Dân Trung Quốc mất lòng tin vào sữa nội
Quốc tế - Ngày đăng : 14:46, 23/01/2019
Bê bối năm 2008 là bước ngoặt đối với người tiêu dùng Trung Quốc. Khoảng 300.000 trẻ bị đầu độc do một số nhà sản xuất bổ sung melamine - hóa chất dùng trong sản xuất nhựa - vào sữa bột nhằm mục đích tăng chỉ số hàm lượng protein. Ngày 22.1.2019 đánh dấu 10 năm những đối tượng phạm tội và che giấu vụ việc nhận án tử hình.
Dù chính quyền nỗ lực đổi mới quy định phù hợp hơn với tiêu chuẩn quốc tế, nhưng người tiêu dùng khó mà quên bê bối chấn động và tha thứ. Một bà mẹ hai con tên Chen Jijie chia sẻ: “Sau 10 năm nữa thì tôi cũng sẽ không nghĩ tới chuyện dùng hàng nội. Vụ việc khiến tôi mất hoàn toàn lòng tin vào sữa sản xuất trong nước”.
Ngành sữa bột trị giá 27 tỷ USD của cường quốc châu Á đã tái định hình, trở thành “mỏ vàng” cho doanh nghiệp nước ngoài, trong khi nhãn hiệu nội địa gần như bị xóa sổ khỏi vị thế nắm giữ thị trường.
Với thị phần sữa bột tăng gấp 4 lần hậu bê bối, Nestle trở thành đơn vị dẫn đầu tại Trung Quốc. Doanh thu hằng năm của sữa A2 tại hai thị trường Úc và New Zealand tăng vọt từ 1,02 triệu USD lên 673 triệu USD. Người tiêu dùng đánh giá hàng ngoại an toàn hơn, chất lượng cao hơn, là dấu hiệu cho thấy gia đình khá giả.
Công ty phân tích dữ liệu Euromonitor International cho biết khi chỉ có ¼ phụ nữ Trung Quốc cho con bú, thị trường sữa bột nước này sẽ mở rộng 21% (đạt 32 tỷ USD) vào năm 2023.
Nestle cùng với Danone (Pháp) tập trung vào đối tượng khách hàng là các bậc cha mẹ sống ở các thành phố hạng hai. Danone vì có ít cửa hàng bán lẻ ở vùng nông thônnên thúc đẩy thương mại điện tử, còn Nestle xem xét phân phối sản phẩm phù hợp từng khu vực.
Đặc biệt, Nestle tuyên bố họ rất cẩn thận trong khâu chọn nhà cung cấp nguyên liệu đầu vào. Trong năm 2014 công ty đã mở một viện chăn nuôi bò sữa ở đông bắc Trung Quốc, dạy nông dân sản xuất sữa an toàn với chất lượng cao.
Doanh nghiệp nội địa đang cố giành lại thị phần bằng giá rẻ và thay đổi nguồn cung. Y Lợi và Mông Ngưu, hai tập đoàn hàng đầu Trung Quốc có sản phẩm bị phát hiện nhiễm melamine 10 năm trước, chạy đua tìm nguồn sữa từ nước ngoài.
Mông Ngưu hiện bán một loại sữa có xuất xứ New Zealand mang tên Milk Deluxe, với hộp thiếc in hình một núi tuyết như dãy Alps. Nhà phân tích thị trường La Nghệ Hân của công ty Hua Thái đây là cách lấy lại lòng tin từ người tiêu dùng hiệu quả nhất trong ngắn hạn.
Trong số các nhà sản xuất sữa Trung Quốc, chỉ có Phi Hạc giành thêm được thị phần sau bê bối 2008. Doanh nghiệp này chiếm 8,6% thị phần trong nước vào năm 2017.
Thành công của Phi Hạc gắn liền với chiến dịch xây dựng thương hiệu. Cho đến năm 2013 họ vẫn niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán New York với tên American Dairy.
Sau khi dùng lại tên tiếng Trung rồi tư nhân hóa, sản phẩm bán chạy của công ty là Firmus luôn được nhấn mạnh có nguồn gốc từ Mỹ vàNhật Bản. Trên thực tế thì bò của hãng được nuôi tại tỉnh Hắc Long Giang. Phi Hạc còn khẳng định luôn nỗ lực cải thiện công nghệ, tăng cường liên kết làm ăn với đơn vị quốc tế.
Sản phẩm làm ra và đóng gói tại nước ngoài có thể bán với giá gấp đôi sữa nội. Bê bối 2008 mở ra kênh làm ăn mới cho Úc với New Zealand: bán qua mạng. Từ Sydney đến Adelaide, những người mua hàng thuê dọn sạch nhiều siêu thị để bán lại cho các bậc cha mẹ Trung Quốc kiếm lời.
Sữa A2 trở thành mặt hàng được ưa thích hàng đầu. Nhu cầu mua loại sữa này chưa có dấu hiệu giảm nhiệt, bất chấp giới chức Trung Quốc siết chặt quy định kiểm soát thương mại điện tử để có thể thu thuế.
Doanh nghiệp Trung Quốc đặt hy vọng tăng trưởng vào đối tượng khách hàng là tầng lớp phụ huynh trẻ với thu nhập thấp hơn, những người ít bị bê bối 2008 ảnh hưởng. Tuy nhiên, họ đã vĩnh viễn mất đi nhóm khách hàng như Chen Jijie.
“An toàn là tiêu chí quan trọng nhất. Tôi chỉ chọn thương hiệu quốc tế”, bà Chen khẳng định.
Cẩm Bình (theo SCMP)