Thanh khoản dồi dào, lãi suất liên ngân hàng thấp chưa từng thấy

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 07:10, 17/09/2020

Thanh khoản dồi dào khiến lãi suất liên ngân hàng liên tục giảm và duy trì ở mức thấp chưa từng thấy kể từ cuối tháng 6. Lãi suất các kỳ hạn từ qua đêm đến 3 tháng đang dao động trong khoảng 0,1% - 1,5%, thấp hơn nhiều so với cuối năm ngoái.

Lãi suất liên ngân hàng tiếp tục giảm

Theo diễn biến trên thị trường tiền tệ, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục không thực hiện hoạt động bơm, hút ròng trên thị trường mở (OMO). Trong tuần vừa qua, Chính phủ cũng đã công bố số liệu về dự trữ ngoại hối với mức cao kỷ lục 92 tỉ USD. Như vậy, trong vòng 5 tháng (từ tháng 4.2020 tới nay), ước tính Ngân hàng Nhà nước đã mua vào khoảng 8 tỉ USD, tương đương 184.000 tỉ đồng trong khi không có hoạt động hút ròng nào trên thị trường mở. Diễn biến này đã giúp thanh khoản hệ thống ngân hàng duy trì được trạng thái dồi dào trong thời gian vừa qua.

Thanh khoản dồi dào khiến lãi suất liên ngân hàng ở các kỳ hạn đều giảm trong tuần qua. Cụ thể, từ mức 0,16%/năm; 0,25%/năm và 0,27%/năm, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 2 tuần đã giảm xuống lần lượt ở mức 0,14%/năm; 0,2%/năm và 0,23%/năm với mức giảm lần lượt 0,02%; 0,05% và 0,04%.

Theo chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán KB (KBSV), lãi suất liên ngân hàng luôn duy trì ở mức thấp kể từ cuối tháng 6 với các kỳ hạn từ qua đêm đến 3 tháng dao động trong khoảng 0,1% - 1,5%, thấp hơn nhiều so với cuối năm ngoái.

Nguyên nhân chính khiến thanh khoản duy trì trạng thái dồi dào là do tăng trưởng tín dụng vẫn chưa hồi phục và nghiệp vụ mua ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước. Tính đến cuối tháng 8, tín dụng chỉ tăng trưởng 4,4% so với mức 8,2% của cùng kỳ năm 2019.

“Mặt bằng lãi suất liên ngân hàng trong tháng 9 được dự báo sẽ không có nhiều biến động mạnh do thanh khoản trong hệ thống vẫn duy trì trạng thái dồi dào. Tốc độ tăng trưởng tín dụng vẫn chưa có nhiều dấu hiệu khởi sắc khi dịch bệnh tại Việt Nam hiện chỉ mới phần nào được kiểm soát và nhu cầu tiêu dùng chưa phục hồi. Điều này khiến các doanh nghiệp duy trì quan điểm thận trọng về triển vọng kinh doanh và hạn chế mở rộng đầu tư.

Ngoài ra, Chính phủ gần đây vừa công bố mục tiêu dự trữ ngoại hối tới cuối năm nay đạt 100 tỉ USD, tăng khoảng 8 tỉ USD so với mức cuối tháng 8, tương đương với việc thanh khoản sẽ được bổ sung thêm gần 150.000 tỉ đồng”, chuyên gia KBSV nhìn nhận.

Tăng trưởng tín dụng sẽ thấp hơn dự báo

Cùng xu hướng với lãi suất liên ngân hàng, trong tháng 8, mặt bằng lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn (1-3 tháng) cũng tiếp tục chứng kiến đà giảm. Cụ thể, nhóm ngân hàng thương mại gốc quốc doanh giảm 0,2%, còn nhóm ngân hàng thương mại cổ phần có vốn điều lệ dưới 5.000 tỉ đồng giảm 0,08%.

Hiện nay, lãi suất huy động các kỳ hạn dưới 6 tháng đều ở sâu dưới mức trần 4,25%. Trong khi đó, ở kỳ hạn dài (12 tháng) lại chứng kiến sự trái chiều giữa nhóm ngân hàng thương mại gốc quốc doanh (tăng 0,2%) và nhóm ngân hàng thương mại cổ phần có quy mô vốn nhỏ (giảm 0,28%).

Đối với tăng trưởng tín dụng, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) kỳ vọng tín dụng trong 4 tháng còn lại của năm nay sẽ dần có sự cải thiện so với 8 tháng đầu năm. Tuy vậy, mức độ cải thiện sẽ không lớn, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 mới quay trở lại Việt Nam, khiến các doanh nghiệp duy trì quan điểm thận trọng về triển vọng kinh doanh, qua đó hạn chế mở rộng đầu tư.

Về phía cung vốn, Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ tăng cường sử dụng nghiệp vụ trên thị trưởng mở (OMO) để bơm vốn ra thị trường thay cho kênh mua vào ngoại tệ trong trường hợp cần thiết nên cung vốn sẽ vẫn được đảm bảo. Trên cơ sở đó, thanh khoản hệ thống ngân hàng được dự báo vẫn ở trạng thái tích cực trong các tháng cuối năm.

Còn Công ty Chứng khoán SSI cho rằng nợ xấu và nợ vay tái cơ cấu sẽ tăng nhanh vào cuối năm bởi dịch bệnh kéo dài, số lượng khách hàng gặp khó khăn về dòng tiền tiếp tục tăng lên. Các ngân hàng phải đưa các khoản vay này vào danh sách tái cơ cấu, hoặc phân loại lại thành nợ xấu. Do đó, thu nhập lãi mất đi liên quan đến nợ tái cơ cấu và nợ xấu có thể ở mức đáng kể hơn.

“Những tác động tiêu cực của việc giảm lãi suất và miễn lãi sẽ kéo dài trong nửa cuối năm 2020, lâu hơn là sang tới nửa đầu năm 2021. Do đó, biên lãi ròng (NIM) của các ngân hàng có thể giảm thêm 60 điểm phần trăm trong nửa cuối năm 2020”, chuyên gia phân tích của SSI nhận định.

Phan Diệu

Phan Thị Diệu