Dấu răng hóa thạch 13 triệu năm tiết lộ động vật có lực cắn mạnh nhất
Kiến thức - Học thuật - Ngày đăng : 12:15, 27/08/2020
Cách đây 13 triệu năm, con cá sấu caiman thuộc chi Purussaurus đã cắn chặt chân sau của một con lười đất bên bờ sông Napo ở Peru và để lại 46 dấu răng làm bằng chứng. Giờ đây, các nhà nghiên cứu của Đại học Peruana Cayetano Heredia ở Lima, Peru đã có thể dựng lại hiện trường vụ tấn công sau khi phân tích xương chân sau của con lười.
Tác giả nghiên cứu Rodolfo Salas-Gismondi, nhà cổ sinh vật học tại Phòng thí nghiệm BioGeoCiencias cho biết, khi trưởng thành loài cá sấu caiman cổ đại này có lực cắn lên tới 7 tấn, gấp hơn 4 lần lực cắn mạnh nhất từng được đo lường trong thế giới động vật. Những con Purussaurus con có thể tấn công con lười đất với lực cắn của loài cá sấu caiman hiện đại, đủ mạnh để làm gãy xương. Lực cắn mạnh nhất tiếp theo đến từ loài cá sấu nước mặn hiện đại (Crocodylus porosus)vớilực cắn 1,6 tấn.
“Cú đớp mạnh đến nỗi nhiều chiếc răng của Purussaurus đâm thủng xương chày và làm vỡ một phần rộng lớn của xương đặc. Con lười đất đã không có cơ hội sống sót”, Salas-Gismondi nói.
Bằng chứng hóa thạch này là một cái nhìn hiếm hoi về mối quan hệ giữa động vật ăn thịt và con mồi từng sống ở khu vực xung quanh sông Amazon ở Nam Mỹ hàng triệu năm trước. “Xương chày được phát hiện ở vùng Amazon của Peru là hóa thạch đầu tiên của loài động vật có vú mang dấu răng của cá sấu Purussaurus. Nó rất quan trọng để tìm hiểu về động lực học của các hệ sinh thái cổ đại”, Salas-Gismondi viết trong một email.
Hình ảnh mô phỏng cá sấu Purussaurus tấn công lười đất cổ đại - Ảnh: CNN
Hóa thạch xương chày bị tổn hại của con lười đất được tìm thấy vào năm 2004 bởi François Pujos, đồng tác giả nghiên cứu và là nhà cổ sinh vật học người Argentina chuyên về sự tiến hóa của lười đất. François Pujos đã phát hiện ra hóa thạch này khi khám phá những mỏm đá ở hệ tầng địa chất Pebas dọc theo sông Napo ở Peru.
Vào thời điểm đó, các nhà khoa học biết rất ít về các loài động vật sống trong khu vực nên không ai biết chắc chắn điều gì đã gây ra tổn thương cho con lười. Mảnh xương sau đó được gửi tới Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên (UNMSM) ở thủ đô Lima để lưu giữ và đến năm 2019, mẫu vật mới được nghiên cứu chi tiết bởi Salas-Gismondi cùng các cộng sự. Nghiên cứu này đã được công bố trên tạp chí Biology Letters.
Theo đó, nhóm các nhà khoa học Pháp, Peru và Mỹ đã nghiên cứu hệ tầng địa chất Pebas trong 15 năm, tìm hiểu về các loài động vật từng sống ở đó bằng cách phân tích xương mà chúng để lại. Họnhận thấy các hồ và đầm lầy từng là môi trường sống hoàn hảo cho cá sấu cổ đại từ 11 triệu đến 20 triệu năm trước. Và nhóm nghiên cứu nhận ra rằng vào năm 2019, họ đã “sẵn sàng để biết ai đã giết con lười đất này”, theo nhà khoa học Salas-Gismondi.
Các nhà nghiên cứu cho rằngrăng của Purussaurus khớp với những dấu vết được tìm thấy trên xương hóa thạch. Những động vật ăn thịt khác sống ở Nam Mỹ vào thời điểm đó bao gồm thú có túi, cá sấu và các loài chim khổng lồ không biết bay. Những con chim này không có răng và vết cắn của thú có túi cũng không khớp với vết cắn trên xương. Vì vậy, các nhà nghiên cứu đã phân tích răng của cá sấu cổ đại để tìm kiếm loài phù hợp nhất.
Ông Salas-Gismondi nói: “Chúng tôi phát hiện ra rằng dấu răng trong xương chày khớp với giải phẫu và hàm răng của động vật ăn thịt hàng đầu của hệ thống Pebas, loài cá sấu Purussaurus khổng lồ”.
Purussaurus trưởng thành có thể phát triển tới chiều dài hơn 10,8 m và nặng 5,6 tấn. Nếu không tính các loài dưới biển, chúng là động vật săn mồi lớn nhất kể từ khi khủng long tuyệt chủng. Với lực cắn khủng khiếp, chúng có thể săn cả rùa mai cứng cổ đại và động vật có vú lớn.
Trong khi đó, con lười đất chỉ nặng khoảng 80 kg, lớn hơn một chút so với loài chuột lang nước có thể tìm thấy ở Nam Mỹ. Nhóm nghiên cứu tin rằng nó đã bị cá sấu kết liễu trong vụ tấn công bởi nếu chạy thoát, phải có bằng chứng về việc tái tạo xương. Các nhà nghiên cứukhông loại trừ khả năng vết cắn xuất hiện sau khi Purussaurus tách xác con lười.
Long Hải (theo CNN)