Chiến dịch ‘sạch đĩa’ gặp thách thức vì thói quen ăn xả láng của người Trung Quốc

Văn hóa - Ngày đăng : 13:16, 30/08/2020

Các biện pháp được đưa ra trong chiến dịch chống lãng phí thực phẩm do Chính phủ Trung Quốc phát động đang vấp phải ý kiến trái chiều từ dư luận.

Theo CNN, vừa qua, chính quyền Bắc Kinh đã khởi xướng một chiến dịch có tên gọi “Sạch Đĩa” để giải quyết vấn nạn lãng phí đồ ăn tại nước này. Ngày 11/8, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gọi vấn đề lãng phí thực phẩm là “gây sốc và đáng lo ngại”. Tuy nhiên, chiến dịch đưa ra không cụ thể, khiến quan chức và doanh nghiệp gấp rút áp dụng một sốbiện pháp được cho là quá hà khắc.

Giới chức Thượng Hải yêu cầu người dân báo cáo về hành vi vứt bỏ thức ăn. Trong khi đó, những người đứng đầu ngành thực phẩm kêu gọi nhóm khách đi ăn hàng gọi bớt đi một đến haimón so với số lượng người. Một nhà hàng tại tỉnh Hồ Nam thậm chí còn gợi ýkhách đocân nặng trước khi vào cửa để giúp họ chọn khẩu phần ăn hợp lý.

Trung Quốc cho biết đang xem xét ra luật chống lãng phí thực phẩm và có thể ban hành lệnh cấm đối với các video “mukbang” - video ghi hình một người vừa ăn một lượng lớn thức ăn vừa trò chuyện với khán giả - xu hướng trên các nền tảng mạng xã hội hiện nay.

Từ lâu, thức ăn luôn là một chủ đề nhạy cảm tại Trung Quốc. Trong những năm 1950-1960, nạn đói kéo dài đã cướp đi sinh mạng của 45 triệu người tại quốc gia này. Những hình ảnh đau thương về nạn đói vẫn luôn sống mãi trong ký ức của nhiều người. Chính vì vậy, việc có thể ăn thỏa thích thứ mình muốn, ở bất kỳ thời điểm nào trở thành truyền thống trong văn hóa ẩm thực của người dân Trung Quốc.

"Ăn ba bữa một ngày là một điều mang tính riêng tư đối với người dân. Ngay cả những người không quan tâm về chính trị cũng có thể cảm thấy thói quen cuộc sống hàng ngày của họ bị đe dọa bởi chiến dịch này”, ông Wu Qiang – một nhà phân tích chính trị tại Bắc Kinh đồng thời là cựu Giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Thanh Hoa – nhận xét.

Năm 1993, khi Chính phủ Trung Quốc chấm dứt hình thức tem phiếu, đánh dấu mốc chuỗi ngày thiếu hụt thức ăn kết thúc. Người dân tự do lựa chọn đồ mình muốn ăn. Khi nền kinh tế Trung Quốc mở cửa với thế giới, sự giàu có được thể hiện trên bàn ăn thông qua những món xa xỉ như vi cá mập và súp yến sào. Giáo sư Wu cho biết: “Ăn uống cho đến khi thỏa mãn là biểu tượng cho thấy mọi người đang có một cuộc sống tốt đẹp”.

Mâm cỗ đầy tại một khu dân cư mừng năm mới tại thành phố Vũ Hán năm 2018 - Ảnh: CNN

Những bữa tiệc hàng chục, hàng trăm mâm thường được thấy trong các dịp đặc biệt khi người dân Trung Quốc tổ chức sinh nhật, đám cưới, mừng năm mới. Alfred Wu Muluan – Phó Giáo sư thuộc Đại học Quốc gia Singapore – giải thích việc đồ ăn “dư thừa” được đánh giá là “bộ mặt” của chủ nhà. Một bàn ăn càng nhiều món thì càng khẳng định được vị thế và thể diện của người mời.

Truyền thống ăn uống thỏa thích đã góp phần gây ra lượng rác thải khổng lồ. Theo truyền thông nhà nước, từ năm 2013 đến 2015, Trung Quốc đã lãng phí khoảng 18 triệu tấn lương thực mỗi năm. Năm 2015, lượng thực phẩm mà nước này bỏ đi có thể đủ để cung cấp bữa ăn cho ít nhất 30 đến 50 triệu người – bằng tổng dân số Australia và New Zealand gộp lại – trong một năm.

Một báo cáo về lãng phí thực phẩm do Học viện Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc công bố năm 2015 chỉ ra tình trạng lãng phí thực phẩm thường gặp và nghiêm trọng nhất xảy ra ở các thành phố lớn.

“Thành phố Bắc Kinh thải ra 18.000 tấn rác sinh hoạt mỗi ngày, trong đó có thể dễ dàng tìm thấy một lượng lớn thực phẩm chưa được sử dụng như bánh mì, sandwich, thức ăn nhanh, cá và thịt lợn, và bao gạo còn nguyên”, báo cáo viết.

Các biện pháp gây tranh cãi

Việc chính phủ yêu cầu các nhà hàng phục vụ ít thức ăn hơn trong bối cảnh đại dịch COVID-19 gián đoạn hoạt động kinh doanh nửa đầu năm nay đang trở thành chủ đề gây tranh cãi.

Ông Wang, chủ một nhà hàng tại Vũ Hán, cho biết ngành thực phẩm của Trung Quốc vẫn đang vật lộn để phục hồi sau dịch bệnh và hiện phải đối mặt với sức ép phục vụ ít thức ăn hơn. "Làm thế nào các nhà hàng có thể hạn chế khách hàng gọi thêm đồ ăn. Các chủ nhà hàng đều muốn kinh doanh thuận lợi”, ông Wang chia sẻ.

Nhà hàng bán thịt bò tại Hồ Nam gợi ý khách hàng đo cân nặng trước khi vào gọi món - Ảnh: CNN

Đầu tháng này, truyền thông nhà nước đưa tin đơn vị hành chính một quận ở thành phố Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang, đã cài đặt "hệ thống phơi bày lãng phí thực phẩm" cho căng tin. Camera giám sát được lắp đặt gần các thùng thu gom thực phẩm để phát hiện nhân viên nào bỏ phí đồ ăn. Những ai vi phạm trên 3 lần sẽ bị bêu tên hay thậm chí phát sóng cảnh quay đổ phí thức ăn lên màn hình TV dọc khắp căng tin.

Một số chính quyền địa phương còn mở rộng hệ thống giám sát ra toàn thành phố. Chính quyền Thượng Hải khuyến khích người dân khai báo về những người khác có hành vi ăn quá nhiều hay lãng phí thực phẩm. Tuy nhiên, thành phố vẫn chưa công bố hình phạt cho các vi phạm trên. “Tại sao tôi lại bị khai báo về những thứ mà tôi tự bỏ tiền ra mua”, một cư dân mạng bình luận.

Theo ông Ma Jun – Giám đốc Viện Công cộng và Môi trường, Chính phủ Trung Quốc cần có chính sách tập trung vào mục tiêu khác. Ví dụ, thay vì cấm một cá nhân gọi món tại nhà hàng, sẽ hợp lý hơn nếu Bắc Kinh ban hành các quy tắc cụ thể về hạn chế lãng phí tại các cơ quan chính phủ và các tổ chức công.

“Đối với người dân,tốt hơn là nâng cao nhận thức về lãng phí thực phẩm và thay đổi thói quen dần dần qua vận động… thay vì những biện pháp bắt buộc”, ông Jun cho hay.

Trong khi đó, Willy Lam – chuyên gia làm việc trong Trung tâm Nghiên cứu Vấn đề Trung Quốc tại Đại học Hong Kong – nhận định bên cạnh sự mập mờ trong quy định, một thách thức khác đặt ra đối với chiến dịch này là thực hiện không đúng thời điểm.

Sau hàng tháng bị phong tỏa và hàng triệu người Trung Quốc không được ra khỏi nhà vì đại dịch COVID-19, việc mà nhiều người muốn làm hiện nay là tới nhà hàng và thưởng thức các món ăn. “Chính vì điều này mà mục tiêu tiết kiệm có thể khó đạt được”, ông Lam kết luận.

Theo Tin Tức

Tin tuc