.2019, vớikhông quân Nga không kích để yểm hộ quân bộ binh Syria.Nga sau khi giúp chế độ Assad tái chiếm hầu hết đất nước từ tay các nhóm quân nổi dậy và nhất là tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS), đã tuyên bố sẽ không ngồi yên trong khi quân Thổ Nhĩ Kỳ đánh quân Syria.
Thổ Nhĩ Kỳ triển khai hàng ngàn quân nhằm đẩy lùi quân Syria. Các trận đánh trên bộ và trên không khiến hàng chục lính hai nước chết. Sau khi 3 máy bay quân sự Syria bị bắn hạ, Moscow lập tức cảnh cáo Ankara hôm 1.3 rằng máy bay Thổ Nhĩ Kỳ nếu bay vào không phận Syria sẽ không được bảo đảm an toàn.
Ngày 5.3, quân nổi dậy ở tỉnh Idlib tố cáo Nga không kích một làng của họ, làm chết ít nhất 15 người gồm trẻ em cùng nhiều người khác bị thương.Quân đội Nga chưa bình luận, nhưng đã nhiều lần bác bỏ các cáo buộc tương tự, bằng cách nhấn mạnh Nga không bao giờ tấn công vào các khu dân cư.
Lực lượng y tế cứu một em bé Syria sau một trận đánh ở Idlib - Ảnh: AP
Tổng thống Erdogan đồng ý ngưng bắn nhưng vẫn dọa đánh Syria
Tại Moscow ngày 5.3, ở cuộc họp báo chung sau khi đạt được thỏa thuận ngưng bắn, Tổng thống Erdogan nói hai nhà lãnh đạo Nga -Thổ sẽ giúp người tị nạn trở về quê nhà của họ: “Mục tiêu là để tránh một cuộc khủng hoảng nhân đạo trở nên trầm trọng hơn”.
Nhưng ông Erdogan nói thêm rằng Thổ Nhĩ Kỳ có quyền “trả đũa với toàn bộ sức mạnh chống lại bất kỳ cuộc tấn công nào” từ phía quân Syria.
Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết 60 quân nhân tử trận từ đầu tháng 2. Hồi cuối tuần trước, Thổ Nhĩ Kỳ chính thức tuyên bố mở chiến dịch đánh quân chính phủ Syria, sau khi 34 lính của họ bị giết trong một cuộc không kích mà Syria bị qui trách nhiệm.
Tổng thống Putin chia buồn với ông Erdogan về tổn thất quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ, nói quân đội Syria không biết vị trí đóng quân của 34 lính Thổ Nhĩ Kỳ bị trúng bom. Ông Putin lưu ý quân Syria cũng chịu nhiều thương vong.
Hai vị Ngoại trưởng Nga - Thổ nói lệnh ngưng bắn phải được tuân thủ ở dọc vùng chiến sự từ nửa đêm 6.3. Thỏa thuận cũng lập một hành lang an toàn 12km dọc đường cao tốc M4 từ phía đông sang phía tây tỉnhIdlib, với quân đội Nga - Thổ cùng tuần tra từ ngày 15.3 tới.
Đường cao tốc này đến tỉnh Latakia ven biển Địa Trung Hải, nơi Nga có căn cứ quân sự chính nhằm bảo vệ quyền lợi và củng cố quyền kiểm soát của Tổng thống Assad sau cuộc nội chiến kéo dài 9 năm.
Hai vị tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ - Nga hội đàm ở Moscow - Ảnh: TASS
Tổng thống Syria muốn lùa người ghét mình qua Thổ Nhĩ Kỳ?
Nhưng vì quyền lợi của Thổ Nhĩ Kỳ, thỏa thuận cũng không để ông Assad thu hồi quyền kiểm soát toàn bộ tỉnh Idlib. Ông Putin đồng ý sự hiện diện của quân nổi dậy có Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ tại các khu vực dọc biên giới tỉnh. Sự nhượng bộ này sẽ cho phép Ankara bảo vệ quyền lợi của mình ở Syria, và ngăn chặn người tị nạn tràn qua biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.
Ông Vladimir Frolov, một nhà phân tích độc lập các vấn đề ngoại giao của Nga, nói: “Vấn đề chính ở Idlib là ý muốn lập toàn quyền kiểm soát khu vực này của Tổng thống Assad và chặn biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời đẩy 3 triệu dân theo dòng Hồi giáo Sunni không ưa ông Assad ra khỏi Syria mà qua Thổ Nhĩ Kỳ”.
Chiến tranh ở Idlib đã khiến gần 1 triệu dân Syria chạy qua Thổ Nhĩ Kỳ, nơi đã phải tiếp nhận hơn 3,5 triệu dân Syria tị nạn muốn đến châu Âu năm 2015.Hiện quan tâm hàng đầu của Ankara là chặn dòng người tị nạn từ Idlibtràn vào biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngày 4.3, Tổng thống Erdogan cảnh báo Liên hiệp châu Âu (EU) rằng EU nên ủng hộ “các giải pháp chính trị và nhân đạo ở Syria” của Thổ Nhĩ Kỳ, nếu EU muốn tránh tái diễn cuộc khủng hoảng di cư ồ ạt năm 2015.
Nhằm thuyết phục phương Tây tăng ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ, tuần trước Tổng thống Erdogan nói đã sẵn sàng mở cửa biên giới Thổ - Hy Lạp để đón hàng ngàn người di trú đang muốn vào châu Âu. Ông cũng nói không muốn thực hiện thỏa thuận năm 2016, qua đó Thổ Nhĩ Kỳ ngăn dòng tị nạn vào châu Âu để đổi lấy việc EU hỗ trợ Ankara 6 tỉ euro.Vài nhà lãnh đạo châu Âu cáo buộc ông “hù dọa” để buộc phương Tây ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ”.
Ông Soner Cagaptay, một chuyên gia về Thổ Nhĩ Kỳ ở Viện Washington, nói thỏa thuận ngưng bắn “làm lạnh cuộc chiến ngay tại chỗ”, giúp Tổng thống Erdogan né được cảnh biên giới bị quá tải người tị nạn, đồng thời không làm hỏng quan hệ Thổ - Nga.Ông còn nói quân đội Syria đã bị tổn thất nặng bởi Thổ Nhĩ Kỳ: “Chúng ta đã chứng kiến một nước thành viên NATO đập tan đội quân cấp ba của Assad”.
Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres hy vọng thỏa thuận ngưng bắn sẽ dẫn đến “sự kết thúc lập tức và vĩnh viễn những hành vi thù địch, bảo vệ được người dân ở vùng tây bắc Syria vốn đã chịu rất nhiều đau khổ”, theo lời phát ngôn viên LHQ Stephane Dujarric, người cũng kêu gọi quay lại tiến trình đàm phán hòa bình nhằm kết thúc cuộc nội chiến Syria.
Mỹ Trinh (theo AP)