CPI tăng 3,85%, lạm phát cao nhất 9 tháng trong 5 năm

Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 14:20, 29/09/2020

Tại cuộc họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2020 ngày 29.9, Tổng cục Thống kê cho biết bình quân 9 tháng năm 2020, CPI tăng 3,85% so với cùng kỳ năm 2019 - mức tăng bình quân 9 tháng cao nhất trong 5 năm gần đây.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho hay việc điều chỉnh giá dịch vụ giáo dục tăng theo lộ trình nhằm tiệm cận với giá thị trường; giá điện sinh hoạt tăng do nhu cầu sử dụng điện của người dân tăng trong thời tiết nắng nóng; giá gạo trong nước tăng do giá gạo xuất khẩu của Việt Nam ở mức cao nhất kể từ năm 2011, là những yếu tố làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9.2020 tăng 0,12% so với tháng trước, tăng 0,01% so với tháng 12.2019, tăng 2,98% so với cùng kỳ năm trước.

Bình quân quý 3/2020, CPI tăng 3,18% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 9 tháng năm 2020, CPI tăng 3,85% so với cùng kỳ năm 2019 - mức tăng bình quân 9 tháng cao nhất trong 5 năm gần đây.

Tổng cục Thống kê chỉ ra, CPI khu vực thành thị tăng 3,4%, khu vực nông thôn tăng 4,3% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản 9 tháng năm 2020 tăng 2,59% so với cùng kỳ năm 2019.

So với tháng trước, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính có 6 nhóm hàng tăng giá: đồ uống và thuốc lá tăng 0,05%; may mặc, mũ nón và giầy dép tăng 0,1%; nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,62%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,01%; giáo dục tăng 2,08%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,02%.

Có 5 nhóm hàng giảm giá: hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,31%; thiết bị và đồ dùng gia đình giảm 0,06%; giao thông giảm 0,12%; bưu chính viễn thông giảm 0,02%; văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,2%.

Theo Tổng cục Thống kê, một số nguyên nhân làm tăng CPI trong 9 tháng năm 2020 là do: tháng 1 và tháng 2 là tháng Tết nên nhu cầu mua sắm tăng cao, giá các mặt hàng lương thực bình quân 9 tháng năm 2020 tăng 4,03% so với cùng kỳ năm trước góp phần làm cho CPI chung tăng 0,15%.

Cùng với đó, giá các mặt hàng thực phẩm bình quân 9 tháng năm 2020 tăng 14,31% so với cùng kỳ năm trước góp phần làm cho CPI tăng 3,05% chủ yếu do giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống tăng cao trong dịp Tết nguyên đán, nhất là giá mặt hàng thịt lợn tăng cao do nguồn cung chưa được đảm bảo, giá thịt lợn tăng 70,55% so với cùng kỳ năm trước làm cho CPI chung tăng 2,39%. Giá thịt chế biến tăng 24,58%; mỡ lợn tăng 75,66% so với cùng kỳ năm trước.

Ngoài ra,do ảnh hưởng từ dịch COVID-19 trên thế giới vẫn còn phức tạp, nhu cầu về một số loại vật tư y tế, thuốc phòng và chữa bệnh phục vụ trong nước và xuất khẩu ở mức cao nên giá các mặt hàng này có xu hướng tăng nhẹ. Bình quân 9 tháng năm 2020 giá thuốc và thiết bị y tế tăng 1,43% so với cùng kỳ năm trước.

Giá các mặt hàng đồ uống, thuốc lá và các loại quần áo may sẵn tăng cao hơn trong dịp Tết do nhu cầu tăng, bình quân 9 tháng năm 2020 chỉ số giá các nhóm này lần lượt tăng 1,58% và 0,73% so với cùng kỳ năm 2019.

Bên cạnh các nguyên nhân làm tăng CPI, có một số nguyên nhân kiềm chế CPI 9 tháng năm 2020 như: đã có 18 đợt điều hành giá xăng dầu trong nước, trong đó có 11 đợt điều chỉnh giảm giá xăng E5, 10 đợt điều chỉnh giảm giá đối với xăng A95 và 5 đợt tăng giá đối với cả hai mặt hàng xăng; 12 đợt điều chỉnh giảm, 5 đợt điều chỉnh tăng đối với các mặt hàng dầu diezen.

Theo đó, giá xăng dầu trong nước bình quân 9 tháng năm 2020 giảm 22,12% so với cùng kỳ năm trước tác động làm CPI chung giảm 0,8%; giá dầu hỏa bình quân 9 tháng năm 2020 giảm 30,1% so với cùng kỳ năm trước.
Giá gas trong nước biến động theo giá gas thế giới. Bình quân 9 tháng năm 2020, giá gas thế giới đạt mức 393 USD/tấn giảm 19,15% so với cùng kỳ năm trước.

Trong nước, từ đầu năm 2020, giá bán lẻ gas được điều chỉnh tăng 5 đợt (các tháng: 1, 5, 7, 8, 9), giảm 3 đợt (các tháng: 2, 3, 4), bình quân 9 tháng năm 2020 giá gas giảm 1,68% so với cùng kỳ năm trước.

Cùng với đó, nhu cầu du lịch giảm trong thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ do ảnh hưởng của dịch COVID-19 lần 1 và lần 2 nên bình quân 9 tháng năm 2020 giá du lịch trọn gói giảm 2,13% so với cùng kỳ năm trước.

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhu cầu đi lại của người dân giảm, so với cùng kỳ năm trước, giá vé máy bay bình quân 9 tháng năm 2020 giảm 33,68%; giá vé tàu hỏa giảm 1,57%. Chính phủ triển khai các gói hỗ trợ cho người dân và người sản xuất gặp khó khăn do dịch COVID-19.

Cụ thể, gói hỗ trợ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giảm giá điện, tiền điện cho khách hàng với thời gian là từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020.

Giá điện tháng 5 (dựa trên sản lượng và doanh thu điện sinh hoạt từ ngày 1.4.2020 đến ngày 30.4.2020) và tháng 6 năm 2020 (dựa trên sản lượng và doanh thu điện sinh hoạt từ ngày 1.5.2020 đến ngày 31.5.2020) giảm lần lượt là 0,28% và 2,72% so với tháng trước.

Trong 9 tháng năm 2020, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành và các đơn vị liên quan khác thực hiện nhiều giải pháp để bảo đảm cân đối cung cầu, tăng cường tái đàn và nhập khẩu thịt lợn từ các nước có quan hệ thương mại bao gồm cả việc nhập khẩu lợn sống của Thái Lan.

Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra, lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống; năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) 9 tháng năm 2020 tăng 2,59% so với cùng kỳ năm 2019.

“Bình quân 9 tháng năm 2020 lạm phát chung có mức tăng cao hơn lạm phát cơ bản. Điều này phản ánh biến động giá, chủ yếu do giá lương thực, thực phẩm, giá xăng dầu tăng. Lạm phát cơ bản so cùng kỳ giảm dần từ mức 3,25% trong tháng 1.2020 về mức 1,97% trong tháng 9.2020. Điều này phản ánh kết quả của điều hành chính sách tiền tệ trong 9 tháng đầu năm.”, Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương nhấn mạnh.

Lam Thanh

Bùi Trí Lâm