Scarlett Johansson 'bó tay và bất lực' về nạn làm giả phim khiêu dâm người nổi tiếng

Văn hóa - Ngày đăng : 10:16, 21/01/2019

Ngôi sao 34 tuổi, một trong những nạn nhân thường trực của ‘deepfake’ (làn sóng làm giả video người lớn bằng kĩ thuật cắt ghép tinh vi), không tin rằng vấn nạn đáng báo động này có thể được xử lý triệt để, dẫu nó đã và đang gây phương hại đến hình ảnh nhiều nghệ sĩ quốc tế.

Đầu năm 2018, một tài khoản trên website cộng đồng Reddit với tên gọi ‘deepfakes’ bắt đầu tải lên hàng loạt video khiêu dâm cắt ghép - hoán đổi khuôn mặt diễn viên thật với mặt người nổi tiếng. Chỉ trong thời gian ngắn, sử dụng trợ giúp từ ứng dụng AI (trí thông minh nhân tạo), ‘deepfakes’ nhanh chóng phát động làn sóng làm giả phim đen, theo đó người dùng mạng có thể chỉnh sửa, cho ra đời những đoạn băng 18+ với sự xuất hiện của minh tinh Gal Gadot, Jessica Alba hay vô số nhân vật tiếng tăm khác.

Một ‘mục tiêu’ thường xuất hiện trong băng hình dán mác ‘deepfake’ là nữ diễn viên người Mỹ Scarlett Johansson, với không ít đoạn băng cắt ghép sớm được đăng công khai trên những trang web chia sẻ video người lớn. Thế nhưng, bất kể tính chất độc hại đáng lên án của loại hình ‘công nghệ giải trí’ này, Johansson không mấy lạc quan khi đề cập đến việc bài trừ ‘deepfake".

Cô chia sẻ cùng phóng viên tờ Washington Post trong một bài phỏng vấn đầu năm 2019, “Thế giới internet hoàn toàn không có luật lệ. Cố gắng xóa sạch video người lớn giả mạo là điều không thể".

Loạt bài đăng chia sẻ video ‘deepfake’ từng tồn tại trên Reddit. Website này ‘cấm cửa’ công nghệ deepfake từ tháng 2.2018, nhưng đến nay nó vẫn được tích cực truyền bá qua một số trang chia sẻ cộng đồng trực tuyến khác.

Johansson thẳng thắn cho biết bản thân cũng thấy bất lực trước chuyện phòng tránh vấn đề. “Rõ ràng nó không trực tiếp ảnh hưởng đến tôi vì mọi người đều đoán đó không phải tôi xuất hiện trong những video ấy. Nhưng tôi nghĩ về mặt pháp lý, ngăn hay loại trừ chúng là nỗ lực bất khả. Internet như một hố đen vạn trạng. Đáng buồn thay, có những nội dung còn ghê sợ hơn bên trong thế giới mạng. Tôi nghĩ tự mỗi cá nhân phải chủ động đấu tranh bảo vệ chính họ".

Johansson nhấn mạnh, mỗi quốc gia đều “có điều luật khác nhau” liên quan đến quyền “sở hữu hình ảnh.

“Quy định về luật áp dụng ở Mỹ không giống với Đức, chẳng hạn”, nữ nghệ sĩ lý giải. “Ngay cả nếu theo luật tại đây, quyền phát tán hình ảnh của bạn thuộc về riêng bạn, chuyện không như thế khi bạn ở nước ngoài. Tôi đã nhiều lần phải đấu tranh bảo vệ hình ảnh cá nhân. Nhưng thực tế, đối với internet, cố gắng tự bảo vệ chính bạn để tránh vướng vào nội dung thiếu lành mạnh gần như là vô vọng".

Đặc biệt đáng quan ngại khi nạn nhân của ‘trò vui công nghệ’ deepfake có thể là bất kì ai, từ ngôi sao nổi tiếng đến công chúng. Johansson than vãn rằng “sẽ không dễ để ngăn cản những kẻ với ý đồ đen tối” trong một thế giới internet nhiễu nhương, nơi quá nhiều thông tin, hình ảnh được lưu trữ và phát tán miễn phí.

Như Ý (theo Decider, WashingtonPost)

nhu y