Chương trình giáo dục phổ thông mới: Lo lắng về thừa-thiếu giáo viên

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 15:07, 10/01/2019

Bộ GD-ĐT vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành để phổ biến triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Nhiều ý kiến của các đại biểu tỏ ra còn lo lắng với tình trạng thừa thiếu giáo viên sẽ tiếp tục diễn ra…

Ngày 9.1, Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức hội nghị triển khai chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới theo hình thức trực tuyến đến tất cả các tỉnh thành trong cả nước.

Với chương trình được triển khai lần này Bộ GD-ĐT sắp xếp cấp tiểu học thực hiện dạy học 2 buổi/ngày; cấp trung học cơ sở (THCS) và trung học phổ thông (THPT) thực hiện dạy học 1 buổi/ngày. Cơ sở giáo dục tiểu học chưa đủ điều kiện tổ chức dạy học 2 buổi/ngày thực hiện kế hoạch giáo dục theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT. Khuyến khích các trường THCS, THPT đủ điều kiện thực hiện dạy học 2 buổi/ngày theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT.

Với nội dung giáo dục địa phương, UBND tỉnh sẽ quyết định việc xây dựng, thẩm định và giảng dạy nội dung giáo dục địa phương để phù hợp với thực tế. Ví dụ, TP.HCM có thể dạy về nội dung xây dựng đô thị thông minh; các tỉnh Tây Nguyên dạy về trồng trọt, văn hóa... Đặc biệt chương trình cũng đặt ra vấn đề giảm tải, tạo điều kiện cho học sinh vừa đỡ vất vả vừa hiệu quả như giảm số môn học, tiết học, đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tránh áp đặt, một chiều…

Về chuẩn bị đội ngũ để thực hiện chương trình GDPT mới, ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT) cho hay, tính đến tháng 10.2018, toàn quốc có 1.161.143 giáo viên mầm non, phổ thông. So với nhu cầu sử dụng theo định mức quy định, số giáo viên còn thiếu sau khi đã được giao thêm biên chế để tuyển dụng là 75.989 người. Riêng cấp THCS, hiện nay có tình trạng thừa, thiếu cục bộ giữa các môn học ở một số cơ sở giáo dục, giữa các địa phương trong một tỉnh mà không điều tiết được và giữa các tỉnh/thành phố. Đến thời điểm hiện tại, toàn quốc thiếu 10.143 giáo viên THCS một số môn, nhưng vẫn thừa 12.165 giáo viên THCS môn khác.

Những con số nêu trên khiến cho nhiều địa phương lo lắng về việc liệu có xảy ra tình trạng thừa - thiếu giáo viên hay không và đội ngũ giáo viên hiện nay có đáp ứng được yêu cầu của việc dạy các môn học, hoạt động giáo dục mới? Tiêu biểu là vụ sa thải hơn 500 giáo viên ở Đắk Lắk gây xôn xao dư luận trong năm 2018, và hàng loạt giáo viên không có việc làm tại các địa phương khác trên cả nước.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Minh Tường, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Phú Thọ dẫn chứng: Toàn tỉnh Phú Thọ hiện còn thiếu hơn 1.000 giáo viên, trong đó chủ yếu ở môn tin học, ngoại ngữ và hầu hết giáo viên hai môn học này đều là giáo viên hợp đồng, chất lượng đội ngũ còn nhiều hạn chế.

Mối lo ấy không phải không có cơ sở, bởi hiện nay tin học và ngoại ngữ là hai môn tự chọn, dành cho học sinh từ lớp 3 trở lên, tùy theo điều kiện thực tế và nhu cầu của học sinh, việc triển khai ở các địa phương có sự khác biệt. Tuy nhiên, ở chương trình giáo dục phổ thông mới, hai môn học này nằm trong nội dung giáo dục bắt buộc.

Thống kê sơ bộ của Bộ GD-ĐT cho thấytỷlệ giáo viên/lớp ở cấp tiểu học trên cả nước hiện mới đạt 1,43 giáo viên/lớp (quy định là 1,5), trong đó chủ yếu thiếu giáo viên môn tin học, ngoại ngữ. Ở cấp trung học cơ sở lại có tình trạng thừa - thiếu cục bộ giữa các môn học ở một số trường hoặc giữa các địa phương trong cùng một tỉnh.

Thiếu phòng học, cơ sở vật chất lạc hậu cũng là tình trạng chung của nhiều địa phương. Trong số gần 600.000 phòng học của cả nước hiện nay, tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 75%. Như vậy, còn khoảng 150.000 phòng học chưa đạt chất lượng. Chưa kểtỷlệ phòng học/lớp ở các cấp học đều thiếu, trung bình khoảng gần 0,9 phòng/lớp, trong khi yêu cầu của chương trình mới là phải đạt 1 phòng/lớp.


Hội nghị triển khai chương trìnhGDPT mới vẫn còn nhiều lo lắng về tình trạng thừa-thiếu giáo viên

Giải tỏa mối lo về việc thừa-thiếu giáo viên, ông Hoàng Đức Minh - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục (Bộ GD-ĐT) cho rằng: Chương trình mới không bớt môn học nào, nên chắc chắn không có giáo viên nào bị thừa. Thiết kế của các nội dung giáo dục của chương trình mới khác so với hiện tại, song về dung lượng các môn học không có nhiều thay đổi, nên đội ngũ giáo viên hiện tại đều có thể đáp ứng, chỉ cần được bồi dưỡng tốt. Với hai môn ngoại ngữ và tin học, Bộ GD-ĐT đã xây dựng lộ trình đào tạo giáo viên chuyên ngành để bổ sung.

Ông Thái Văn Tài, Phó vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT) cũng cho rằng cấp tiểu học có môn học mới là lịch sử và địa lý. Mặc dù được thiết kế là môn học tích hợp, song giáo viên môn nào vẫn phụ trách nội dung môn đó. Tổng số tiết học so với hiện nay vẫn cơ bản ổn định, bởi vậy sẽ không có tình trạng thừa giáo viên.

Trong khi đó ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT khẳng định chương trình GDPT mới được sẽ thực hiện theo định hướng tiếp cận mới là phát triển năng lực thay vì nội dung, cách tiếp cận rất công phu bài bản, mang tính quốc tế, đi vào từng môn học. Chương trình sẽ kế thừa những gì chương trình cũ còn tốt và sẽ chỉnh sửa, bổ sung những bất cập, bổ sung để phù hợp với xu thế quốc tế.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng cho hay sẽ rút kinh nghiệm từ những lần đổi mới trước, lần này Bộ GD-ĐT phối hợp với các bộ liên quan chuẩn bị đội ngũ nhà giáo cũng như cơ sở vật chất giảng dạy, những yếu tố này đang được triển khai ở các mức độ khác nhau.

Tú Viên

nguyentuyet