Ý kiến của các chuyên gia giáo dục về việc bỏ hay giữ kỳ thi THPT quốc gia 2020

Văn hóa - Ngày đăng : 15:13, 12/04/2020

Do dịch bệnh COVID-19 kéo dài nên Bộ GD-ĐT đã lùi thời điểm tổ chức kỳ thi THPT quốc gia đến giữa tháng 8. Tuy nhiên, các chuyên gia giáo dục vẫn đề xuất nhiều phương án khác nhau cho kỳ thi này, thậm chí có cả phương án trong tình huống xấu nhất đó là không tổ chức kỳ thi THPT quốc gia.

Hiện nay, vấn đề có tổ chức kỳ thi THPT quốc gia hay không đang được các phụ huynh, học sinh đặc biệt quan tâm. Với 2 kịch bản mà Bộ GD-ĐT đưa ra là không tổ chức kỳ thi, thay vào đó tiến hành xét tốt nghiệp THPT nếu tình hình dịch COVID-19 kéo dài và tổ chức kỳ thi THPT quốc gia như mọi năm khi dịch bệnh kết thúc như dự kiến đã gây ra nhiều tranh luận của những người làm công tác chuyên môn.

Ông Trần Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường THCS- THPT Lê Quý Đôn, Hà Nội cho rằng, việc có tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm nay hay không còn tùy thuộc vào thời gian học sinh quay trở lại trường học. Vì vậy, ông đề xuất 3 phương án cho kỳ thi này: "Nếu như hết tháng 4 này mà hết dịch, học sinh trở lại trường học thì tôi nghĩ là vẫn nên tổ chức kỳ thi THPT quốc gia với 4 môn thi. Còn nếu dịch kéo dài đến hết tháng 5 thì theo tôi nên thi 3 môn Toán, Văn, Ngoại ngữ, nên bỏ môn thứ 4. Nếu hết tháng 5 vẫn còn dịch thì chúng ta không tổ chức kỳ thi THPT quốc gia nữa. Tất nhiên việc không tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm học này thì đòi hỏi phải có sự đồng ý của Quốc hội. Như vậy có lẽ là Bộ Giáo dục nên chuẩn bị các phương án khác nhau trong đó có phương án không tổ chức kỳ thi THPT quốc gia".

Cùng chung quan điểm này, Tiến sĩNguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội cũng cho rằng, nếu không tổ chức một kỳ thi đánh giá toàn bộ quá trình học tập của học sinh thì các em sẽ xao nhãng việc học tập. Vì vậy, Bộ nên xây dựng thêm các phương án lùi thời gian tổ chức kỳ thi theo diễn biến của dịch bệnh. Trong những năm gần đây, tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp luôn đạt trên 90%, nên về lâu dài, Bộ nên tính đến phương án bỏ kỳ thi THPT quốc gia và trao quyền xét tốt nghiệp cho các trường phổ thông, hoặc các địa phương.

"Bộ nên nghiên cứu phương án này thì sẽ không bị động, tức là tùy thời gian dịch kéo dài hay ngắn mà chúng ta đưa ra chương trình chỉ đạo cho phù hợp mà chúng ta đảm bảo chương trình tối thiểu ấy chúng ta kiểm soát được và thầy và trò phải học một cách nghiêm túc và có chất lượng để mỗi nhà trường phải tự chịu trách nhiệm về kết quả đào tạo của mình. Còn không lo cho trường đại học vì trường đại học người ta có nhiều cách kiểm tra chọn lọc sinh viên chứ không chỉ có thi mới chọn lọc được sinh viên. Chính cái thi của chúng ta chọn lọc sinh viên cũng chưa phải tốt nhất", thầy Lâm nói.

Ông Đặng Đình Kỳ, Hiệu trưởng Trường THPT Nghi Lộc 5, tỉnh Nghệ An cho rằng: "Theo quan điểm của tôi thì kỳ thi THPT quốc gia nên tiếp tục. Thực tế giáo viên và học sinh đang quen dần với việc học trực tuyến. Dịch bệnh có thể chưa biết khi nào dừng nhưng có thể phương án thi thì tôi nghĩ rằng có thể sử dụng phương án này hay phương án khác vẫn phải triển khai để đánh giá kết quả của học sinh sau quá trình học tập".

Ý kiến của Ông Đỗ Tiến Minh, Hiệu trưởng Trường THPT Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc: "Tôi nghĩ là trước hết chúng ta phải thực hiện đúng quan điểm của Chính phủ trong phòng chống dịch thì mình phải lấy cái ưu tiên chống dịch trước, nhưng mà vẫn phải tổ chức việc học cho học sinh trên nhiều phương tiện để học sinh có thể có kiến thức, để khi mà quay trở lại thì có thể kỳ thi diễn ra bình thường. Có thể diễn ra muộn hơn một chút so với các năm trước hoặc yêu cầu có thể thấp hơn nhưng kỳ thi không thể bỏ được, vì như thế sẽ bị nhỡ và dồn lại cho kỳ thi năm sau".

Ông Cao Xuân Hùng, Giám đốc Sở GD-ĐT Nam Địnhcũng chia sẻ,từ ngày 2.3 đã cho học sinh THPT đi học trở lại đến 23.3(3 tuần) thì tiếp tục nghỉ vì dịchCOVID-19 tại Việt Nam phức tạp hơn. Báo cáo vềSở, đa số trường phổ thông cho biết,hiện naycòn cần 8-9 tuần để hoàn thành chương trình giáo dục. Với tình hình đó, các trường có thể đáp ứng được việc kết thúc năm học trước 15.7 như khung thời gian quy định của Bộ. Học sinh lớp 12 cũng đảm bảo được cung cấp đầy đủ kiến thức cơ bản theo chương trình đã tinh giản để dự thi THPT quốc gia.

Thời gian vừa qua, Nam Định đã dạy học trên truyền hình và internet cho học sinh, tuy nhiên mới chỉ tổ chức ôn tập các nội dung đã dạy học trực tiếp. Nếu hết tháng 4 học sinh đi học trở lại thì tỉnh này không cần dạy bài mới qua internet, trên truyền hình. Nhưng nếu qua tháng 5 các em vẫn nghỉ thì Sở sẽ chỉ đạo dạy bài mới qua các hình thức này. Những khu vực khó khăn, học sinh không có điều kiện học qua internet, tỉnh đã tính toán để tổ chức cho các em học tập trung theo từng nhóm 5-7 người ở trường hoặc nhà văn hóaxã để dạy và ôn tập bài mới, nhưng vẫn thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch theo quy định.

“Dạy bài mới qua internet, hiệu quả sẽ không được như dạy học trực tiếp ở trường nhưng chắc chắn kiến thức cơ bản như yêu cầu của chương trình tinh giản sẽ đảm bảo được cung cấp đầy đủ”, ông Cao Xuân Hùng nói.

Nếu dịch kết thúc sớm, Bộ vẫn sẽ tổ chức thi THPT quốc gia - Ảnh: Internet

Giám đốc Sở GD-ĐT Hải Dương Lương Văn Việtcho biết, từ ngày 2.3, tỉnh này đã cho học sinh THPT đi học trở lại. Đến thời điểm cả nước thực hiện lệnh giãn cách xã hội, học sinh THPT của Hải Dương đã học tập trung tại trường được 4 tuần.

“Rà soát chương trình tinh giản của Bộ, chúng tôi tính toán khối lượng kiến thức còn phải dạy ở các môn học lớp 12 nhiều nhất là 11 tuần, môn ít nhất cần 4 tuần. Nếu học sinh đi học trở lại từ tháng 5 thì thoải mái thời gian để dạy học, ôn thi THPT quốc gia cho các em. Nhưng nếu sau 15.6 học sinh vẫn chưa đi học ở trường trở lại được, thì việc tổ chức thi THPT quốc gia sẽ khó khăn”, ông Việt nói.

Ông Việt thông tin, học sinh đã học và chuẩn bị cho tâm thế sẽ thi THPT quốc gianăm 2020 vì thế vẫn nên tiến hành thi sẽ tốt hơn là bỏ thi. “Có nhiều hệ lụynếu không tổ chức kỳ thi này”, ông Việt nói. Ông cho rằng, quyết định không tổ chức thi THPT quốc gia sẽ khiến học sinh không có động lực học tập tiếp các nội dung kiến thức còn lại của học kỳ 2.

Tại vùng cao, ông Ma Thế Quyên, GĐ Sở GD-ĐTBắc Kạncho biết, địa phương rấtkhó khăn trong việc tổ chức dạy học qua internet, trên truyền hình so với một số thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM. Tuy nhiên, sau Tết địa phương dạy học tại trường5 tuần.

“Theo chương trình chưa tinh giản thì học kỳ 2 lớp 12 có 18 tuần, học sinh tỉnh Bắc Kạn đã học được 5 tuần nên còn 13 tuần. Sau khi Bộ tinh giản chương trình, khối lượng và thời lượng kiến thức cần học được rút ngắn lại. Chúng tôi tính toán, nếu học sinh đi học dù muộn hơn một chút so với mốc 15.6, thì các em vẫn hoàn thành được chương trình và dự thi THPT quốc gia”, ông Quyên nói.

Giám đốc Sở GD-ĐTBắc Kạn cũng cho rằng, ở thời điểm này,tổ chức được kỳ thi sẽ tốt hơn. Lý do là từ những năm học trước, học sinh đã học tập, ôn luyện kiến thức để sẵn sàng tham dự kỳ thi lấy kết quả để vừa xét tốt nghiệp THPT vừa làm căn cứ xét tuyển ĐH. Thời gian vừa qua dù phải nghỉ học ở trường vì phòng chống dịch nhưng học sinh lớp 12 vẫn rất ý thức trong việc học để tháng 8 tới đây sẽ dự thi.

“Mọi thay đổi thời điểm này sẽ làm xáo trộn tâm lý học trò. Các em sẽ băn khoăn, lo lắng không biết nếu xét tốt nghiệp và trường ĐH, CĐchủ động tuyển sinh thì phương án như thế nào, sẽ khó khăn ra sao, trong thời gian ngắn các em có đáp ứng được yêu cầu của trường ĐH để được vào học tiếp…”, ông Quyên nói.

Cùng với đó, Giám đốc Sở GD-ĐT Lạng Sơn, ông Trần Quốc Tuấn cho biết, tỉnh mới chỉ dạy học trên truyền hình cho học sinh lớp 9 và lớp 12, còn các cấp học dưới, Sở chỉ đạo các nhà trường dạy học trực tuyến. Tuy nhiên, địa phương có nhiều trường ở vùng khó khăn, học sinh ở vùng sâu vùng xa thiếu phương tiện học tập, đường truyền kém… Vì vậy, việc dạy học trực tuyến hiện nay ở địa phương không đạt hiệu quả như mong muốn.

Ông Tuấn cho rằng, nếu dịch bệnh chưa được kiểm soát tốt, Bộ GD-ĐT phải tính đến phương án lùi thời điểm khai giảng năm học mới thì không nên tổ chức thi THPT quốc gia mà xét tốt nghiệp cho các em hoàn thành chương trình. Như vậy, Bộ có thể giao cho địa phương tổ chức thi để xét tốt nghiệp, giao bằng. Các trường đại học, học viện sẽ căn cứ điểm học bạ và có phương án tuyển sinh riêng như xét tuyển, thi tuyển theo đặc thù của từng trường.

Tuy nhiên, “việc có thể tổ chức một kỳ thi chung để học sinh chủ động học, ôn tập sẽ đảm bảo kiến thức nền hơn là không thi”, ông Tuấn nói. Bộ GD-ĐT đã điều chỉnh chương trình khung năm học đến ngày 15.7, lùi thi THPT quốc gia đến 8-11.8. Do đó, nếu học sinh quay lại trường học trong tháng 5 thì vẫn đủ thời gian để thực hiện chương trình và tiến tới kỳ thi.

Tú Viên (Tổng hợp)

nguyentuyet