Bơm nước vào heo để kiếm lợi bất chính trong mùa giáp Tết
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 10:07, 02/01/2019
Độc chiêu bơm nước vào heo để thu lợi
Tiệc nhậu đang rôm rả thì điện thoại di động của Sáu Tâm đổ chuông ầm ầm. Sáu Tâm bước khỏi bàn nghe máy, không biết người gọi điện nói gì mà anh ta lớn tiếng chửi thề liên tục rồi ra lệnh: “Dẹp, tao nói dẹp hết, bữa nay không bơm biếc gì cả, tao có tin 'tình báo'là có đoàn kiểm tra. Tụi bây mà để bị bắt thì… ráng móc tiền túi đóng phạt, đừng gọi tao”.
Quay lại bàn nhậu, Sáu Tâm vẫn còn bực dọc, phân bua: “Gần Tết, nhu cầu tiêu thụ thịt heo rất lớn nên mấy ông Thú y, Cảnh sát Môi trường đi kiểm tra dữ lắm. Hôm nào hay tin có đoàn kiểm tra thì phải làm ăn bình thường, chứ để bị bắt như mấy đứa tay mơ ở xã Thành Thới B (H.Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre - PV) rồi nộp phạt hàng chục triệu đồng thì tiếc đứt ruột”.
Vụ ở Mỏ Cày Nam mà Sáu Tâm nhắc đến là vụ bơm nước vào heo bị Cảnh sát Môi trường và Chi cục Chăn nuôi thú y bắt quả tang hôm 16.12 với 32 con heo bị bơm no căng bụng nước nên chủ heo bị xử phạt 35 triệu đồng. Sáu Tâm là dân chuyên nghiệp có thâm niên hơn 20 năm trong nghề mua bán heo hơi từ các tỉnh miền Tây Nam Bộ về TP.HCM, mỗi ngày cung ứng cho thị trường 300 con heo sống.
Sống lâu trong nghề nên mọi mánh khóe mua bán, làm ăn gian dối để kiếm lợi bất chính, Sáu Tâm đều rành rẽ như rành lòng bàn tay. Theo lời Sáu Tâm, bán heo chết, heo bệnh cho người tiêu dùng thì lời lóm chẳng bao nhiêu, lại mang tiếng ác là đầu độc người khác. Trong nghề mua bán heo thịt, cách kiếm lời nhanh nhất và khỏe nhất là… bơm nước vào bụng heo để gia tăng trọng lượng trước khi giao heo thịt cho các lò giết mổ.
Đàn heo chuẩn bị được bơm nước - Ảnh: Thanh Anh
“Giá heo hơi hiện nay đang ở mức 50.000 - 52.000 đồng/kg, mỗi con heo bơm 5-6 lít nước vào bụng là thương lái bỏ túi gọn hơ từ 250.000 - 300.000 đồng, 1 ngày bơm được 50 con là vô bạc chục triệu. Càng gần Tết giá heo hơi càng tăng thì thương lái dùng chiêu bơm nước vào heo càng lời to”, Sáu Tâm nói.
Trong lúc “rượu vào lời ra”, Sáu Tâm cao hứng tiết lộ các chiêu thức “bơm nước heo kiếm bạc triệu”. Ông trùm cho biết, mỗi kíp bơm nước heo chỉ cần 2 người với dụng cụ chuyên nghiệp gồm 1 cây sắt hình chữ T, vòi bơm bằng ống cao su, máy bơm là có thể tiến hành bơm nước cho 30 - 40 con heo/ca.
1 người dùng thanh sắt chữ T móc vào hàm trên của con heo kéo lên khiến con vật phải há miệng ra vì đau, còn 1 người lập tức đưa ống cao su vào sâu tới cổ họng con vật để bơm nước. Nhưng muốn con heo không bị ngộp nước chết ngay tại trận thì người bơm nước cũng phải có tay nghề, con heo phải được bơm nước từ từ, mỗi lần bơm từ 2 - 3 lít nước là ngưng cho heo thở lấy sức chuẩn bị cho lần bơm kế tiếp.
“Nếu heo xẻ thịt bán tại các chợ trong vùng thì người ta bơm nước vô tội vạ, khoảng 17 - 18 giờ là bắt đầu bơm nước đến khi con heo no căng bụng đi không nổi, chỉ nằm 1 chỗ cho nước ngấm vào toàn thân, chờ rạng sáng bị giết thịt. Còn heo đưa lên xe đi thị trường TP.HCM thì tuyệt đối không được bơm nước căng bụng vì nhiều khả năng heo bị chết dọc đường, bán mất giá, chỉ cần bơm khoảng 6 - 8 lít nước/con là vừa”, Sáu Tâm tiết lộ.
Theo Sáu Tâm, nước bơm vào bụng heo chủ yếu là nước giếng khoan, bởi hầu như lò heo nào cũng khoan giếng để lấy nước tắm heo, vệ sinh chuồng trại, nhưng cũng có nhiều người chọn cách lấy nước từ kênh mương, ao hồ bơm vào bụng heo để… tiết kiệm chi phí. Còn người trực tiếp bơm nước thì được chủ lò heo trả công từ 30.000 - 40.000 đồng/con.
Hỏi Sáu Tâm mỗi ngày bơm nước cả trăm con heo mà tại sao không bị các cơ quan hữu trách phát hiện, “ông trùm” cười khà khà, lớn tiếng khoe khoang: “Khi bị móc thanh sắt vào miệng để bơm nước, con heo vừa đau vừa bị nước tràn ồ ạt vào cuống họng nên nó chỉ biết đứng im chịu trận, không kêu la được tiếng nào, vì vậy rất khó phát hiện.
Nhưng nói thiệt, thời điểm cận Tết, mấy cơ quan đi kiểm tra gắt gao, lò heo nào cũng trong tầm ngắm của họ, muốn làm ăn yên ổn thì tui phải chơi như dân buôn lậu thuốc lá, bỏ tiền mua “tin tình báo”, cử người cảnh giới để phát hiện các đoàn kiểm tra từ xa”.
Người tiêu dùng lãnh đủ hậu quả
Theo bà Lê Thị Thảo, Phó trưởng Phòng Thanh tra - Pháp chế (Chi cục Chăn nuôi thú y tỉnh Bến Tre), hiện nay tình trạng thương lái bơm nước vào heo để thu lợi bất chính diễn ra khá nhiều nơi và xảy ra quanh năm chứ không có mùa vụ cụ thể. Nhưng trên thực tế rất khó bắt quả tang những lò, trạm trung chuyển thực hiện hành vi bơm nước vào heo vì nơi nào cũng kín cổng cao tường, có người cảnh giới từ xa.
“Riêng lực lượng Thú y không thể đột kích vào bắt quả tang nên phải phối hợp Cảnh sát Môi trường, Quản lý thị trường thành lập đoàn liên ngành đi kiểm tra, đột kích bất ngờ sau nhiều ngày theo dõi. Nhưng nơi nào bị bắt quả tang xử phạt 1 lần thì lần sau rất khó bắt được, vì họ cảnh giới rất nghiêm ngặt, có người canh đường với 2 -3 lớp tường rào bảo vệ”, bà Thảo cho biết.
Theo Chi cục Chăn nuôi thú y Bến Tre, hiện nay chưa thể xác định hành vi bơm nước vào heo có gây nhiễm bẩn cho thịt hay không, bởi các cơ quan hữu trách chỉ xử phạt hành vi bơm nước rồi cho tiêu thụ chứ chưa lấy mẫu kiểm nghiệm hoặc tiêu hủy. Nhưng hành vi bơm nước vào heo để tăng thêm trọng lượng là gian lận thương mại và nguy cơ thịt heo bơm nước bị nhiễm các loại vi khuẩn độc hại đối với sức khỏe người tiêu dùng là rất cao.
Tuy nhiên, theo bà Thảo thì mức xử phạt vi phạm hành chính trong gian lận thương mại, đưa nước vào động vật trước khi giết mổ chỉ tối đa từ 15 - 20 triệu đồng, nên dân bơm nước heo chẳng ai ngán.
Thanh sắt hình chữ T là dụng cụ không thể thiếu của dân bơm nước vào heo chuyên nghiệp- Ảnh: Thanh Anh
Đề cập chuyện người tiêu dùng làm sao để nhận biết được thịt heo bị bơm nước bày bán trên thị trường, bà Thảo khẳng định rất khó để nhận diện. “Thịt heo bày bán ngoài chợ nếu bị rỉ nước dịch nhiều thì có 2 nguyên nhân. Thứ nhất là con heo bị stress trong quá trình vận chuyển, giết mổ, thứ nhì là heo bị bơm nước, nên khó xác định miếng thịt có bị bơm nước hay không.
Do đó người tiêu dùng muốn an toàn thì nên mua thịt ở những điểm bán quen biết, uy tín, thịt heo có nguồn gốc rõ ràng, không nên mua hàng ở những sạp bán thịt heo trôi nổi vì ngoài việc dễ mua lầm thịt bị bơm nước thì còn có khả năng mua phải heo bệnh, heo chết”, bà Thảo khuyến cáo.
Trong khi đó Sáu Tâm thừa nhận bản thân anh ta khi ra chợ cũng không thể nào phân biệt được miếng thịt heo có bị bơm nước hay không. Sáu Tâm tiết lộ: “Con heo bị bơm nước thì sau khi xẻ thịt không lâu sẽ bắt đầu rỉ nước từ các vết cắt xẻ. Vì vậy lâu nay dân trong nghề có 1 chiêu độc: thịt heo xẻ ra xong sẽ dùng bình lạnh chuyên dụng phun hơi lạnh vào các vết cắt.
Thao tác này làm se thịt lại, nước không thể rỉ ra trong 3 - 4 giờ nên miếng thịt bày bán ngoài sạp vẫn tươi ngon, sáng màu, độ đàn hồi tốt, khiến người tiêu dùng tinh ý cách mấy cũng không thể nhận ra. Chỉ khi mua thịt đem về nhà, nếu không chế biến ngay thì thịt sẽ bị rỉ nước, trở màu và có mùi hôi, lúc đó các bà nội trợ là người lãnh đủ hậu quả”.
Thanh Anh