Khát vọng thương hiệu Việt, trách nhiệm công dân và lòng tự hào dân tộc vẫn chưa đủ!
Góc bình luận - Ngày đăng : 13:39, 19/09/2020
Chúng tôi đã chứng kiến trong suốt chuyến đi hình ảnh người dân nước họ không dùng xe ô tô, không dùng rượu tiếp khách do nước ngoài sản xuất. Tôi chúng kiến mà thấy ngỡ ngàng kèm theo cả sự thán phục họ vô cùng ngay từ những năm đó.Có lẽ chúng ta, những người Việt Nam yêu Tổ quốc cũng nên học người Hàn từ tinh thần cao cả và đáng suy ngẫm đó nếu muốn đất nước mình hùng cường, tươi đẹp như họ.
Lòng tự hào dân tộc và thương hiệu Việt
Phải chăng cũng nhờ tinh thần dân tộc đặc biệt đó mà ngày nay, nền công nghiệp ô tô Hàn Quốc đã có một vị thế đặc biệt trên thị trường xe hơi toàn thế giới.
Sở dĩ Hàn Quốc tạo nên "Kỳ tích sông Hàn" và trở thành nước phát triển chỉ sau một thế hệ lãnh đạo thì thật đáng nể phục.
Vào thập niên 60 của thế kỷ trước, sau khi đình chiến tạm thời bằng sự phân chia hai miền trên bán đảo Triều Tiên, họ đã có những cuộc cách mạng về tư duy rất lạ.
Cái lạ còn ở chỗ nó được thiết lập bởi một nhà quân sự được coi là độc tài thời điểm đó được làm Tổng thống. Vậy mà chính quyền quân sự của cố Tổng thống Park Chung Hee lên cầm quyền từ cuộc đảo chính quân sự năm 1961 và họ đã bứt phá thần tốc.
Tôi nghĩ, với tiềm lực kinh tế còn vô vàn khó khăn sau chiến tranh cũng như trình độ công nghệ của họ cũng không cao xa gì khi đó so với thế giới, ấy thế nhưng ngành công nghiệp đóng tàu biển cũng như ô tô của họ đã có những bước nhảy vọt đáng kể.
Nếu so với tiềm lực và trình độ công nghiệp tiên tiến, đi tắt đón đầu hôm nay của những tập đoàn kinh tế tư nhân Việt Nam kiểu như Vingroup, HòaPhát, T&T, Thaco Trường Hải v.v... có lẽ chưa chắc họ đã bằng. Thế nhưng, bằng sự tự tin và tự trọng dân tộc, chỉ sau 2 thập kỷ, họ đã khiến cả châu Á phải ngỡ ngàng bởi chú hổ dũng mãnh ấy và rồi sau đó, cả thế giới không thể không để tâm dõi theo những bước họ đi .
Tinh thần dân tộc của người Hàn đãlà như vậy để rồi họ được như hôm nay.
Và nay, khi mà cả châu Âu lẫn châu Mỹ (không cần nói đến châu Á)... đều đã và đang dùng xe của Hàn Quốc như một việc bình thường, giống như nhiều xứ sở có nền công nghiệp hiện đại khác thì rõ ràng, nếu không có phong trào người Hàn dùng hàng Hàn Quốc từ đầu và sau nhiều chục năm qua trợ giúp thì làm sao có được kỳ tích như vậy!
Bài học này có lẽ Việt Nam ta càng cần phải suy nghĩ, nhất là lúc mà ngành sản xuất ô tô trong nước đang gặp khó khăn chung vì đại dịch COVID-19 cũng như khó khăn riêng với một hãng xe non trẻ vừa ra đời như VinFast. Vì thế, vốn đã khó lại càng thêm khó.
Thực ra, với tinh thần mạnh mẽ, quyết tâm vươn ra biển lớn như tập đoàn Vingroup trong chủ trương sản xuất xe hơi tại một nhà máy cực kỳ hiện đại mà họ xây dựng với tốc độ phi thường, họ cũng thừa hiểu những trở ngại của một hãng ô tô non trẻ của một quốc gia còn khiêm tốn về khoa học công nghệ nói chung cũng như thương hiệu chưa hề có của ngành công nghiệp ô tô nói riêng.
Việc lỗ thời gian đầu là chuyện không tránh khỏi và cũng là hiển nhiên mà họ đã nghĩ đến từ lúc xây dựng nó. Nhưng với niềm tin vào phía trước, tất cả mọi người dân Việt Nam đều cảm thấy tự hào về họ.
Tôi còn nhớ, hồi đầu những năm 90 của thế kỷ trước, một người Hàn Quốc là giám đốc nhà máy khi tiếp đón chúng tôi tại nhà máy ô tô Hyundai khi đoàn nhà báo chúng tôi đến thăm, ông ta tâm sự rất thật rằng khi sản phẩm xe hơi mang thương hiệu này ra đời cũng rất vất vả để dần có mặt trên thị trường nội địa. Nếu dân tộc chúng tôi cứ so đo chất lượng và thương hiệu để rồi cho qua, không mua sản phẩm trong nước sản xuất thì có lẽ rất khó trụ nổi. Rất may là tinh thần dân tộc, lòng tự trọng trong mỗi công dân Hàn Quốc ngày ấy cũng như bây giờ đã có dịp được thử thách cao độ. Người dân đã vui vẻ mua sản phẩm nội địa một cách gần như mặc nhiên cho dù có thể chưa thật ưng ý lắm trên tinh thần để ủng hộ tiêu dùng hàng trong nước sản xuất.
Thế rồi chừng hơn hai chục năm sau đó, một tinh thần mới hơn lại được dấy lên để rồi hễ thấy ai còn dùng xe của nước khác sản xuất là họ có con mắt nhìn không mấy thiện cảm. Và đó là cả một quá trình từ chỗ vì tự trọng dân tộc mà mua (có đôi chút chưa thật thoải mái) đến chỗ hài lòng và tự hào dân tộc cao độ với sản phẩm do chính bàn tay khối óc họ sản xuất.
Và thế là thương hiệu quốc gia dần có chỗ đứng nhất định như hôm nay. Hầu như khách nước ngoài phải căng mắt soi trên đường cũng không mấy khi thấy nổi một chiếc xe ngoại nhập do người trong nước lái thì cũng đáng tự hào chứ!
Trách nhiệm của công dân cần được coi là yêu nước!
Cú đấm “trời giáng” về kinh tế bởi thảm họa đại dịch toàn cầu COVID-19 khiến không biết bao nhiêu quốc gia trên thế giới có kinh tế tăng trưởng âm trong năm nay. Điều đó ai cũng nhìn thấy tự bây giờ, khỏi cần chờ đến tận cuối năm.
Tờ Politico của Mỹ có dẫn một báo cáo thường niên do Quỹ Bill & Melinda Gates thực hiện cho biết, chỉ trong 25 tuần của năm 2020, đại dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới thế giới, làm tiêu tan những thành quả trong suốt 25 năm qua, từ chăm sóc sức khỏe tới kinh tế.
Trong những ảnh hưởng to lớn đó, Việt Nam dù thiệt hại ít hơn nhiều nước nhưng cũng khó thoát khỏi sự bi đát nhất định.
Ngành công nghiệp ô tô non trẻ của chúng ta lại càng gặp thê thảm hơn vì nhiều nguyên nhân. Kính tế suy thoái, dân mất việc làm hoặc thiếu việc làm thì lấy đâu tiền tích lũy để mua sắm xe như mọi năm và xe mới ra đời trong khi trước đó, lúc chưa có đại dịch, người tiêu dùng vẫn đangcòn đắn đo khi bỏ tiền mua nó vì đang lưỡng lự nên nay khó càng thêm khó.
Cũng dễ hiểu và chúng ta hoàn toàn thông cảm hiện tượng nói trên.
Song, tôi thấy cũng mừng cho xe của Vinfast sau một thời gian lăn bánh. Những youtube trên mạng xã hội họ đưa gần như rất nhiều lời khen, thậm chí là chiếm vị trí chủ đạo hơn chê. Điều này gián tiếp cho thấy, lòng tin vào sản phẩm mới trong nước, do con người Việt Nam sản xuất đã được kiểm chứng và lan tỏa . Đồng thời cũng thấy rõ trong đó có lòng tự hào dân tộc và thương hiệu Việt đã được người tiêu dùng tin tưởng, đón nhận.
Một dân tộc như dân tộc Việt Nam ta vốn có truyền thống yêu nước rất đặc biệt, không lẽ chúng ta không phát huy nó được như nước bạn Hàn Quốc - một dân tộc có nhiều nét văn hoá rất tương đồng với chúng ta.
Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào tinh thần dân tộc để động viên người dân nước mình sử dụng hàng nội địa cũng không đủ nếu chất lượng sản phẩm không đạt yêu cầu vì nó là chuyện thuận mua vừa bán, không ép nhau được.
Đồng thời, nó cũng còn phải dựa vào chính sách thuế, đường lối phát triển công nghiệp nước nhà trong đó có công nghiệp phát triển ngành ô tô nước nhà ra sao. Nếu không được như vậy thì ai đó có yêu nước mấy cũng khó giúp các doanh nghiệp có thể tồn tại một thương hiệu non trẻ, lạ hoắc một khi giá xe còn cao so với thế giới khiến cho xe nội địa khó có thể cạnh tranh vì chính sách thuế trong nước.
Chính sách và sự đối xử của nhà nước với doanh nghiệp và người tiêu dùng
Sau khi đọc trên báo về chuyện liên quan đến chính sách thuế với ô tô sản xuất trong nước, tôi được biết, với xe nhập được hưởng ưu đãi thuế 0% tràn vào ngày càng nhiều thì đầu tư sản xuất lắp ráp ô tô trong nước rất rủi ro. Chính phủ đã cam kết thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô với những chính sách đột phá, nhưng tới nay vẫn chưa thấy. “Chúng tôi hy vọng từ 2020 những chính sách này sẽ được ban hành, có như vậy nhà đầu tư mới yên tâm và ngành công nghiệp ô tô có thể phát triển hơn nữa”, ông Lê Ngọc Đức, Tổng giám đốc TC Motor, kỳ vọng như vậy nhưng đâu dễ.
Tuy nhiên. các doanh nghiệp họ chờ mãi chính sách đột phá mà vẫn không thấy đâu, nên nếu cứ làm thì rủi ro sẽ rất lớn.
Tôi có gọi điện hỏi chuyện này đến người bạn tôi. Anh là tiến sĩ Nguyễn Minh Đồng, một chuyên gia về ô tô. Anh Đồng là Việt kiều từ CHLB Đức nhưng hiện đang làm tư vấn về lĩnh vực này ở trong nước. Anh nói rằng trong thực tế cũng không ít doanh nghiệp ô tô phải chịu lỗ từ 5 - 10 năm. Anh cho hay, ngay như tại Malaysia cũng còn hơn thế. Theo anh ấy thì có doanh nghiệp lỗ liên tục trong 20 năm. Anh băn khoăn khi nói rằng mình rất chia sẻ với cái khó của các doanh nghiệp trong nước về lĩnh vực trên. ”Vấn đề là sức chịu đựng của doanh nghiệp đến đâu và sự đối xử của Nhà nước với ngành công nghiệp ô tô như thế nào?", TS Nguyễn Mình Đồng tâm sự.
Rõ rằng, “bà đỡ” Chính phủ vào lúc này có vai trò rất lớn nếu muốn trợ sức cho các doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước tồn tại và phát triển. Tuy nhiên, cũng có nhiều thứ đòi hỏi phải sửa từ Luật và như vậy có nghĩa vai trò của Quốc hội và các Đại biểu Quốc hộilà rất lớn.
Chính sách gia hạn thuế tiêu thụ đặc biệt được ban hành có ý nghĩa với doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 đã tác động, khiến cho thị trường ô tô bị ảnh hưởng rất nặng nề bên cạnh giá xe trên thế giới cũng đang nhúc nhích giảm vì ếẩm chung.
Theo báo cáo của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) vừa công bố, tháng 8 vừa qua, doanh số bán hàng của toàn thị trường chỉ đạt 20.655 xe, trong đó doanh số của các dòng xe du lịch, thương mại, xe chuyên dụng đều giảm so với tháng trước.
Sản lượng xe lắp ráp trong nước đạt 12.869 xe, giảm 20% so với tháng trước. Tính chung 8 tháng qua, tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường giảm 25% và doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước giảm 19%.
Theo Nghị quyết 115 về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ vừa được Chính phủ ban hành, các bộ ngành liên quan cần sớm sửa đổi chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt (cụ thể là giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt) đối với sản phẩm ô tô, trình Quốc hội khóa XIV tại Kỳ họp thứ 10.
Mục tiêu là nhằm nâng cao sức cạnh tranh và khuyến khích cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước nâng cao giá trị gia tăng tạo ra trong nước, từ đó thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp phụ trợ trong lĩnh vực ô tô.
Như vậy, cùng với việc Chính phủ đồng ý việc giảm 50% thuế trước bạ với xe ô tô sản xuất lắp ráp trong nước theo đề xuất của Bộ Công Thương như mới đây, nó sẽ tạo thêm động lực giúp doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước vượt qua khó khăn và có thêm cơ hội giảm giá xe cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, chỉ như vây đâu đã đủ!
Để giúp được căn cơ, thông thoáng hơn về chính sách, nó đòi hỏi tất cả cùng vào cuộc.
Nên chăng, vào lúc này, Bộ Công Thương cần sớm có những đề xuất để Nhà nước, Quốc hội ban hành những chính sách mới tập trung hỗ trợ để thúc đẩy nhanh các dự án lớn về sản xuất, lắp ráp ô tô của các doanh nghiệp lớn như VinFast, THACO, Thành Công... sẽ thu hút đầu tư từ các Tập đoàn đa quốc gia đầu tư các dự án có quy mô lớn có kèm theo chuyển giao và làm chủ công nghệ tại Việt Nam. Bên cạnh đó, cần phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu sửa đổi, áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống theo hướng không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với phần giá trị tạo ra trong nước để từ đó tăng quy mô thị trường ô tô, tăng sản lượng và giảm chi phí sản xuất; áp dụng miễn thuế nhập khẩu linh kiện để phục vụ gia công sản xuất linh kiện phụ tùng và lắp ráp ô tô và có cơ chế khuyến khích xuất khẩu ô tô và linh kiện phụ tùng theo kết quả sản lượng của doanh nghiệp xuất khẩu...
Xin đừng động viên một chiều với người tiêu dùng theo kiểu ngày xưa nữa như câu khẩu hiệu: “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam" mà đi cùng với nó, cần phải có chính sách thuế, giá cả, chất lượng xe phù hợp với đồng tiền họ bỏ ra. Chỉ có cả ba thứ như tôi nói ở trên đây: Lòng khát khao thương hiệu Việt và tự hào dân tộc Việt, trách nhiệm công dân đối với phát triển kinh tế đất nước và chính sách của nhà nước giúp doanh nghiệp phát triển lành mạnh, qua đó giá thành cạnh tranh, có lợi cho người tiêu dùng thì khi đó, người tiêu dùng trong nước (và cả ngoài nước) sẽ chấp nhận và từ đó,doanh nghiệp mới đủ sức tồn tại và phát triển.
Quốc Phong