Suýt mất mạng vì tự ý uống thuốc
Kinh nghiệm y học - Ngày đăng : 11:34, 07/09/2020
Chị N.T.H.L(29 tuổi, ngụ Cần Thơ) được người nhà đưa vào bệnh viện cấp cứu vào lúc 22 giờ ngày 3.9 trong tình trạng lừ đừ, đỏ ngứa toàn thân, chi lạnh, huyết áp thấp, thở nhanh co kéo, sưng nề mặt. Người nhà cho biết bệnh nhân thấy đau lưng nên tự ý lấy thuốc (thuốc của mẹ) uống. Sau khi sử dụng thuốc, bệnh nhân thấy trên da nổi mẩn đỏ, ngứa, nên tiếp tục ra hiệu thuốc gần nhà mua hai liều thuốc uống.
Sau khi uống liều thứ nhất được 30 phút, bệnh nhân nổi đỏ toàn thân, khó thở, tím tái nên được người nhà đưa đến Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ (BVĐKTƯCT)cấp cứu.Sau khi tiếp nhận, các bác sĩ chẩn đoán đây là tình trạng sốc phản vệ do dị ứng thuốc không rõ loại và nhanh chóng xử trí theo phác đồ sốc phản vệ và chuyển đến Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc điều trị. Tại đây, sau điều trị theo phác đồ sốc phản vệ tình trạng bệnh nhân đã cải thiện dần. Đến sáng 7.9, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, dấu hiệu sinh tồn ổn định.
Một trường hợp sốc phản vệ nghiêm trọng khác là bệnh nhân nữ H.T.Đ(78 tuổi, ngụ Q.Ô Môn, TP.Cần Thơ) được chuyển đến Khoa Cấp cứu của BVĐKTƯCT lúc 16 giờ 30 ngày 31.8 trong tình trạng hôn mê sâu, bóp bóng qua nội khí quản, mạch nhanh, huyếp áp thấp phải sử dụng thuốc vận mạch, đỏ toàn thân. Cùng ngày nhập viện bệnh nhân được thực hiện tiểu phẫu cắt u lành phần mềm bàn chân phải tại bệnh viện địa phương, sau đó được cấp cứu ngưng tuần hoàn hô hấp và chuyển đến BVĐKTƯCT.
Nhận định đây là trường hợp sốc phản vệ rất nặng, bệnh nhân cao tuổi, có nhiều bệnh lý nội khoa kết hợp như đái tháo đường type2, tăng huyết áp, thiếu máu cơ tim, nên các bác sĩ hồi sức nội khoa tích cực và xử trí theo phác đồ sốc phản vệ. Đến sáng 1.9 bệnh nhân tỉnh dần, gọi biết, thực hiện đúng y lệnh bác sĩ. Ngày 2.9 bệnh nhân phục hồi tốt, dấu hiệu sinh tồn ổn định, được chuyển sang Khoa Nội tiêu hóa - Huyết học lâm sàng theo dõi và điều trị tiếp. Sáng 7.9 bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, sức khỏe ổn định, dự kiến xuất viện trong vài ngày tới.
BSCK2 Dương Thiện Phước - Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc của BVĐKTƯCT cho biết: “Sốc phản vệ là một trong những phản ứng dị ứng cấp tính nguy hiểm nhất, gây ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của hệ hô hấp, tuần hoàn và có thể nhanh chóng đe dọa tính mạng người bệnh nếu không được xử trí kịp thời. Sốc phản vệ có thể gây ra do nhiều nguyên nhân khác nhau như thuốc, thức ăn, nọc côn trùng, các yếu tố vật lý và hóahọc… Trong đó thuốc là nhóm nguyên nhân rất thường gặp”.
Theo BSCK2 Bồ Kim Phương - Trưởng khoa Nội tiêu hóa - Huyết học lâm sàng, khi bị bệnh, thay vì đi khám để bác sĩ chẩn đoán và chỉ định thuốc, một số người đã tự ý chẩn đoán bệnh và mua thuốc tự dùng, đây được gọi làtự ý dùng thuốc. Thuốc giảm đau khiến chúng ta tưởng bệnh đã khỏi nhưng thực ra bệnh vẫn tiến triển và hậu quả không thể lường hết được do chậm trễ trong việc mổ cấp cứu đối với các bệnh gây đau bụng như viêm ruột thừa, viêm tụy cấp…
Việc dùng thuốc kháng sinh không đúng có thể gây tình trạng lờn thuốc. Có thuốc dùng lâu ngày sẽ dẫn đến nguy cơ gây loãng xương, cao huyết áp… nhất là các thuốc corticoide dùng để trị đau nhức. Đã có nhiều trường hợp người bệnh tự ý dùng thuốc, sau đó phải nhập viện, nhẹ thì bị kích ứng da, nổi mẩn da, nặng thì sốt, hôn mê, thậm chí gây sốc phản vệ dẫn đến tử vong.
Cần nhớ rằng, mỗi cơ thể đều khác nhau, không ai giống ai, cho dù là những người cùng trong một gia đình. Chính vì vậy mà bệnh nhân phải cần tới sự tư vấn và chỉ định dùng thuốc từ bác sĩ. Và đặc biệt không dùng thuốc theo đơn kê cho người khácbởi có thể rất nguy hiểm, thậm chí chết người. Đây là thói quen khá phổ biến trong cộng đồng.
Lưu ý không bao giờ dùng thứ thuốc không được bác sĩ kê riêng cho cá nhân vì thuốc được quy định cụ thể cho từng cá nhân loại thuốc và liều lượng dựa trên tình trạngsức khỏe và bệnh tật của từng cá nhân. Chỉ dùng thuốc khi thật cần thiết và phải có sự hướng dẫn của bác sĩ điều trị. Không nên tự ý sử dụng các thuốc kháng sinh, thuốc đặc trị và không dùng thuốc kéo dài trong nhiều tháng.
Phong Phạm