Bộ GD-ĐT yêu cầu 7 nhiệm vụ đối với giáo dục trung học năm học 2020-2021
Giáo dục - Ngày đăng : 08:50, 18/09/2020
Giáo dục trung học cần sớm đi vào ổn định
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đã cho biết năm học vừa qua diễn ra trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội trong nước và quốc tế gặp nhiều khó khăn do đại dịch COVID-19. Cả ngành giáo dục đã có những nỗ lực quan trọng để kết thúc năm học 2019-2020 một cách thuận lợi nhất. Điểm lại những nội dung này, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhắc đến việc tinh giản chương trình; triển khai dạy học qua internet, trên truyền hình; điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học, theo đó thời gian kết thúc năm học lùi lại đến 15.7. Cùng với việc kết thúc chương trình đúng theo kế hoạch, chúng ta cũng đã hoàn thành tổ chức 2 đợt kỳ thi tốt nghiệp THPT công bằng, nghiêm túc.
Tại hội nghị, lãnh đạo Vụ Giáo dục Trung học, Vụ Giáo dục Tiểu học, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục ông Nguyễn Trung Thành đã chia sẻ trong năm tới việc đầu tư các điều kiện về cơ sở vật chất để triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới được ưu tiên để sớm ổn định cấp THCS. Quy mô học sinh THCS đi vào ổn định phù hợp với cơ cấu dân số theo độ tuổi huy động học sinh ra lớp; công tác phổ cập giáo dục THCS được tăng cường. Chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục trung học được nâng lên và chuẩn hóa; công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới được thực hiện tích cực.
Nhiều nhiệm vụ quan trọng với giáo dục trung học năm học 2020-2021
7 nhiệm vụ quan trọng trong năm 2020-2021 đối với THCS
Đối với chương trình mới trong năm học mới, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cũng lưu ý việc tiếp tục bảo đảm thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. “Để sớm tiếp cận với chương trình mới, từ năm 2017, Bộ GD-ĐT đã ban hành văn bản 4612 hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh. Nội dung này năm nay sẽ tiếp tục triển khai mạnh mẽ hơn”, Thứ trưởng cho hay.
Nội dung tiếp theo được Thứ trưởng nhấn mạnh là đẩy mạnh triển khai giáo dục STEM trong giáo dục trung học theo hướng dẫn tại công văn số 3089/BGDĐT-GDTrH ngày 14.8.2020 của Bộ GD-ĐT. Cùng với đó, tiếp tục thực hiện các văn bản chỉ đạo chuyên môn của Bộ GD&ĐT về tinh giản chương trình; đổi mới kiểm tra, đánh giá...
7 nhiệm vụ trọng điểm của giáo dục trung học năm 2020-2021
Nhiệm vụ đầu tiên được Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ lưu ý đó chính là chuẩn bị tốt các điều kiện để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 6 bắt đầu từ năm học 2021-2022. Trong đó có việc chuẩn bị sách giáo khoa, tài liệu giáo dục địa phương và chuẩn bị đội ngũ giáo viên, nhân viên, cán bộ quản lý. Các giáo viên được lựa chọn dạy lớp 6 phải là người có năng lực, tinh thần trách nhiệm và được bồi dưỡng chu đáo.
Nhiệm vụ thứ 2 chính là triển khai thực hiện giáo dục STEM trong giáo dục trung học.
Nhiệm vụ thứ 3 là đặc biệt quan tâm đến việc chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục trung học.
Nhiệm vụ thứ 4 là tổng kết 10 năm thực hiện Đề án 959 về phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010-2020, từ đó xác định mô hình trường chuyên trong tương lai.
Nhiệm vụ thứ 5 là chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục trung học. Thực hiện quản lý, đánh giá đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục trung học theo tiêu chuẩn chức danh Trưởng phòng, Phó trưởng phòng GD-ĐT.
Nhiệm vụ thứ 6 là đổi mới quản lý, theo hướng chuyển từ mệnh lệnh, giao, yêu cầu bằng tạo môi trường làm việc tốt; tạo được động lực cho đội ngũ và theo hướng là quản lý chất lượng.
Nhiệm vụ thứ 7 chính là tăng cường phát triển mạng lưới trường, lớp, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học. Bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị trường học để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ năm học.
Bài, ảnh: Dạ Thảo