Bà Phạm Khánh Phong Lan: ‘Làm gì có thực phẩm sạch mà giá rẻ’

Sự kiện - Ngày đăng : 17:09, 15/01/2019

PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng Ban quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM cho rằng, tâm lý của người dân khi chọn mua thực phẩm vẫn thích giá rẻ. Suy nghĩ này của người dân cần phải thay đổi thì mới góp phần đẩy lùi được thực phẩm bẩn, thực phẩm kém chất lượng. Làm gì có thực phẩm sạch, chất lượng mà giá rẻ.

Tết nguyên đán Kỷ Hợi 2019 đang đến gần, sức mua trên trị trường đã bắt đầu tăng mạnh. Nhu cầu thực phẩm trong ngày tết là rất lớn. Đây cũng là thời điểm mà các cơ sở chế biến, sản xuất kinh doanh thực phẩm lợi dụng để “đẩy” ra thị trường những thực phẩm kém chất lượng, nguy hiểm hơn là thực phẩm bẩn, thực phẩm nguy hại. Điều này khiến không ít người tiêu dùng cảm thấy lo lắng.

Đồng loạt kiểm tra thực phẩm dịp giáp Tết

Trước tìnhhình đó, bắt đầu từ ngày 15.1bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng ban quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM dẫn đầu đoàn kiểm tra của ban này tiến hành thị sát các chợ đầu mối, chợthực phẩm lớn, các siêu thị... Trong ngày, đoàn đã tiến hành kiểm tra chợ Kim Biên (quận 5), chợ Bình Tây (quận 6) và một số siêu thị lớn trên địa bàn thành phốvề công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại đây.

Bà Lan cho biết trong những ngày tới sẽ tiếp tục kiểm tra chợ đầu mối Thủ Đức, chợ đầu mối Hóc Môn, các cơ sở, doanh nghiệp chế biến thực phẩm và một số chợ có sức mua lớn.

“Mục tiêu của chúng tôi trong đợt kiểm tra này là làm sao để đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu và sử dụng thực phẩm; xử lý việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng, phòng chống ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019”, bà Lan nói.

Một cơ sở chế biến thủy sản đãđăng ký chuỗi thực phẩm an toàn - Ảnh: PV

Cũng theo bà Lan, vào đầu tháng 1.2019, đơn vị này đã triển khai 12 đoàn đi thanh, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố về việc thực hiện các quy định đảm bảo an toàn thực phẩm. Đợt thanh, kiểm tra này bắt đầu từ ngày 1.1.2019 và kéo dài đến ngày 25.3.2019, được chia làm 3 đợt là trước tết (từ ngày 1 đến ngày 21.1.2019), trong tết (từ ngày 22.1 đến 12.2) và sau tết (từ 13.2 đến 25.3).

Bên cạnh đó, bà Lan cũng cho biết việc thanh, kiểm tra về an toàn thực phẩm không chỉ thực hiện vào những dịp lễ tết mà được thực hiện một cách thường xuyên, liên tục.

Chỉ tính riêng trong năm 2018 vừa qua, các đội thanh tra của đơn vị này đã thực hiện thanh, kiểm tra 41.032 cơ sở, phát hiện 11.912 trường hợp (chiếm 27,8%) vi phạm qui định về an toàn thực phẩm. Đã có 2.780 cơ sở vi phạm bị phạt tiền với tổng số tiền phạt 16.991.884.000 đồng.

Khó khăn trong việc xây dựng thực phẩm sạch

Tuy nhiên, bà Lan cho rằng để người dân có thực phẩm sạch, thực phẩm an toàn bền vững thì vấn đề mấu chốt không phải là xử phạt bao nhiêu, nặng hay nhẹ, mà chúng ta phải làm sao tạo ra thực phẩm sạch để cung cấp cho người dân. Vấn đề ở đây là chúng ta phải đi xây dựng thực phẩm sạch. Xây thực phẩm sạch cũng chính là để chống thực phẩm bẩn.

Trong thời gian qua, Ban quản lý an toàn thực phẩm TP đã đẩy mạnh việc xây dựng những chuỗi thực phẩm an toàn, không chỉ ở TP.HCM mà còn nhiều tỉnh, thành khác. Đến hết năm 2018, đơn vị đã cấp giấy chứng nhận chuỗi thực phẩm an toàn cho 300 sản phẩm của 154 doanh nghiệp.

Dù vậy bà Lan thừa nhận việc xây dựng thực phẩm sạch hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn, có cả yếu tố chủ quan và khách quan. Thực tế hiện nay người dân đi mua thực phẩm vẫn có tâm lý thích giá rẻ, trong khi đầu tư xây dựng chuỗi thực phẩm sạch, an toànrất tốn kém, nếu các doanh nghiệp không có tâm huyết, trách nhiệm với cộng đồng, người dân, chỉ nghĩ đến lợi nhuận thì khó có thể đầu tư xây dựng thực phẩm sạch, an toàn. Đây là điều đang gây ra rất nhiều khó khăn trong việc xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn.

“Người dân chúng ta lúc nào cũng đòi hỏi có thực phẩm sạch, thực phẩm an toàn, chất lượng nhưng lại thích giá rẻ. Làm gì có thực phẩm sạch, thực phẩm an toàn mà giá lại rẻ?Điều gì cũng có cái giá của nó. Chính vì sự ham thích này của người dân nên vẫn còn cơ hội cho thực phẩm bẩn, thực phẩm không an toàn có đất sống”, bà Lan nói.

Quy trình sản xuất nông sản sạch tạiCông ty TNHH Đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp Vineco- Ảnh: PV

Vì vậy, để giải quyết những khó khăn trên, theo bà Lan cần có sự vào cuộc của các doanh nghiệp “dám làm, dám chịu”, vì thực phẩm sạch, thực phẩm an toàn.

Hiện nay cũng có nhiều doanh nghiệp chấp nhận cuộc chơi với thực phẩm sạch, nhiều đơn vị đã được cấp chứng nhận chuỗi thực phẩm an toàn, điển hình là mô hình nông nghiệp sạch của Công ty TNHH Đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp Vineco.

Đây là một đơn vị xây dựng nông nghiệp sạch theo quy trình khép kín, từ con giống đến trồng trọt, chế biến và cả đầu ra cho sản phẩm. Quy môsản xuất nông sản sạch của doanh nghiệp này là khá lớn với 14 trang trại sản xuất, mỗi ngày cung ứng ra thị trường hàng chục tấn sản phẩm nông sản sạch.

Bà Lan mong muốn sẽ có nhiều hơn những doanh nghiệp dám làm thực phẩm sạch, nhất là nông sản sạch như thế để giúp cho thực phẩm sạch lớn mạnh, chiếm lĩnh thị trường, không còn “đất sống” cho những thực phẩm bẩn, thực phẩm không an toàn.

Hồ Quang

Hồ Quang