Chính phủ Mỹ đóng cửa lâu nhất trong lịch sử, chưa có dấu hiệu mở cửa lại
Quốc tế - Ngày đăng : 08:22, 13/01/2019
Việc đảng Dân chủ kiên quyết không nhượng bộ trước yêu cầu của Tổng thống Mỹ Donald Trump về số tiền 5,7 tỉ USD xây dựng tường biên giới, dẫn đến việc chính phủ Mỹ đóng cửa có thể sẽ tiếp tục kéo dài, không có hồi kết.
Tổng thống Trump hiện đang ở trong Nhà Trắng, trong khi Quốc hội Mỹ lại hoãn họp vào cuối tuần khiến cho bế tắc giữa ông chủ Nhà Trắng và đảng Dân chủ khó có thể sớm được giải quyết.
"Chúng tôi sẽ đóng cửa một thời gian dài trừ khi đảng Dân chủ quay lại làm việc từ "kỳ nghỉ" của họ", ông Trump viết trên Twitter, chỉ trích đảng Dân chủ về chuyện đóng cửa chính quyền hiện nay.
Trong khi đó, đảng Dân chủ tố ngược lại ông Trump mới là người gây ra tình trạng này khi không ký vào gói tài trợ ngân sách do họ trình lên vốn không có tiền dành cho bức tường biên giới với Mexico.
Lần đóng cửa chính phủ Mỹ kéo dài lâu nhất trước đây là đợt đóng cửa vào năm 1995-1996 kéo dài 21 ngày dưới thời Tổng thống Bill Clinton.
Với việc chính phủ Mỹ đóng cửa, nhiều người làm việc cho chính phủ đang rất lo lắng khi phải làm việc không lương, áp lực tài chính cũng đặc biệt cao lên những người bị cho nghỉ việc vô thời hạn.
Tính tới ngày 11.1.2019, sẽ có tới 800.000 nhân viên chính phủ liên bang Mỹ không có lương. Một số đã phải bán bớt tài sản để có tiền xài hoặc thậm chí là xin tiền trực tuyến để thanh toán các hóa đơn đến hạn mà họ chưa thể thanh toán.
Sân bay quốc tế Miami cho biết họ sẽ sớm đóng cửa một trong những nhà ga của họ vì thiếu khả năng sàng lọc an ninh, khi nhiều nhân viên an ninh cáo bệnh vì bị bắt đi làm không lương.
Một liên minh đại diện cho hàng ngàn kiểm soát viên không lưu đã kiện Cục Hàng không Liên bang Mỹ hôm 11.1 vì cho rằng cơ quan này đã vi phạm luật tiền lương liên bang do không trả lương cho nhân viên, trong khi vẫn bắt họ đi làm. Đây là vụ kiện thứ 3 của các công đoàn thay mặt cho các nhân viên chính phủ không được trả lương vì chính phủ Mỹ đóng cửa.
Người đứng đầu Cơ quan Mật vụ Mỹ, cơ quan chịu trách nhiệm bảo vệ cho ông Trump đã cảnh báo rằng các nhân viên của ông có thể bị trầm cảm và lo lắng vì "căng thẳng tài chính" do đi làm mà không có lương.
Cơ quan An ninh Giao thông Mỹ, chịu trách nhiệm kiểm tra an ninh sân bay cho biết số người nghỉ bệnh đã tăng lên mức 5,6% hôm 12.1, khá cao dù chưa xâm phạm các tiêu chuẩn an ninh. Dù vậy, Cục Hàng không Liên bang Mỹ thì cho hay các kiểm soát không lưu chưa xin nghỉ ốm nhiều một cách bất thường và hoạt động của ngành kiểm soát không lưu vẫn được duy trì.
Ông Trump hiện đang xem xét khả năng tuyên bố tình trạng khẩn cấp, cho phép ông có tiền để mở cửa chính phủ trở lại cũng như có tiền cho bức tường biên giới. Tuy nhiên, hôm 11.1, ông Trump nói rằng ông chưa thực hiện một hành động như vậy ở thời điểm hiện tại.
"Các đảng viên đảngDân chủ nên quay trở lại Washington và làm việc để chấm dứt đóng cửa chính phủ, đồng thời chấm dứt cuộc khủng hoảng nhân đạo khủng khiếp tại Biên giới phía Nam của chúng ta. Tôi đang ở trong Nhà Trắng đợi các người", ông Trump viết trên Twitter của mình.
Ái Vi (theo Reuters)