3 sân bay đẹp nhưng nguy hiểm nhất ở châu Á
Du lịch - Ngày đăng : 09:44, 02/01/2019
Sân bay Paro, Bhutan
Nằm ở độ cao 2.235m so với mực nước biển và bao quanh bởi các ngọn núi thuộc dãy Himalaya cao hơn 4.800m, Paro, sân bay quốc tế duy nhất của quốc gia Nam Á này từng được tạp chí du lịch Travel Leisure xếp đầu bảng những sân bay có đường băng nguy hiểm nhất thế giới.
Paro nằm trong thung lũng hẹp và dốc, có nhiều luồng gió xoáy. Vì vậy chỉ một số phi công đủ điều kiện mới được phép thực hiện. Có năm, số phi công được cấp phép hạ cánh tại Paro rất hạn chế đến mức chỉ được 8 người.
Ngoài ra, chỉ có hãng hàng không của Bhutan được cấp phép bay thương mại là Bhutan Airlines và Druk Air. Các đường bay thẳng đến Paro chỉ xuất phát hạn chế từ vài thành phố châu Á gồm Bangkok, Dehli và Singapore.
Sân bay Qamdo Bamda, Tây Tạng
Với chiều dài lên tới 5,5 km, đường băng tại sân bay Qamdo Bamda ở Tây Tạng hiện đang giữ kỉ lục là đường băng thương mại trải nhựa với độ dài lớn nhất thế giới.
Thậm chí, trước khi sân bay Daocheng Yading thuộc tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc được khánh thành, sân bay Qamdo Bamda đã từng nắm giữ danh hiệu là sân bay nằm ở độ cao lớn nhất thế với 4.334 m so với mực nước biển.
Sân bay Tenzing-Hillary (hay còn gọi là Lukla), Nepal
Nằm ở thị trấn Lukla, cách thủ đô Kathmandu của Nepal 40 phút bay, sân bay Lukla đóng vai trò là cảng nhập và xuất cảnh quan trọng cho những người muốn chinh phục đỉnh núi Everest huyền thoại.
Lý do nó được gọi là sân bay nguy hiểm nhất hành tinh bởi đường băng ở đây được xếp loại ngắn nhất thế giới và đây là một đường băng duy nhất tại Lukla.
Sân bay Tenzing-Hillarykhông chỉ nằm ở độ cao 2.860m so với mực nước biển mà còn là sân bay có đường băng dốc nhất thế giới. Ngoài ra, thời tiết nơi đây rất khắc nghiệt, do vậy, các máy bay chỉ được cất - hạ cánh ở đây vào ban ngày, trong điều kiện thời tiết cho phép.
Vào cuối tháng 5. 2017, một vụ tai nạn đã khiến Lukla bị đưa vào danh sách sân bay nguy hiểm nhất thế giới.
Thiên Di