‘Nghiện than’ nặng, Trung Quốc khó lòng thực hiện cam kết giảm khí thải

Quốc tế - Ngày đăng : 11:02, 28/09/2020

Cam kết đưa phát thải CO2 về 0 trước năm 2060 của Trung Quốc nhận phải nhiều hoài nghi khi nước này phê chuẩn hàng loạt nhà máy nhiệt điện chạy than nhằm vực dậy nền kinh tế bị thiệt hại nặng bởi dịch COVID-19.

Nhiên liệu hóa thạch góp phần không nhỏ vào tăng trưởng kinh tế Trung Quốc suốt 30 năm qua. Họ đốt khoảng 50% lượng than sử dụng trên toàn cầu mỗi năm.

Giai đoạn 2000-2018, lượng khí thải carbon Trung Quốc tạo ra tăng gấp 3lần, hiện chiếm gần 1/3 tổng lượng khí nhà kính liên quan đến tình trạng nóng lên toàn cầu trên thế giới.

Bất chấp lời hứa “cai nghiện than” bằng cách đầu tư năng lượng tái tạo, tiêu thụ loại nhiên liệu hóa thạch này của Trung Quốc trong tháng 6.2020 tăng trở lại lên mức cao nhất (năm 2013),một phần do bán đảo Ả Rập gặp bất ổn chính trị làm ảnh hưởng nguồn cung dầu, cộng thêm dịch bệnh buộc giới chức Bắc Kinh phải chấp nhận xây thêm nhà máy điện chạy than với mong muốn giúp các địa phương hồi phục kinh tế.

Chuyên gia Lý Thạc thuộc tổ chức Hòa bình xanh (Greenpeace) nhận xét: “Quy hoạch năng lượng Trung Quốc có mâu thuẫn. Lợi ích chiến lược của chính quyền trung ương mâu thuẫn với mục tiêu trước mắt của chính quyền các địa phương, khiến họ khó mà thực hiện cam kết giảm khí thải”.

Hôm 22.9, Chủ tịch Tập Cận Bình gây bất ngờ khi tuyên bố Trung Quốc sẽ đạt mức phát thải CO2 cao nhất trước năm 2030 rồi đưa về 0 trước năm 2060 - lần đầu tiên nền kinh tế lớn thứ 2thế giới công khai đặt kế hoạch trở thành quốc gia trung hòa carbon (cắt giảm lượng CO2 bằng với lượng CO2 tạo ra). Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Bắc Kinh chẳng nói rõ nội dung chi tiết.

Theo tổ chức phi chính phủ Global Energy Monitor, Trung Quốc trong nửa đầu năm 2020 phê chuẩn hàng loạt dự án nhà máy chạy than đủ sức tạo ra 23 gigawatt điện. Nhà phân tích Lauri Myllyvirta thuộc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và không khí sạch chỉ trích số nhà máy mới đi ngược lại cam kết giảm khí thải.

Trung Quốc hiện đã là quốc gia sản xuất và tiêu thụ năng lượng tái tạo hàng đầu, nhưng loạt nhà máy nhiệt điện than tăng thêm đang chèn ép nguồn cung điện gió cùng điện mặt trời. Theo chuyên gia Lý: “Chính quyền địa phương thích mua điện từ nhà máy nhiệt điện than hơn vì làm vậy giúp bảo vệ việc làm trong ngành khai khoáng”.

Nhiều trạm điện gió/điện mặt trời phải ngừng hoạt động, hàng chục dự án năng lượng tái tạo bị hủy bỏ khi doanh nghiệp tư nhân chật vật làm ăn. Chương trình trợ cấp cho điện gió chuẩn bị kết thúc vào năm 2021, trợ cấp cho điện mặt trời giảm đi một nửa.

Nhà phân tích Myllyvirta cho biết toàn bộ nhà máy nhiệt điện than của Trung Quốc chỉ hoạt động với 50% công suất: “Nhiều nhà máy chỉ là đồ vô dụng. Thêm cơ sở mới chỉ càng kém hiệu quả”.

Giới chức Bắc Kinh khẳng định phát thải ở nhà máy mới thấp hơn nhà máy cũ. Trên thực tế lượng CO2 thải ra tính trên mỗi kilowatt giờ điện chỉ ít đi 11%.

Cẩm Bình (theo Straits Times)

Nguyễn Cẩm Bình - 0901321282 - 060113793980