Úc đưa bằng chứng gây tranh cãi về số lượng 'cơ sở giáo dục cải tạo' ở Tân Cương
Hồ sơ - Ngày đăng : 15:20, 25/09/2020
Thông qua phân tích hình ảnh chụp từ vệ tinh, lời kể của nhân chứng, điều tra của ASPI tiết lộ có tổng cộng 380 địa điểm cải tạo được xây dựng từ năm 2017. Ít nhất 61 cơ sở được xây mới và mở rộng trong khoảng thời gian từ tháng 7.2019 đến tháng 7.2020. Ngoài ra, 14 cơ sở khác vẫn đang được xây dựng, trong khi khoảng 70 cơ sở đã bị dỡ bỏ hàng rào hoặc tường bao.
Theo ASPI, số lượng các “cơ sở giáo dục” được thống kê trong điều tra này là nhiều hơn 40% so với tổng số cơ sở đã biết. Báo cáo chỉ ra rằngkhoảng một nửa trong số 60 cơ sở đã được mở rộng gần đây có mức độ an ninh cao hơn, cho thấy sự thay đổi về bản chất của chiến dịch của chính quyền trung ương chống lại các nhóm thiểu số ở Tân Cương. Khoảng 70 trại dường như đã giảm bớt kiểm soát an ninh, với hàng rào bên trong và tường bao quanh bị phá bỏ. 8 trại có thể đã ngừng hoạt động hoàn toàn.
Sự chuyển hướng rõ ràng tập trung vào các trung tâm giam giữ an ninh cao hơn phù hợp với các báo cáo và lời kể của nhân chứng rằng “một số lượng đáng kể những người bị cải tạo không đạt đượctiến bộ trong các trại cải tạo đã được chuyển đến các cơ sở khác có an ninh cao hơn”, theo báo cáo.
Điều tra của Viện Chính sách chiến lượcÚccũng tiết lộ nhiều trại cải tạo gần các khu công nghiệp hoặc nằm chung với các khu phức hợp nhà máy, ám chỉ mối liên hệ trực tiếp giữa việc “giam giữ và ép bức lao động”.
Dữ liệu trên của ASPI là một phần trong dự án Dữ liệu Tân Cương, bao gồm các nghiên cứu chi tiết không chỉ về mạng lưới các cơ sở giáo dục bị nghi là các trại giam, mà còn các địa điểm văn hóa trong khu tự trị này, như nhà thờ Hồi giáo.
“Phát hiện trong cơ sở dữ liệu này mâu thuẫn với tuyên bố của các quan chức Trung Quốc rằng tất cả các 'học viên' từ trung tâm đào tạo kỹ năng nghề đã tốt nghiệp vào cuối năm 2019”, nhà nghiên cứuNathanRusercủa ASPI cho biết.
Được biết, Liên Hợp Quốc ước tính có tới hơn 1 triệu người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ bị giam giữ tại các trại cải tạo ở Tân Cương, Trung Quốc. Tuy nhiên, Bắc Kinh liên tục phủ nhận các cáo buộc, đồng thời khẳng định các trại giam quy mô lớn tại Tân Cương là “các trung tâm giáo dục” hoàn toàn tự nguyện, và thường xuyên chỉ trích bất cứ ai lên tiếng hoặc kêu gọi đưa vấn đề này ra luật pháp.
Trung Quốc nhiều lần khẳng định không có vi phạm nhân quyền ở Tân Cương. Ban đầu, chính quyền Bắc Kinh phủ nhận sự tồn tại của các trại tập trung, sau đó họ lại mô tả chúng là các chương trình đào tạo nghề và giáo dục nhằm xóa đói giảm nghèo và chống lại các mối đe dọa khủng bố.
Đáng chú ý, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hồi cuối tháng trước đã lặp lại tuyên bố rằng tất cả những người được đưa tới các “trung tâm giáo dục lại” ở Tân Cương đã hoàn thành “cải tạo” và đã tự do tham gia vào thị trường lao động mặc dù các nhóm nhân quyền và các gia đình người Duy Ngô Nhĩ cho biết việc “giam giữ” các nhóm thiểu số Hồi giáo tại Tân Cương vẫn tiếp diễn.
“Quyền của tất cả học viên trong chương trình giáo dục và đào tạo đã được đảm bảo hoàn toàn cho dù tư tưởng của họ đã bị thấm đẫm chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan. Bây giờ tất cả những người đó đã tốt nghiệp, hiện không còn ai trong trung tâm giáo dục và đào tạo. Tất cả bọn họ đã tìm được việc làm”, ông Vương giải thích.
Hoàng Vũ (theo AP, The Guardian)