Bộ Tư pháp đang kiểm tra quy định phải xin phép khi quay phim tiếp dân
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 11:27, 10/01/2019
Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung vừa ban hành nội quy của trụ sở tiếp công dân thành phố. Đáng chú ý, nội quy quy định “Không quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của người tiếp công dân”.
Không riêng Hà Nội, nhiều địa phương cũng cấm việc quay phim, ghi âm tại trụ sở tiếp dân. Ví dụ như nội quy tiếp dân của tỉnh Hà Nam nghiêm cấm việc tự ý quay phim, ghi âm tại khu vực trụ sở tiếp dân; Tỉnh Nam Định quy định “Không được tự ý sử dụng phương tiện ghi hình, ghi âm khi chưa được sự cho phép của người chủ trì tiếp công dân”; Thanh tra Chính phủ cũng áp dụng quy định này.
Trao đổi với phóng viên báo điên tử Một Thế Giới, ông Đồng Ngọc Ba, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản, Bộ Tư pháp cho biết cơ quan này đang rà soát, kiểm tra theo quy định, khi nào có kết quả chính thức sẽ thông tin đến công luận.
“Vấn đề này còn nhiều ý kiến khác nhau, do đó cần tiến hành thận trọng thông qua việc nghiên cứu, đối chiếu, so sánh quy định này với hiến pháp, các luật, nghị định có liên quan”.
Cũng theo ông Ba, Chủ tịch UBND cấp tỉnh, người đứng đầu cơ quan hành chính có thẩm quyền ban hành nội quy làm việc của cơ quan, đơn vị trong địa bàn phụ trách. Tuy nhiên, phạm vi, mức độ điều chỉnh của nội quy thế nào cần hợp pháp, hợp lý.
Giải thích về việc công dân không quay phim, ghi âm tại trụ sở tiếp công dân, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, tất cả các phòng tiếp công dân trên địa bàn TP.Hà Nội và của Trung ương trên địa bàn đều đã trang bị camera ghi âm và ghi hình. Do đó, người dân có yêu cầu muốn trích xuất lại toàn bộ thì sẽ được trích xuất đầy đủ bàn giao và có biên bản cẩn thận.
“Trong trường hợp người dân có nhu cầu ghi âm, ghi hình thì trao đổi với cán bộ tiếp công dân. Sau khi ghi âm, ghi hình xong, hai bên cùng kiểm tra lại nội dung và xác nhận bằng biên bản với nhau để làm tài liệu sử dụng trên cơ sở công khai minh bạch”, ông Chung nói.
Theo ông Chung, việc không ghi âm, ghi hình khi chưa được sự đồng ý người tiếp công dân nhằm chống tình trạng một số người đi theo người nhà đến trụ sở tiếp dân nhưng lại dùng các thiết bị bí mật ghi âm, ghi hình rồi về cắt xén nội dung buổi tiếp, sau đó đưa lên mạng phục vụ những mục đích khác.
Trả lời báo chí, TS Lê Hồng Sơn, nguyên Cục trưởng Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) cho rằng quy định này giống như quy định cảnh sát giao thông cấm quay phim chụp ảnh chiến sĩ khi đang làm nhiệm vụ, gây ồn ào trước đây, hiện đã bị bãi bỏ.
Theo TS Sơn, việc một số ý kiến cho rằng, nếu để công dân ghi âm, ghi hình tự do rồi tung lên mạng xã hội nhằm mục đích bôi nhọ, kích động, là một lối suy diễn quá đà.
"Ở đây là 2 việc khác nhau. Người ta ghi âm, quay phim, chụp ảnh khi đang được tiếp nhận kiến nghị phản ánh là việc bình thường. Một bên trong quan hệ này là người có quyền ghi lại. Đây là một chứng cứ, một cái cơ sở người ta sử dụng. Còn việc thứ 2, người ta sử dụng như thế nào hoặc suy diễn là người ta tung lên mạng để xúi giục thì lại là chuyện khác. Anh không thể đẩy quá đà, suy diễn như vậy để giải thích việc đưa ra quy định như vậy. Ai vụ khống, ai bôi nhọ sẽ có pháp luật xử lý, còn việc quay phim là quyền của người dân”, ông Sơn phân tích.
TS Sơn cũng cho rằng quy định như trong văn bản là sai thẩm quyền và sai tính chất của văn bản, vì đây là văn bản hành chính cá biệt, không phải văn bản quy phạm pháp luật. Về thẩm quyền, nếu thấy cần thiết thì Quốc hội sẽ quy định việc ghi âm, ghi hình, quay phim trong luật, chứ không thuộc thẩm quyền của cá nhân Chủ tịch Hà Nội.
Trước đó, nói với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng cho rằng quy định này cũng không phải là cấm. Công dân vẫn được phép quay nếu người tiếp dân đồng ý.
Tuy nhiên, khi quy định này được ban ra thì gặp phải sự phản đối từ người dân, ông Nhưỡng cho rằng từ phía người dân họ nhận thấy việc tiếp công dân trong thời gian qua có vấn đề, thậm chí không giải quyết được việc cho họ. Hơn nữa, có một số cán bộ tiếp dân giải quyết không đến nơi đến chốn; trong quá trình tiếp xúc giữa công dân với người tiếp dân xảy ra mâu thuẫn, căng thẳng… Chất lượng xử lý tiếp dân cũng không đồng đều ở nhiều nơi, nên người dân cũng có những so sánh.
“Tôi đã có chất vấn về vấn đề này với Thủ tướng và đề nghị cần tăng cường chất lượng hơn nữa việc tiếp dân ở các cơ quan, để nâng cao hiệu quả công việc, tăng lòng tin của người dân đối với cơ quan công quyền. Việc tiếp dân và giải quyết kiến nghị của dân chưa hiệu quả, trong nhiều năm không được giải quyết cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến những vụ việc như Đồng Tâm chẳng hạn”, ông Nhưỡng nói.
Lam Thanh