Văn chương người Việt ngoài cõi: Vừa yêu thương vừa muốn tàn phai
Văn hóa - Ngày đăng : 08:46, 08/02/2019
Ngôn ngữ mang căn tính và chuyển tải những thông điệp từ linh hồn của một con người. Tiếng mẹ đẻ vốn được xem là xác định căn tính của từng tộc người. Nhưng ở một chốn khác, khi một con người sinh ra ở nơi chôn nhau cắt rốn của mình, nhưng lại phải di cư từ lúc bắt đầu biết nói, từ lẫn lộn tiếng mẹ đẻ với một ngoại ngữ nơi mình đến cho đến khi xem ngôn ngữ nơi mình ở là tiếng nói của mình thì tiếng mẹ đẻ chỉ còn là âm vọng. Và vì tôi không phải là một nhà nghiên cứu về ngôn ngữ, cho nên xin phép không đi sâu ở khía cạnh này, mà chỉ nói đến dòng văn học của những nhà văn gốc Việt viết bằng một góc nhìn khác.
Nhà văn Kim Thuý với tác phẩmRuđược đề cử giải “The New Academy” thay thế cho Nobel văn học 2018 vừa qua đã làm cho giới văn chương… giật mình. Bà là một cái tên… không quen cho đến khi lọt vào danh sách đề cử, nhưngRuvốn đã đoạt giải thưởng văn học Canada 2015 và lọt vào danh sách danh dự trong thể loại tiểu thuyết Pháp của lục địa cũ. Ngay sau đó cuốn sách đã được dịch ra 27 thứ tiếng.
Trong số những nhà văn gốc Việt được nêu tên ở trên rời khỏi Việt Nam từ nhỏ, Kim Thuý ra đi từ thuở niên thiếu, ở tuổi lên mười, bà nói sõi tiếng Việt và có thể nhớ hầu hết các ký ức về Việt Nam những năm sau 1975. Thế nên, khi chọn tựa sách, bà cũng đã ý thức về ngôn ngữ của mình: ru, tiếng Việt nghĩa là giai điệu của những bài hát người mẹ ầu ơ ru con; tiếng Pháp có nghĩa là một con suối nhỏ (rill). Gộp cả hai nghĩa của hai ngôn ngữ khác nhau trong tựaRu, Kim Thuý đã kể lại câu chuyện đời mình tựa như dòng suối nhỏ chảy miên man trong ký ức về đất mẹ cho đến những ngày tha hương tìm kiếm một vùng đất mới để lớn lên.
Tiếng Việt là một trong những ám ảnh về vùng đất trong ký ức của Kim Thuý. Mở đầuRubà đã đặt tên nhân vật và lý giải nó hoàn toàn mang thân phận của một người Việt ly hương: “Khi chào đời tôi được đặt tên giống như tên của mẹ tôi nhưng khác dấu, Nguyễn An Tịnh, và mẹ tôi là Nguyễn An Tĩnh. Tên tôi chỉ là một biến thể của tên mẹ tôi, chỉ đơn giản là một dấu chấm dưới chữ “I” thay vì dấu ngã trên đầu đã làm nên sự khác biệt, và tách rời tôi ra khỏi mẹ tôi theo một nghĩa nào đó. Tôi là bản sao và là phần nối dài của mẹ, ngay cả ý nghĩa của tên tôi và tên mẹ trong tiếng Việt cũng đã nói lên điều đó.Trong tiếng Việt, tên mẹ tôi có nghĩa là “không gian yên bình” và tên của tôi nghĩa là “yên bình trong tâm trí”. Mẹ tôi cho rằng tôi là phần tiếp theo của bà, rằng tôi sẽ viết tiếp câu chuyện cuộc đời của mẹ”.
Thừa nhận “mình là kẻ nhận thừa kế của chiến tranh. Cuộc sống và thơ của tôi cố gắng điều tra cái giao điểm làm nên ý nghĩa của một người Mỹ sinh ra từ bạo lực, làm nên nghĩa lý từ bạo lực”, Ocean Vương, nhà thơ và là nhà viết luận văn người Mỹ gốc Việt sinh năm 1988, rời khỏi Việt Nam từ năm hai tuổi theo mẹ và dì ruột. Anh cũng đoạt giải Thơ TS Eliot của Anh năm 2017 cho tập thơ đầu tayNight Sky and Exit Wounds(Trời đêm những vết thương xuyên thấu), sau khi đã đoạt nhiều giải văn chương của Mỹ (giải Pushcart năm 2014, giải Whiting năm 2016, giải Forward năm 2017…).
Nhà thơ Hoàng Hưng đã dịch và NXB Văn Học đã xuất bản tập thơ Trời đêm những vết thương xuyên thấu vào tháng 11/2018, tại Việt Nam. Những vần thơ anh gieo như cách người ta bước lên từng nấc thang rồi đi vào bên trong những nỗi đau, cao dần, chất ngất.
Chủ tịch hội đồng giám khảo Bill Herbert đã nói về tập thơ này: “Có một sức mạnh không thể tin nổi trong câu chuyện… có bí mật nằm sâu trong cuốn sách nói về cái nghiệp truyền qua các thế hệ, kẻ di dân chấm dứt quan hệ với quá khứ của mình, với người cha và với tính dục của mình. Tất cả thể hiện rõ trong việc xây dựng hình ảnh thật khác thường.Cách nhìn thế giới của cuốn sách thật đáng kinh ngạc”.
Có một câu chuyện cũng bắt đầu từ cái tên, ở Việt Nam, tên của Vương trong khai sanh là Vương Quốc Vinh. Sang Mỹ, có lần một người Mỹ hỏi mẹ Vương thằng bé tên gì, bà đọc tiếng Anh là “bitch” (beach – bãi biển), nhưng phát âm của bà khiến mọi người đều bật cười vì nghe như “con đĩ”, bà bối rối một lúc thì người ấy nói: “Sao bà không gọi nó là Ocean?” – “Nghĩa là gì?”, bà hỏi – “Nghĩa là đại dương, nó rộng lớn hơn nhiều và ở bên kia của đại dương là bờ biển Việt Nam đó!” Ngay lập tức, bà gọi thằng con mình là “Ocean” – từ đó, nhà thơ đã lấy làm bút danh của mình.
Ẩn ức về cội nguồn ngay từ khi lọt lòng và rồi được mẹ với dì đưa đi đến một vùng đất khác đã khiến cho nhà thơ trẻ tuổi này không thôi day dứt về thân phận ly hương của một con người. Cũng như tất cả những kẻ phải xa rời mảnh đất nơi mình sinh ra, tìm đến một nơi chốn khác, xây cho mình một cuộc đời ở đó mà trong lòng luôn băn khoăn những câu hỏi về số phận: Tại sao mình không được chọn nơi sinh ra và cả chọn nơi mình ở, mà luôn bị dồn đuổi đến một chỗ, buộc phải gắn vào như một thứ chùm gởi, không thể đâm cội?
Nhưng dẫu cho những thân phận người có cư lưu chốn nào, thì sự quy hồi vĩnh cửu vẫn là điều kiện để con người khả tử vừa nhận ra sự hữu hạn của mình, vừa chối bỏ sự phi lý ấy để tìm cách yêu thương.
Torso of air
Bài thơAirchaic Torso of Apollocủa thi sĩ người Đức Rainer Maria Rilke kết thúc với câu “Bạn phải thay đổi cuộc sống”.Torso of Airlà đoạn thơ ngắn như lời Ocean Vương trò chuyện với bài thơ này – bằng những suy đáp, qua những hình ảnh bất ổn bí ẩn về thân thế và biểu tượng, đặt nghi vấn nếu chúng ta thật sự “thay đổi”.
Giả sử bạn thay đổi cuộc sống
& thân thể là thứ vượt trên cả
một phần của đêm – đóng dấu
bằng những vết tím bầm. Giả sử bạn thức dậy
& tìm thấy bóng mình được thay thế
bằng một con sói đen. Thằng bé, xinh đẹp
đã bỏ đi. Thay vào đó bạn cầm dao hướng về
bức tường. Bạn đục khoét và đục khoét
đến khi một lỗ sáng xuất hiện
& bạn dán chặt con mắt vào đó
cuối cùng, thứ ánh sáng hạnh phúc.
Cặp mắt từ phía bên kia
chằm chằm nhìn lại
– chờ đợi!
Hòa Binh Lêdịch
Chân Khanh(theo TGTT)