Phổi phi công người Anh chưa 'chết hoàn toàn' và chưa đủ điều kiện ghép phổi
Sự kiện - Ngày đăng : 10:48, 11/05/2020
Phi công người Anh sử dụng máy thở không còn hiệu quả, tiếp tục nguy kịch
Xét nghiệm tầm soát COVID-19 cho hơn 2.500 công nhân Công ty Pouyuen
Người khỏi bệnh COVID-19 được giám sát và xét nghiệm liên tục trong 30 ngày
Nghiêm cấm việc xét nghiệm COVID-19 theo yêu cầu
Kit chẩn đoán COVID-19 của Việt Nam đạt chất lượng, hiệu quả đến đâu?
Nhiễm trùng tăng, men gan tăng phi công người Anh đang rất nguy kịch
Sáng nay (11.5), Sở Y tế TP.HCM cho hay, kết quả cuộc hội chẩn về phi công người Anh -bệnh nhân 91 của các chuyên gia đầu ngành về tim phổi đến từ Bệnh viện Việt - Đức, Bệnh viện Chợ Rẫy và Bộ Y tế vào ngày hôm qua (10.5) đã thống nhất bệnh nhân người Anh chưa đủ điều kiệnthực hiện ca ghép phổi.
Theo đánh giá của các chuyên gia, hiện lá phổi của bệnh nhân chưa phải đã “chết hoàn toàn”. Trong khi đó, tình trạng nhiễm trùng phổi của bệnh nhân chưa được khống chế nên chưa đủ điều kiện để thực hiện ca ghép phổi nhằm cứu bệnh nhân. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM sẽtiếp tục điều trị cho bệnh nhân này.
TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu -Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM cho biết, kếtquả kiểm tra tình hình sức khỏe của bệnh nhân 91 vào sáng nay (11.5) cho thấy,tim co bóp đồng bộ, EF 79%; phổi phải của bệnh nhân không có hình ảnh tràn khí, nhiều B lines dày mặt trước và bên, ít dịch màng phổi; phổi trái nhiều B lines mặt trước, mặt bên hông, không dịch màng phổi trái.
"Hiện tại, tình trạng bệnh nhân 91 ổn định, không sốt, mạch và huyết áp ổn định, đang tiếp tục dẫn lưu màng phổi, lọc máu, tiếp tục thở máy qua nội khí quản, ECMO, sử dụng thuốc an thần, kháng sinh, thuốc kháng đông... Hiện tiên lượng của bệnh nhân còn rất nặng”, ông Châu nói.
Bệnh nhân 91 là phi công người Anh (43 tuổi, ngụ ở phường Thảo Điền, quận 2, TP.HCM) là bệnh nhân mắc COVID-19 nặng nhất tại Việt Nam. Từ khi phát hiện mắc COVID-19 vào ngày 18.3.2020, bệnh nhân luôn sốt cao liên tục, cơ thể tiết ra chất chống viêm tấn công phổi, thận và các cơ quan khác.
Bệnh nhân diễn biến ngày càng xấu, suy hô hấp tăng dần phải thở máy. Đến ngày 6.4, bệnh nhân nguy kịch, rất nặng, buộc phải sử dụng phương pháp kỹ thuật hiện đại nhất là oxy hóa máu qua màng ngoài cơ thể (ECMO).
Trong suốt thời gian trên, có lúc bệnh nhân có chuyển biến tích cực, chuyển sang âm tính nhưng lại dương tính rồi trở nặng. Từ lúc bệnh nhân chỉ đông đặc phổi trái 1/2 dưới, phổi chưa thủng thì đến nay phổi của bệnh nhân đã đông đặc hoàn toàn, phổi bị thủng gây tràn khí màng phổi và nhiễm trùng phổi nặng.
Hiện phổi của bệnh nhân gần như không còn tác dụng, tất cả đều phụ thuộc vào ECMO. Để cứu sống bệnh nhân 91 này, các chuyên gia đề xuất ghép phổi. Tuy nhiên, qua hội chẩn cho thấy, sức khỏe của bệnh nhân 91 quá yếu, đặc biệt là phổi của bệnh nhân đang nhiễm trùng nặng nên chưa đủ điều kiện để thực hiện ghép phổi.
Theo Sở Y tế TP.HCM, tính đến sáng 11.5, tổng số người nghi nhiễm COVD-19 ở TP là 402 người nhưng đều có kết quả xét nghiệm âm tính với vi rút SARS- CoV-2.
Như vậy, đến thời điểm này, TP chỉ có 55 người mắc COVID-19, trong đó có 53 người đã khỏi bệnh được xuất viện nhưng có 10 người tái dương tính trở lại. Riêng 2 bệnh nhân chưa khỏi bệnh, chỉ có bệnh nhân 91 là đang nguy kịch, còn bệnh nhân 271 hiện đang điều trị tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi trong tình trạng sức khỏe ổn định.
Hiện ngành y tế TP đang tiếp tục theo dõi, lấy mẫu xét nghiệm các bệnh nhân xuất viện sau điều trị COVID-19; thực hiện các biện pháp phòng chống lây nhiễm với các bệnh nhân dương tính trở lại sau xuất viện; giám sát và lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 đối với toàn bộ tổ bay của các chuyến bay quốc tế có lưu trú tại TP, trong đó đã lấy xét nghiệm 411 người, và đã có 403 người âm tính, số còn lại đang chờ kết quả; thực hiện cách ly người nhập cảnh.
Hồ Quang