Nền công nghiệp điện ảnh có nguy cơ ‘đóng máy’ dài hạn khi dịch COVID-19 tiếp tục hoành hành
Văn hóa - Ngày đăng : 08:37, 10/03/2020
“Tôi chưa từng trông thấy điều gì thế này, khi vô số tác phẩm phim ảnh đồng loạt chịu ảnh hưởng”, Jeff Bock, nhà phân tích cấp cao của Exhibitor Relations - đơn vị chuyên nghiên cứu và cung ứng dữ liệu thuộc lĩnh vực giải trí, trụ sở tại Los Angeles, Mỹcho biết.
“Thông thường, luôn có thể có vài sự cố, tai nạn hy hữu xảy ra, gây ảnh hưởng đến quá trình thực hiện 1 dự án. Nhưng dịch COVID-19 đang thật sự làm tổn hại toàn bộ ngành công nghiệp phim ảnh, từ dưới lên trên”.
Ước lượng thất thoát doanh thu từ cụm rạp chiếu tại châu Á, trong năm nay, đã lên đến con số 2 tỉ USD.
‘Mulan’ – đề cử live-action được chờ đợi từ lâu của hãng Disney phải ‘lỡ hẹn’ khán giả Trung Quốc khi dịch viêm phổi vẫn đang diễn biến phức tạp (Ảnh: AFP)
Không ít tựa phim hot của Hollywood thời điểm này, tiêu biểu như ‘Mulan’ – phiên bản live-action (người thật đóng) tái dựng từ tác phẩm hoạt hình kinh điển cùng tên lấy bối cảnh lịch sử Trung Hoa, do Disney sản xuất – đã phải hoãn trình chiếu tại ‘quốc gia tỉ dân’ ở châu Á, nơi hiện vẫn là vùng tâm dịch.
Quyết định lùi ngày công chiếu vào phút chót đối với ‘No Time To Die’, bản phim gây cấn tiếp theo thuộc series điện ảnh ăn khách về điệp viên 007, trên toàn lãnh thổ châu Âu và Hoa Kỳ, trở thành minh chứng mới nhất cho thấy sức ảnh hưởng từ vấn nạn dịch bệnh.
Hiện thời, nhiều rạp chiếu Bắc Mỹ vẫn bám trụ tương đối ổn định trên ‘cột mốc’ lợi nhuận, bất kể làn sóng quan ngại trước một đợt bùng phát dịch. Lịch ra mắt ‘Mulan’ của Disney tại hệ thống phòng vé Hoa Kỳ vào cuối tháng này, đang được giữ nguyên.
“Chúng tôi sẽ chứng kiến chút ít dấu hiệu tụt dốc doanh thu trong khoảng đầu tháng 3. Nhưng đến khi ‘Mulan’ công chiếu, nếu dự án có khả năng thu hút khán giả như tiếng tăm phim tạo ra tại châu Á, thị trường Hollywood có thể khởi sắc hơn”, chuyên gia phân tích Jeff Bock nhận định.
Trong khi đó, 3 ‘ông lớn’ thuộc ngành dịch vụ giải trí gồm Netflix, Amazon và Apple vừa thông báo ‘rút chân’ khỏi liên hoan nghệ thuật SXSW (South by Southwest) – địa điểm vốn dĩ là ‘mỏ vàng’ để quảng bá phim. Năm nay, sự kiện lễ hội âm nhạc, liên hoan phim và giải trí tổng hợp tổ chức thường niên ở Austin, Texas cũng đã chính thức bị hủy do diễn tiến dịch bệnh trở nên phức tạp tại Mỹ.
Mức độ ảnh hưởng, tuy nhiên, không chỉ giới hạn nơi hệ thống phòng vé và những xưởng phim lớn.
Stephen Nemeth, nhà sản xuất của phim ‘Fear and Loathing in Las Vegas’ (1998) với Johnny Depp thủ vai chính, người đang chuẩn bị phát hành ‘Freak Power’ - một dự án khác vinh danh văn sĩ quá cố Hunter S. Thompson, vừa có trải nghiệm thất vọng khi liên hoan SXSW năm 2020 chính thức bị hủy bỏ.
“Chúng tôi đã cố vượt qua mọi khó khăn.. Nhưng tôi không còn kỳ vọng một công ty phát hành sẽ mua bộ phim vì tôi nghĩ năm nay sẽ không còn bao nhiêu công ty hứng thú với những liên hoan phim”. Nemeth trả lời phóng viên AFP. Nhà sản xuất kỳ cựu hiện chỉ trông đợi tìm kiếm đơn vị phân phối phim thông qua những buổi trình chiếu kín, quy mô nhỏ tại Hollywood.
Tiếp nối SXSW, loạt sự kiện văn hóa nổi bật thu hút người hâm mộ điện ảnh quốc tế như CinemaCon (Las Vegas), và LHP Cannes, đều đang làm dấy lên nghi ngại về lịch trình tổ chức.
Mặt khác, hoạt động dàn dựng, sản xuất phim hiện cũng chịu chung sức ép.
Phim hành động ‘Red Notice’ với sự góp mặt của dàn sao Hollywood như Dwayne Johnson, Ryan Reynolds, và Gal Gadot phải đổi địa điểm quay một số phân đoạn do dịch viêm phổi ở Ý. (Ảnh: Entertainment Weekly)
Lịch quay vốn được ấn định kéo dài 3 tuần của dự án mới thuộc series ‘Mission Impossible’ tại Ý – một trong những quốc gia hiện bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi COVID-19 – đã bị ngưng từ tháng trước.
Hãng Paramount quyết định lùi thời gian quay phim vì “lưu tâm đặc biệt đến sự an toàn, sức khỏe của dàn diễn viên và đội ngũ sản xuất”.
Tương tự, Netflix phải lên kế hoạch đổi địa điểm quay cho ‘Red Notice’ của tài tử Dwayne Johnson, tác phẩm hành động dự kiến đặt bối cảnh ban đầu ở Ý.
“Dịch bệnh đang thách thức những nhà sản xuất phim tìm ra giải pháp thay thế phù hợp”, Paul Dergarabedian, chuyên gia phân tích dữ liệu truyền thông của công ty Comscore (Mỹ), bày tỏ.
Tuy nhiên, mối lo thật sự, bất kể địa điểm quay phim, nằm ở chính đội ngũ sản xuất tác phẩm – vốn là những tập thể đông đúc thường lên tới hàng trăm người, gồm cả diễn viên và nhân viên hiện trường. Một môi trường dễ dàng tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.
‘Mission Impossible 7’, dự kiến phát hành vào mùa hè năm 2021, hiện phải ngưng lịch quay ở Ý khi dịch COVID-19 bùng phát tại đây (Ảnh: Twitter)
“Tôi sẽ thấy cảm thông nếu một diễn viên ái ngại và muốn tránh làm việc lúc này”, nhà sản xuất Nemeth cho biết. “Mỗi đội ngũ làm phim hệt như một ‘ngôi làng’ nhỏ. Nơi mọi người quây quần ăn tối cùng nhau, cùng xếp hàng để lấy bữa trưa,.. Bạn có rất, rất nhiều người sinh hoạt chung trong một không gian giới hạn”.
Hiện trạng dịch bệnh diễn biến phức tạp đủ khả năng làm trì trệ khâu dựng và sản xuất phim ảnh, điều đương nhiên có thể kéo theo sự thiếu hụt những tác phẩm chất lượng về sau.
“Dịch COVID-19 càng kéo dài, nhiều khả năng sẽ càng có ít dự án phim được hoàn tất để kịp ra mắt trong năm 2021, 2022”, chuyên gia Bock nhận xét. “Nếu tình hình dịch bệnh không khả quan hơn, toàn bộ ngành công nghiệp điện ảnh đang đứng trước nguy cơ tê liệt thật sự”.
Như Ý (theo AFP)