Trung Quốc - ‘bàn tay vô hình’ trong đàm phán Mỹ - Triều
Quốc tế - Ngày đăng : 15:58, 11/01/2019
Theo giới phân tích, nhà lãnh đạo Kim không thể không gặp Chủ tịch Tập Cận Bình trong thời điểm lại chuẩn bị có thêm một hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều. Hoạt động này dường như đã trở thành một “nghi thức”.
Bắc Kinh dù từng rất giận dữ khi nước láng giềng thực hiện hàng loạt vụ thử hạt nhân, nhưng nước này sẽ không vui nếu Bình Nhưỡng xích lại gần Washington. Cường quốc châu Á càng không muốn đứng ngoài bất cứ cuộc dàn xếp nào.
Chuyên gia Bonnie Glaser thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) nhận định: “Trung Quốc không nghĩ lợi ích bị đe dọa bởi quan hệ liên Triều tốt đẹp hơn, tuy vậy, khả năng Triều Tiên liên kết với Mỹ sẽ là ác mộng. Họ tin rằng chuyện này không thể xảy ra dưới thời Tổng thống Donald Trump và đây là một trong những động lực thúc đẩy Chủ tịch Tập xây dựng quan hệ thân thiết với ông Kim Jong - un”.
Trung Quốc đóng vai trò yểm trợ về ngoại giao cho Triều Tiên (thể hiện rõ qua việc sử dụng máy bay của Air China đưa nhà lãnh đạo Kim sang Singapore gặp Tổng thống Trump năm 2018). Bắc Kinh có ý định giữ Bình Nhưỡng nằm trong tầm ảnh hưởng của mình, vì nước này là “vùng đệm” giúp giữ gần 30.000 quân Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc ở xa biên giới giáp với họ.
Còn Triều Tiên cần Trung Quốc trong trường hợp nỗ lực ngoại giao thất bại. Kết cục bi thảm của nhà lãnh đạo Lybia Muammar Gaddafi cùng với việc Tổng thống Trump quyết định rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran là bài học nhắc nhở quốc gia Đông Bắc Á.
Theo nhà bình luận chính trị Hoa Pha, Trung Quốc có thể cung cấp đảm bảo về kinh tế, chính trị lẫn an ninh cho Bình Nhưỡng trong quá trình đàm phán giải trừ hạt nhân, cũng như khi bán đảo Triều Tiên trở thành khu vực phi hạt nhân.
Ông Kim Jong - un hy vọng Chủ tịch Tập sẽ thúc đẩy nới lỏng cấm vận, điều mà Mỹ đến nay vẫn từ chối thực hiện với lýdo Triều Tiên chưa hoàn toàn từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Nhà phân tích Tom Fowdy cho rằng: “Nếu Washington không nhượng bộ thì Bắc Kinh là lựa chọn thay thế, có thể đáp ứng được kỳ vọng của nhà lãnh đạo Kim và không có chuyện rơi vào thế đối đầu”.
Nhưng mặc dù ông Kim đã 4 lần công du Trung Quốc, Chủ tịch Tập lại chưa từng thăm Triều Tiên (với tư cách nhà lãnh đạo Trung Quốc). Theo chuyên gia Glaser: “Cả hai đều thấy được giá trị của mối quan hệ này, do đó, họ duy trì nó nhằm phục vụ cho mục đích riêng của mình. Tuy nhiên tôi nhận thấy hai bên vẫn còn ngờ vực nhau”.
Sau khi nhà lãnh đạo Kim kết thúc chuyến thăm mới nhất, truyền thông Triều Tiên đưa tin Chủ tịch Tập nhận lời sang thăm, trong khi truyền thông Trung Quốc lại không nhắc gì.
Cẩm Bình (theo Channel News Asia)