Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu những vấn đề nóng phát triển cây mắc ca tại VN

Sự kiện - Ngày đăng : 11:52, 29/09/2020

Sáng 29.9 tại TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị kết quả phát triển cây mắc ca tại Việt Nam trong thời gian qua, định hướng và giải pháp trong thời gian tới.

Hội nghị có sự tham dự của đại diện các bộ, ban, ngành trung ương, 23 tỉnh trồng mắc ca và cộng đồng các doanh nghiệp, hộ gia đình tiêu biểu về trồng, chế biến, tiêu thụ sản phẩm mắc ca.

Đây là một trong nhiều hội nghị chuyên đề nông nghiệp mà Thủ tướng đã chủ trì trong thời gian qua (hội nghị về con tôm, cây lúa, cà phê, ca cao, rau củ quả, công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp…).

Được ví như “nữ hoàng của các loại hạt”, mắc ca được định hướng xây dựng thành một ngành hàng mới của nông nghiệp Việt Nam vì đây là giống cây có hạt được xếp vào nhóm những loại hạt ngon nhất thế giới và cũng là loại thực phẩm có giá trị cao, đã giúp nhiều hộ nông dân đổi đời nhờ giá trị kinh tế cao trong thời gian qua.

Phát biểu khai mạc hội nghị, hoan nghênh các địa phương đã có mặt tại ĐắkLắk để dự, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói rằng mắc cacó thể trở thành "cây xóa đói giảm nghèo, làm giàu", là lối ra cho Tây Bắc, Tây Nguyên và một số vùng của Việt Nam không, “chắc các tỉnh đều mong muốn điều này”.

Thủ tướng cũng hoan nghênh, đánh giá cao các nhà khoa học đãđưa cây mắc ca vào Việt Nam và bước đầu thành công, nhất là chỉ qua 5 năm, sản lượng đã tăng gần 25 lần. Cây mắc ca đã góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, nhất làở vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu sốnước ta.

Biểu dương Hiệp hội Mắc ca Việt Nam, Thủ tướng cho rằng phải có người làm và cùng với các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học, các địa phương thì mới đưa được cây mắc ca vào phục vụ nâng cao đời sống người dân.

Thời gian gần đây, nhu cầu mắc ca tăng 200%, vậy hội nghị phải tập trung xử lý vấn đề gì?Thủ tướng nhắc lại ý kiến của nông dân Vy Thị Thanh phản ánh tại cuộc đối thoại giữa Thủ tướng với nông dân vào ngày 28.9, rằng chịđã trồng cây mắc ca nhưng 7-8 năm nay không có quả. “Vậy có phải giống là khâu đầu tiên hay không? Ai chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về giống để dẫn đến kết quả mà chúng ta phải rút kinh nghiệm?”. Đi liền với đó là quy hoạch vùng đất nào, Tây Bắc thì tập trung thế nào, Tây Nguyên trồng xen thế nào…để người dân trồng mắc ca có thể thu hoạch được, chứ không phải trồng cây mà không ra trái hoặc ra ít trái.

Nhắc lại vấn đề “được mùa, rớt giá”, “được giá, mất mùa” trong nông nghiệp, Thủ tướng lưu ý “thị trường tiêu thụ mắc ca như thế nào?” là câu hỏi lớn, là điều đầu tiên đặt ra. Vậy chúng ta sẽ tăng diện tích trồng cây mắc ca lên bao nhiêu là phù hợp chứ không phải tăng vô cùng tận. Điều này là để tránh tình trạng dư thừa cũng như khi nhu cầu thị trường rất lớn mà làm không kịp. Nhận định nhu cầu tiêu thụ mắc ca tiếp tục tăng lên cho thấy tiềm năng mở rộng thị trường hạt mắc cao thời gian tới là đúng, “nhưng tăng lên đến bao nhiêu để bảo đảm quyền lợi cho người dân, người sản xuất?”, Thủ tướng lưu ý.

Thủ tướng đề nghị các đại biểu thảo luận về vấn đề thị trường, vì "khi người nông dân bổ một nhát cuốc xuống đất thì phải nghĩ ngay đến thị trường tiêu thụ thế nào". Sau hội nghị này, một phong trào sản xuất mắc ca có thể nổi lên nhưng nếu không quy hoạch, điều hành tốt thì sẽ dẫn tới tình trạng trồng tràn lan, gây hậu quả.Thủ tướng cũng lưu ý việc phát triển thị trường nội địa với dân số gần 100 triệu dân chứ không chỉ quan tâm đến xuất khẩu.

Vấn đề nữa Thủ tướng đặt ra là vốn cho sản xuất, “những ngân hàng nào có trách nhiệm cung ứng vốn, lãi suất phù hợp cho việc trồng cây xóa đói giảm nghèo này”.

Đề nghị hội nghị thảo luận việc xây dựng thương hiệu hạt mắc ca Việt Nam, “chế biến làm sao, bao bì thế nào, thương hiệu mắc ca Việt Nam làm thế nào để có thị trường”, Thủ tướng nhấn mạnh: “Chúng ta phải đặt vấn đề thương hiệu ngay từ bây giờ chứ không phải là làm mãi không có thương hiệu”. Bên cạnh đó, muốn làm lớn thì phải có doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, vậy chính sách nào để thu hút doanh nghiệp vào trồng, chế biến, tổ chức tiêu thụ mắc ca.

Theo báo cáo tại hội nghị, mắc ca du nhập vào Việt Nam từ năm 1994, bắt đầu với 10 cây do Trung tâm Nghiên cứu giống cây rừng thuộc Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam trồng thử tại Ba Vì (Hà Nội).

Sau 5 năm triển khai quy hoạch mắc ca, đến nay cả nước đã có 23 tỉnh trồng cây mắc ca, với diện tích trên 16.500ha. Trong đó, 9 tỉnh nằm trong quy hoạch ở Tây Bắc và Tây Nguyên trồng trên 15.400ha, tăng 55% diện tích so với quy hoạch, còn lại hơn 1.000ha nằm rải rác tại 14 tỉnh khác chưa có trong quy hoạch.

Về sản lượng, năm 2020 các tỉnh dự kiến thu hoạch gần 6.600 tấn hạt tươi, tăng gần 24,5 lần so với năm 2015. Với giá bán sản phẩm dạng hạt sấy khoảng 200 triệu đồng/tấn như hiện nay, ước tính hơn 4.000 tấn hạt sấy sẽ mang lại giá trị khoảng 788 tỉđồng (trong đó khoảng 60% xuất khẩu, còn lại phục vụ tiêu dùng trong nước).

Đến nay, sản phẩm mắc ca Việt Nam đã xuất khẩu với sản lượng trên 2.400 tấn sản phẩm sấy/năm tới thị trường Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Mỹ, Pháp...

Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, cây mắc ca đã có những tác động tích cực tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho khoảng 10.000 hộ gia đình nông thôn.

Dự báo thời gian tới, cả sản lượng cung và cầu trên thế giới đều tăng nhanh với tốc độ cung tăng 9%/năm, cầu tăng 12%/năm, đây là cơ sởquan trọng để Việt Nam phát triển vùng nguyên liệu mắc ca và tham gia thị trường sản phẩm này trong giai đoạn 2021 - 2030 và các năm sau đó.

Định hướng trong thời gian tới, cần tiếp tục phát triển cây mắc ca là cây trồng trong 20 loài cây trồng rừng chính, tăng diện tích vùng trồng tập trung, từ đó xây dựng thành một ngành hàng mới của nông nghiệp Việt Nam, phấn đấu đến 2030 đạt doanh thu 1 tỉUSD, trong đó xuất khẩu đạt 600 triệu USD.

Theo VGP News

VGP News