Cà Mau: Người cha mòn mỏi chờ thi hành bản án nuôi con

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 14:16, 26/08/2020

Dù TAND tỉnh Cà Mau tuyên ông Hồ Đại Nguyên (38 tuổi, ở TP.Cà Mau, tỉnh Cà Mau) được nuôi dưỡng con trai 8 tuổi trong vụ kiện giành quyền nuôi con với vợ cũ nhưng ba năm qua, ngành thi hành án hai tỉnh Cà Mau và Đồng Nai vẫn chưa thi hành bản án.

Ngày 26.8, ông Hồ Đại Nguyên gửi đơn lần 3 đến Tổng cục Thi hành án dân sự (THADS) - Bộ Tư pháp tố cáo Chấp hành viên và Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai cố tình trì hoãn không tổ chức thi hành án theo quy định của pháp luật.

Trong đơn, ông Nguyên trình bày: Năm 2012, ông và bà Nguyễn Thị Long Phụng đăng ký kết hôn tại UBND xã Hòa Thành, TP.Cà Mau. Qua thời gian chung sống, cuộc sống vợ chồng có nhiều mâu thuẫn nên năm 2016 hai vợ chồng đồng ý gửi đơn đến tòa án xin được ly hôn.

Về con chung, hai người có một con chung là cháu Hồ Đại Lộc (SN 2012) đang sống với bà Phụng. Tuy nhiên, bà này từng bị xử phạt vi phạm hành chính, vi phạm đạo đức xã hội ảnh hưởng đến việc hình thành nhân cách của trẻ con, và không đảm bảo kinh tế để nuôi con nên khi ly hôn, ông Nguyên yêu cầu được nuôi con chung, không yêu cầu vợ cấp dưỡng nuôi con.

Bản án phúc thẩm số 19/2017/HNGĐ-PT ngày 10.5.2017 của TAND tỉnh Cà Mau quyết định: Buộc bà Phụng giao cháu Hồ Đại Lộc cho ông Nguyên trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng đến khi cháu Lộc trưởng thành.

Khi bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật, ông Nguyên đã nhiều lần gửi đơn yêu cầu cơ quan chức năng thi hành bản án nhưng vẫn không thi hành được do bà Phụng mang cháu Lộc đi nơi khác.

Văn bản của Hội BVQTEVN - Ảnh: Hà An

Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam (Hội BVQTEVN) sau đó đã có Công văn số 88/CV-HBVQTE đề nghị cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau khẩn trương tìm kiếm bà Phụng về để chấp hành bản án, nhằm đảm bảo quyền được chăm sóc nuôi dưỡng tốt nhất đối với cháu Lộc.

Về phần mình, sau khi vợ cũ dẫn con trai bỏ đi, ông Nguyên đã lặn lội tìm kiếm nhiều năm trời, cuối cùng xác định con trai mình học tại Trường tiểu học Đức Trí, thuộc xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai. Còn bà Phụng đang sống tại ấp An Chu, xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom.

Sự việc được ông Nguyên trình báo đến ngành chức năng tỉnh Cà Mau. Ngày 25.10.2019, Chi cục THADS TP.Cà Mau có quyết định ủy thác cho Chi cục THADS huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai tiếp tục thi hành án đối với bà Phụng.

Năm ngày sau, Chi cục THADS huyện Trảng Bom cũng có quyết định cho thi hành án đối với bà Phụng; buộc bà Phụng có trách nhiệm tự nguyện thi hành án trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được hoặc được thông báo hợp lệ quyết định này. Nhưng từ đó đến nay, bà Phụng vẫn chưa chịu chấp hành án, trong khi Chi cục THADS huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai vẫn "án binh bất động".

“Đã 9 tháng trôi qua, tôi đã nhiều lần yêu cầu Chi cục THADS huyện Trảng Bom thi hành bản án giao con nhưng không có kết quả”, ông Nguyên nói. Và ông cho biết, chi cục này liên tục mời ông từ Cà Mau đến Đồng Nai làm việc nhiều lần, nhưngbản án vẫn không đượcthực hiện.

Bức xúc trước cách làm việc của Chi cục THADS huyện Trảng Bom, ông Nguyên làm đơn chất vấn trách nhiệm củachấp hành viên Nguyễn Thị Nhung và Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện Trảng Bom –-Trần Thanh Hợp lên Tổng cục THADS của Bộ Tư pháp.

Trong đơn, ông Nguyên trình bày, bản thân ông vàCông an TP.Cà Mau đã tìm gặp và xác định cụ thể địa chỉ cháu Hồ Đại Lộc đang sinh sống cùng vợ cũở thôn Tây Lạc 2, ấp An Chu, xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai. Nhưng hơn 9 tháng qua, Chi cục THADS huyện Trảng Bom không thi hành bản án của TAND tỉnh Cà Mau.

Trong khi Hội BVQTEVN; Tổng cục THADS, Cục THADS tỉnh Đồng Nai, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, Thường trực HĐND tỉnh Đồng Nai... đãnhiều lần đề nghị và chỉ đạo tổ chức thi hành dứt điểm vụ việc, nhưng bản ánvẫn không đượcthực hiện.

Văn bản của Tổng cục THADS - Bộ Tư pháp yêu cầu ngành chức năng huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai thực hiện bản án - Ảnh: Hà An

Trao đổi qua điện thoại với PV về việc chậm trễ thi hành bản án, ông Trần Thanh Hợp, Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện Trảng Bom nói bản thân ông không được phép trả lời báo chí rồi tắt máyđiện thoại.

Hà An

Văn Em