Luật sư Kiều Anh Vũ: Luật không cấm người dân ghi âm ghi hình tại phòng tiếp dân
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 14:28, 10/01/2019
Luật không cấm người dân ghi âm, ghi hình
Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới,luật sư Kiều Anh Vũ,Giám đốc điều hành Công ty KAV Lawyers, thành viên Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết:Khoản 2, điều 8, Hiến pháp 2013 quy định các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của nhân dân. Điều 25 Hiến pháp cũng quy định nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân.
“Việc giám sát của công dân có thể thực hiện bằng nhiều phương pháp khác nhau, với điều kiện đó là biện pháp hợp pháp, không vi phạm pháp luật. Trong đó, hoạt động ghi âm, ghi hình đối với cán bộ, công chức, viên chức khi thi hành công vụ, tiếp công dân có thể được xem là một biện pháp giám sát hiệu quả”, ông Vũ nói.
Hơn nữa, việc ghi âm, ghi hình đối với người tiếp công dân không được quy định rõ trong Luật Tiếp công dân hiện hành nhưng đó cũng không phải là hành vi bị cấm theo quy định tại điều 6 của luật này. Khoản 2 điều 3 Luật Tiếp công dân cũng quy định một trong những nguyên tắc tiếp công dân làphải bảo đảm công khai, dân chủ, kịp thời (trừ trường hợp giữ bí mật cho người tố cáo).
Do đó, ông Vũ cho rằng việc công dân ghi âm, ghi hình đối với hoạt động tiếp công dân của người tiếp công dân thì đó hành vi hợp hiến, phù hợp nguyên tắc tiếp công dân theo Luật Tiếp công dân, không phải là hành vi vi phạm điều cấm của luật, không phải là hành vi phạm pháp luật phải hạn chế.
“Việc cho rằng công dân cần có sự đồng ý của người tiếp công dân ghi ghi âm, ghi hình để tránh trường hợp một số người đi theo công dân đến buổi tiếp, bí mật ghi âm, ghi hình về cắt xén đưa lên mạng với mục đích khác là không thật sự thuyết phục”, luật sư Vũ chia sẻ.
Theo luật sư Vũ, nếu công dân có các hành vi lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh để gây rối trật tự công cộng; xuyên tạc, vu khống; đe dọa, xúc phạm cơ quan, tổ chức, đơn vị, người tiếp công dân, người thi hành công vụ; kích động, cưỡng ép, dụ dỗ, lôi kéo, mua chuộc người khác tập trung đông người tại nơi tiếp công dân thì đã có đủ cơ sở pháp lý để xử lý vì đó đều là hành vi bị cấm đã được quy định tại điều 6, Luật Tiếp công dân hiện hành.
Chưa kể, theo ông Vũ, nếu cắt xén, phản ánh không trung thực thì đó cũng có thể là hành vi vi phạm Luật An ninh mạng vừa có hiệu lực từ ngày 1.1.2019. Luật Tiếp công dân cũng đã có quy định cho phép người tiếp công dân được từ chối tiếp người đến nơi tiếp công dân trong các trường hợp có hành vi đe dọa, xúc phạm cơ quan, tổ chức, đơn vị, người tiếp công dân, người thi hành công vụ.
Tuy vậy, ông Vũ cho rằng việc ghi âm, ghi hình của công dân cũng cần phải đảm bảo sự tôn trọng lẫn nhau giữa công dân và người tiếp công dân. Cần tránh tâm lý soi mói, xét nét quá đáng khi làm việc với người tiếp công dân hay cán bộ, công chức.
Cán bộ, công chức, người tiếp công dân cũng có quyền của họ, có áp lực riêng của họ nên nếu họ làm việc với sự thiện chí, không có hành vi hạch sách, cửa quyền, vi phạm pháp luật thì công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh cũng nên làm việc với tinh thần cởi mở, hợp tác.
Theo Luật Tiếp công dân, một trong những nghĩa vụ của người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh khi đến nơi tiếp công dân là phải “có thái độ đúng mực, tôn trọng đối với người tiếp công dân”. Do đó, nếu công dân có ghi âm, ghi hình cũng phải tôn trọng người tiếp công dân, tạo điều kiện cho hai bên làm việc.
Nên cho phép quay phim và người quay phim phải thông báo
Vẫn theo ông Vũ, về thẩm quyền ban hành Nội quy tiếp công dân, khoản 6 điều 12 Luật Tiếp công dân cũng quy định Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành nội quy tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân cấp tỉnh.
Do đó, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội ban hành Nội quy tiếp công dân tại trụ sở UBND thành phố là đúng thẩm quyền. Tuy nhiên, về nội dung không quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của người tiếp công dân là chưa thật sự phù hợp bởi lẽ quy định như vậy thì có phần theo hướng cấm đoán, hạn chế quyền của người dân.
“Tôi cho rằng cần quy định theo hướng công dân được quyền ghi âm, ghi hình nhưng phải tôn trọng người tiếp công dân theo đúng tinh thần của Hiến pháp, Luật Tiếp công dân, và công dân muốn ghi âm, ghi hình phải thông báo cho người tiếp công dân biết về việc ghi âm, ghi hình; việc thông báo là thể hiện sự tôn trọng đối với người tiếp công dân”, ông Vũ nói.
Cụ thể, có thể quy định là người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại trụ sở tiếp công dân có quyền ghi âm, ghi hình tại buổi làm việc với người tiếp công dân nhưng phải thông báo cho người tiếp công dân biết về việc ghi âm, ghi hình và phải có thái độ tôn trọng, đúng mực khi ghi âm, ghi hình đối với người tiếp công dân. Quy định như thế sẽ hài hòa hơn và phù hợp hơn.
Bộ Tư pháp đang kiểm tra
Ông Đồng Ngọc Ba, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản, Bộ Tư pháp cho biết cơ quan này đang rà soát, kiểm tra theo quy định, khi nào có kết quả chính thức sẽ thông tin đến công luận.
“Vấn đề này còn nhiều ý kiến khác nhau, do đó cần tiến hành thận trọng thông qua việc nghiên cứu, đối chiếu, so sánh quy định này với hiến pháp, các luật, nghị định có liên quan”.
Cũng theo ông Ba, Chủ tịch UBND cấp tỉnh, người đứng đầu cơ quan hành chính có thẩm quyền ban hành nội quy làm việc của cơ quan, đơn vị trong địa bàn phụ trách. Tuy nhiên, phạm vi, mức độ điều chỉnh của nội quy thế nào cần hợp pháp, hợp lý.