Không có đủ vắc xin COVID-19 để cuộc sống quay lại bình thường trong 2 năm tới

Thông tin Y học - Ngày đăng : 10:00, 17/09/2020

Nhà khoa học Soumya Swaminathan thuộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo không nên mong đợi sẽ có đủ vắc xin ngừa COVID-19 để khôi phục cuộc sống trước đại dịch cho đến năm 2022, vì vậy đeo khẩu trang và giãn cách xã hội vẫn rất cần thiết.

Theo bà Swaminathan, COVAX chỉ có thể tích trữ khoảng hàng trăm triệu liều vào giữa năm tới – mỗi nước trong 170 quốc gia/nền kinh tế tham gia sáng kiến chia sẻ vắc xin quy mô toàn cầu này chắc chắn nhận được gì đó. Tuy nhiên số lượng vẫn quá nhỏ nhoi nên chưa thể làm thay đổi việc phải tiếp tục áp dụng đeo khẩu trang và giãn cách.

“Mọi người hình dung rằng vào tháng 1 có vắc xin cho toàn thế giới, cuộc sống bắt đầu quay lại bình thường. Không phải như vậy. Đánh giá tốt nhất của chúng tôi về công tác triển khai vắc xin là giữa năm 2021, vì đầu năm 2021 ta mới thấy kết quả một số thử nghiệm”, bà Swaminathan lý giải.

Trung Quốc đặt ra mốc thời gian khẩn trương hơn, một quan chức Trung tâm Kiểm soát - Phòng ngừa nước này đầu tuần qua tuyên bố người dân trong nước sẽ được tiếp cận vắc xin COVID-19 nội địa sớm nhất vào tháng 11 hoặc 12.

Phía Tổng thống Donald Trump cũng cam kết sớm phân phối vắc xin, làm dấy lên lo ngại giới chức y tế Mỹ khuất phục trước sức ép chính trị mà cấp giấy phép sử dụng khẩn cấp.

Nhà khoa học Swaminathan cho biết WHO dự định ban hành hướng dẫn về sử dụng khẩn cấp vắc xin trong cuối tuần: “Tất cả thử nghiệm đang diễn ra cần trải qua thời kỳ theo dõi từ 12 tháng trở lên nhằm đảm bảo sản phẩm không gây tác dụng phụ lâu dài ở vài tuần đầu tiên. Vì là đại dịch nên các cơ quan quản lý muốn triển khai sử dụng khẩn, điều này có thể hiểu được nhưng vẫn cần có tiêu chí. Dù chúng ta muốn thấy hiệu quả, điều quan trọng hơn là độ an toàn”.

Bà cũng nhấn mạnh cơ quan quản lý mỗi quốc gia có quyền cấp phép sử dụng khẩn cấp trên lãnh thổ nước mình, tuy vậy cần đặt ra thời hạn nộp dữ liệu an toàn với đơn vị phát triển vắc xin đồng thời tước giấy phép nếu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối không đạt yêu cầu.

Giám đốc điều hành Liên minh Toàn cầu về vắc xin (GAVI) Marie-Ange Saraka-Yao cho biết họ đang tiếp tục đàm phán thuyết phục Trung Quốc tham gia COVAX. Trước đó Nhà Trắng thông báo không gia nhập.

Với COVAX, đã có 92 quốc gia thu nhập thấp được quyền tiếp cận vắc xin COVID-19 do quốc gia giàu có và nhà tài trợ cấp.

Cẩm Bình (theo SCMP)

Nguyễn Cẩm Bình - 0901321282 - 060113793980