Dùng từ 'đối tượng' thế nào cho chính xác?
Văn hóa - Ngày đăng : 07:53, 07/04/2020
Điều rất dễ thấy, với cách truyền thông -chuyển tin của công an và phóng viên, từ “đối tượng” gần như chỉ dùng khi nói về những người xấu, kẻ xấu, chẳng hạn bọn cướp giật, đám buôn ma túy, những kẻ gây án giết người, bọn đua xe lạng lách, bọn buôn người, đám bị truy nã, v.v.. Dưới mắt và trong suy nghĩ của nhiều nhà báo và công an, cứ nói tới đối tượng thì cầm chắc đó là kẻ xấu.
Dẫn tới tình trạng chữ nghĩa oái oăm ấy, trước hết là công an, hầu hết văn bản điều tra đều dùng từ “đối tượng” chỉ bọn tội phạm.
Tiếp đến là các phóng viên nội chính, do mối quan hệ, được công an cung cấp tài liệu, thế là không cần suy xét, cứ thếđối tượng A như thế này, đối tượng X như thế kia, cũng chẳngcần biết công an dùng từ ngữ, chữ nghĩa như thế có đúng hay không.
Đó là một điều. Còn điều khác nữa là không ít anh chị nhà báo mặc nhiên coi đối tượng chỉ là cá nhân, con người cụ thể, chứ không phải nó vốn để chỉ hạng người, nhóm người, loại người. Không nói đâu xa, trên một tờ báo lớn, ngày 6.4.2020 (bản điện tử) có cái tít rõ to “62.000 tỉ đồng hỗ trợ cho khoảng 20 triệu đối tượng gặp khó do dịch COVID-19”. Cứ đúng theo cách diễn đạt ấy thì đối tượng tức là con người cụ thể, ông A bà B, chứ không phải tầng lớp người, loại người. Một nước mà có tới 20 triệu đối tượng thì khiếp quá.
Vậy đối tượng là gì? Từ này có gốc từ Hán Việt hàm nhiều nghĩa, chỉ xin lấy ra nghĩa liên quan tới “đối tượng”. “Đối” là đáp lại, trả lại. Hai bên hát hoặc nói trao qua đổi lại thì gọi đối đáp. Đối xử là cách cư xử để đáp lại ai đó. Đáp lại bằng cách chống thì gọi là phản đối. Đưa ra cách đáp lại nào đó gọi là đối phó. Phó là cấp cho, giao cho. Bà Huyện Thanh Quan có câu thơ “Phó cho con Nguyễn Thị Đào/Nước trong leo lẻo cắm sào đợi ai”, cho phép (phó) thị Đào đi lấy chồng.
Đối tượng, theo nghĩa gốc, tức là để chỉ cái hiện tượng (tượng) phải tìm cách đối phó, xử lý (đối). Khi được dùng phổ biến trong tiếng Việt, đối tượng không còn là hiện tượng chung chung nữa mà để chỉ người, vật, hiện tượng khách quan trong đời sống. Nhưng là chỉ chung, số đôngchứ không chỉ cá nhân, cái cụ thể. Ta thường dùng các cụm từ: đối tượng chính sách (chỉ những người trong xã hội cần được quan tâm bằng chế độ chính sách riêng), chẳng hạn các bà mẹ Việt Nam anh hùng là đối tượng chính sách (chỉ chung nhóm các mẹ chứ không nhằm vào bà mẹ cụ thể nào); đối tượng đảng (chỉ tất cả những ai là người được đảng nhắm tới để phát triển, kết nạp), đối tượng nghiên cứu (chỉ người, vật, hoặc thứ gì đó để nghiên cứu), chẳng hạn loài linh trưởng, hiện tượng sấm chớp, hôn nhân của người đồng tính… Có đối tượng nữ, đối tượng nam, đối tượng già, đối tượng trẻ, đối tượng người thiểu số, đối tượng gây án, đối tượng bị tình nghi, v.v..
Như vậy, cứ khư khư gắn “đối tượng” vào kẻ xấu kẻ ác, vi phạm pháp luật đã là sai, mà xem đối tượng là con người cụ thể lại càng sai nữa. Không thể viết “đối tượng Nguyễn Văn A đã bị phạt 200 nghìn đồng bởi không đeo khẩu trang”. Trong những trường hợp tương tự, chỉ cần thay “đối tượng” bằng từ chỉ người, ví dụ ông, bà, anh, nó, tên, gã…
Nguyễn Thông