Bài 3: Tan nhà nát cửa, ăn ngủ không yên vì ‘tín dụng cột đèn’
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 05:27, 24/01/2019
Hơn mộtnăm qua cả gia đình chị N.T.T.T. (ngụ H.Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang) lúc nào cũng sống trong tâm trạng phập phồng lo sợ vì mỗi tháng đều bị những nhóm người xăm trổ vằn vện, mặt mày hung tợn đến tận nhà chửi mắng, hăm dọa để đòi tiền. Theo chị T., những người này là băng nhóm đòi nợ thuê chuyên nghiệp, được chủ nợ của chị điều động đến để đòi tiền vay và tiền lãi.
Hệ lụy đau lòng từ việc trót vay tiền tín dụng đen
Chị T. kể, năm 2018 do thiếu tiền trong việc kinh doanh nhưng không có tài sản thế chấp vay vốn ngân hàng nên thông qua sự giới thiệu của người quen, chị đánh liều hỏi vay 300 triệu đồng của mộtngười chuyên cho vay nặng lãi tên C. Khi cho vay 300 triệu đồng trong thời hạn mộttháng, bà C. buộc chị T. phải viết giấy cam kết mỗi ngày phải trả cho bà ta 10,5 triệu đồng tiền lãi và vốn.
Nhưng trả lãi và vốn được 10 ngày, do công việc làm ăn gặp khó khăn nên chị T. không còn tiền để trả nợ, phải xuống nước năn nỉ bà C. cho chị chuyển sang trả lãi hàng tháng, nợ gốc khoanh lại khi nào chị có tiền thì trả mộtlần, nhưng bà C. không đồng ý.
Do bà C. liên tục cho người tìm đến nhà chị T. đòi nợ, hăm dọa đủ điều nên chị T. buộc lòng phải tiếp tục vay 450 triệu đồng của mộtngười tên K. với lãi suất 10.000 đồng/ngày/1 triệu đồng trong thời hạn 6 tháng để thanh toán nợ vay cho bà C. Tổng cộng mỗi ngày chị T. phải trả cho bà K. 4,5 triệu đồng tiền lãi, chưa tính nợ gốc phải thanh toán sau khi hết hạn vay. Tuy nhiên do công việc làm ăn tiếp tục khó khăn nên chị T. không thể có tiền trả lãi hàng ngày cho bà K. Vì vậy sau vài tháng số tiền lãi và vốn vay của chị T. đã lên đến con số 850 triệu đồng.
Băng nhóm hoạt động tín dụng đen, cho vay nặng lãi từ Hải Phòng vào TP.Mỹ Tho hoạt động bị cơ quan công an triệt phá.Ảnh: Thanh Anh
“Mấy tháng qua tui không có tiền để đóng lãi cho bà K. nên bà này thuê người đến nhà tui đòi nợ. Họ chửi mắng rất dữ dằn, hăm dọa nếu tui không trả nợ cho bà K. thì họ sẽ “có biện pháp mạnh” với cả gia đình tui. Trong khi đó, bà K. còn bắn tin sẽ tiếp tục tính lãi trên số tiền lãi mà tui không thanh toán đúng hạn, nên hiện giờ tui cũng chẳng biết phải tính sao”, chị T. nghẹn ngào nói.
Trường hợp của ông T.N.C. ngụ H.Chợ Gạo tỉnh Tiền Giang còn bi đát hơn chị T. Ông C. kểđầu năm 2018, con của ông vay 15 triệu đồng của một nhóm người lạ, thông qua các số điện thoại trên những tờ rơi quảng cáo cho vay tiền không cần tài sản thế chấp dán ở các gốc cây, cột điện, vách tường khắp thành thị đến nông thôn, nhưng bản thân ông không hề hay biết.
Khoảng giữa năm 2018, ông C. rất bất ngờ khi thấy mộtnhóm người lạ mặt, hung dữ tìm đến nhà ông, đưa ra các giấy nợ và buộc con ông phải trả số tiền 200 triệu đồng cả nợ gốc và tiền lãi. Do không có tiền trả nên ông C. phải khất nợ, nhưng ngày nào nhóm người này cũng đến trước nhà chửi mắng, đập phá tài sản của ông và hăm dọa tàn sát những người trong nhà. Quá lo sợ nên ông C. phải mang giấy tờ nhà đất thế chấp vay tiền ngân hàng chung đủ 200 triệu đồng cho nhóm người này.
Tưởng trả nợ xong là yên thân, nhưng không ngờ chưa đầy 1 tuần sau nhóm người này lại kéo đến đòi ông C. phải đưa thêm 100 triệu đồng, với lý do… tiền lãi nợ quá hạn. Do ông C. không đồng ý trả thêm tiền nên nhóm người đi đòi nợ xông vào nhà hành hung mọi người, đánh con ông C. gây thương tích rồi bỏ đi, nhưng không quên hẹn ngày trở lại lấy tiền.
Đúng như lời hẹn, nhóm đòi nợ lại đến nhà ông C. Nghe ông C. nói không có tiền và đang thiếu nợ ngân hàng vì phải vay tiền để trả nợ 200 triệu cho bọn chúng, nhóm người này lớn tiếng hăm dọa và đưa ra giải pháp: ông C. phải tiếp tục vay tiền lãi suất cao của bọn chúng để trả nợ ngân hàng, sau đó tiếp tục thế chấp tài sản vay tiền của ngân hàng để trả cả vốn lẫn lãi cho bọn chúng.
Lo sợ cho tính mạng của cả gia đình, ông C. buộc lòng phải chấp nhận giải pháp của bọn cho vay nặng lãi. Lập tức bọn này dẫn ông C. đến văn phòng công chứng lập hợp đồng vay của bọn chúng số tiền 300 triệu đồng để trả cho ngân hàng, đồng thời lập hợp đồng thế chấp căn nhà của ông C. cho bọn chúng.
Hơn 1 tháng sau, nhóm người cho vay nặng lãi kéo đến nhà yêu cầu ông C. phải giao căn nhà cho bọn chúng vì bọn chúng đã thay ông trả nợ cho ngân hàng để giải chấp tài sản, nên căn nhà là tài sản của bọn chúng. Khi ông C. yêu cầu bọn cho vay nặng lãi đưa các giấy tờ chứng minh thì bọn chúng không đưa và còn thách thức gia đình ông cứ trình báo sự việc cho các cơ quan hữu trách.
“Hiện nay cứ vài ngày là bọn chúng lại điện thoại hoặc tìm đến tận nhà hăm dọa, khiến cả nhà tui nơm nớp lo sợ, ăn không ngon, ngủ không yên. Bây giờ tui mới thấm thía cảnh khổ khi trót vay tiền của bọn tín dụng đen”, ông C. than thở.
Cũng ở H.Chợ Gạo, người dân xã Mỹ Tịnh An vẫn còn nhớ việc Trần Hoàng Giang (SN 1987) vướng vòng tù tội vì trót vay tiền tín dụng đen. Trong năm 2018 vợ Giang có vay tiền của 1 người tên Phan Thị Kim Q. (sinh năm 1983). Giữa tháng 11.2018 vợ Giang và bà Q. có xích mích trong việc trả lãi nợ vay, nên sau khi uống rượu Giang có xảy ra cự cãi với bà Q. vì cho rằng bà này đã đồng ý cho trả nợ gốc, không tính lãi nhưng lại tiếp tục tính.
Trần Hoàng Giang bị công an bắt giam vì bắn chết chủ nợ cho vay nặng lãi- Ảnh: Thanh Anh
Sau khi Giang về nhà, bà Q. dẫn theo nhiều người mang hung khí đến nhà Giang để “nói chuyện phải quấy”. Đang ngủ, nghe vợ báo tin bà Q. đi cùng nhiều người có hung khí đến tìm, Giang liền xách khẩu súng hơi tự chế ra bắn nhiều phát vào nhóm người của bà Q. Hậu quả bà Q. và 2 người trong nhóm bị thương phải đưa đi bệnh viện cấp cứu, sau đó bà Q. tử vong, còn Giang bị công an bắt giam về tội giết người.
Dân không dám tố giác vì vẫn sợ tín dụng đen
Theo mộtvị luật sư ở Tiền Giang, việc người dân trót vay tiền lãi suất cao của tín dụng đen thì cần yêu cầu đưa vụ việc ra tòa án giải quyết theo các quy định của pháp luật, vì trên thực tế đây là quan hệ dân sự. Nhưng nếu bọn tội phạm tín dụng đen có các hành vi đe dọa sức khỏe, tính mạng của con nợ để đòi tiền, đập phá hủy hoại tài sản của con nợ thì các nạn nhân cần phải thông báo cho cơ quan công an sở tại để xử lý.
Tuy nhiên, theo đại tá Nguyễn Hữu Trí, Giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang, dù thời gian qua công an các cấp đã tăng cường xử lý tội phạm tín dụng đen nhưng việc đấu tranh xử lý tội phạm cho vay nặng lãi gặp nhiều khó khăn, vì hầu hết nạn nhân không chịu tố giác với cơ quan công an.
Chỉ đến khi họ bị những kẻ trong đường dâytín dụng đen khủng bố tinh thần, đe dọa, hành hung người vay để đòi nợ thì công an mới biết và vào cuộc, nên hoạt động của loại tội phạm này vẫn còn diễn biến phức tạp. Thống kê của Công an tỉnh Tiền Giang cho thấy, hiện tại trên địa bàn tỉnh có 8 công ty và 197 cá nhân có dấu hiệu cho vay nặng lãi. Công an tỉnh đã lập hồ sơ quản lý 77 người; cảm hóa, giáo dục, cho làm cam kết không hoạt động cho vay nặng lãi 134 người; tổ chức kiểm tra 5 băng, nhóm với 26 ngườicho vay nặng lãi với lãi suất từ 20 - 30%/tháng.
Gần đây nhất, vào cuối tháng 10.2018, Công an tỉnh Tiền Giang và Công an TP.Mỹ Tho đã triệt phá mộtbăng nhóm chuyên cho vay nặng lãi từ miền Bắc vào địa bàn xã Trung An, TP.Mỹ Tho hoạt động. Băng nhóm này do Trần Văn Hạnh (SN 1981, ngụ đường Phủ Thượng Đoạn, P.Đông Hải 1, Q.Hải An, TP.Hải Phòng) cầm đầu, dưới trướng có 4 đàn em cùng quê Hải Phòng.
Tại đây, cơ quan công an phát hiện nhóm đối tượng này đang tàng trữ nhiều tờ rơi quảng cáo cho vay trả góp, nhiều bộ hồ sơ vay tiền gồm có giấy CMND, giấy phép kinh doanh, sổ hộ khẩu…
Nhóm nàythừa nhận phương thức cho vay của bọn chúng là vay 5 triệu đồng thì mỗi ngày người vay tiền phải đóng 200.000 đồng và phải đóng đủ trong vòng 30 ngày. Người vay không cần thế chấp tài sản, chỉ cần có giấy CMND hoặc sổ hộ khẩu là được vay tiền. Nhưng nếu người vay không trả tiền đúng hạn thì bọn chúng sẽ mang hung khí tìm đến tận nhà để đòi nợ.
Thanh Anh